Ông Đặng Văn Thành, người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (người cầm micro) đang trao đổi về những thách thức của thế giới thay đổi với các doanh nhân trẻ.

Ông Đặng Văn Thành, người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (người cầm micro) đang trao đổi về những thách thức của thế giới thay đổi với các doanh nhân trẻ.

Doanh nhân phải thay đổi trước khi thời thế biến đổi

Thế giới đang bước vào vòng xoay mới, từ thế giới ta vẫn biết sang một thế giới chưa thể phác hoạ rõ nét. Trong điểm xoay chuyển này, doanh nhân Việt Nam có thể không tránh khỏi “thương tích”, nhưng họ sẽ bước ra với nhiều bài học thành công.

Kinh doanh là được phép sai lầm

VP Bank trở thành một “hiện tượng” khi đứng thứ 8 về tổng tài sản, thứ 6 về quy mô vốn chủ sở hữu trong danh sách 11 ngân hàng niêm yết.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VP Bank không cho rằng, sự phát triển đó của VPBank là bất ngờ. Một nguyên do đến từ khẩu vị khác biệt khi nhắm vào các phân khúc có tính rủi ro cao, đi kèm lợi nhuận cao.

“Chúng tôi nhằm vào nhu cầu của hơn 93 triệu người dân Việt Nam, cũng như ngành tiêu dùng, ngành bán lẻ... Đó là nhu cầu vô tận. Đây không phải là lựa chọn duy nhất của VP Bank, mà còn của rất nhiều ngân hàng khác, vấn đề là cách thức triển khai. Chúng tôi cố gắng làm tốt các dịch vụ mà người dân bình thường chưa nhận được từ ngân hàng khác”, ông Nguyễn Đức Vinh nói.

Làm kinh tế phải nhìn vào đội ngũ doanh nhân dân doanh. Cả triệu người kinh doanh thì sẽ có đội quân hùng mạnh.

- Ông Vũ Văn Tiền,
Chủ tịch Tập đoàn Geleximco

Bốn đối tượng mà VP Bank nhắm đến đều được cho là ẩn chứa nhiều rủi ro, đó là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương và vay tiêu dùng. Song, đổi lại, theo các thông tin cập nhật trên thị trường, FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng đang trở thành "gà đẻ trứng vàng" của VPBank, đóng góp một nửa vào tổng lợi nhuận của ngân hàng, chiếm 48% thị phần trong lĩnh vực này.

Thực ra, kinh doanh trong ngành ngân hàng là kinh doanh… rủi ro của nền kinh tế.

“Không có ai có thể làm tốt ngay từ lần đầu tiên. Vấn đề là tổ chức một hệ thống để phát hiện, phân tích, đánh giá, xử lý rủi ro như thế nào. Phải vừa làm vừa sửa, nhưng sai ít thôi... Quản trị rủi ro không chỉ dành riêng cho ngành ngân hàng.

Tôi thấy vui vì 10 năm nay, nợ xấu là danh từ có lẽ được sử dụng nhiều nhất từ Chính phủ, các cơ quan, người dân và báo chí khi nói về nền kinh tế. Khi nhìn như vậy, quản trị rủi ro sẽ được coi trọng và đó là hướng ra tích cực”, Tổng giám đốc VP Bank chia sẻ quan điểm.

Tất cả đều đang bước ra với những vết thương, nhưng cùng với nhiều bài học lớn

- Ông Trần Đức Vinh,

Tổng giám đốc VP Bank

Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên gia nhập thị trường cùng hàng loạt tên tuổi lớn khác như Á Châu, Sacombank, Techcombank... trải qua nhiều thăng trầm, các cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế. Ông Vinh cho rằng, tất cả đều đang bước ra với những vết thương, nhưng có nhiều bài học lớn.

VP Bank bỏ túi được 3 bài học. Thứ nhất, chọn lĩnh vực nằm trong nhu cầu tăng trưởng. Thứ hai, tập trung và kiên định vào mục tiêu đã xác định. Thứ ba, họ tự tin đã tập hợp được một đội ngũ dù chưa phải đã giỏi nhất thị trường, nhưng đồng lòng từ HĐQT đến ban điều hành, tạo nên một thông điệp cho chiến lược với mục tiêu nhất quán.

Giới hạn khiến con người mạnh mẽ

“Thành công không liên quan đến việc bạn sinh ở đâu, chính phủ hỗ trợ gì, mà hoàn toàn là do ý tưởng của bạn”, tỷ phú Nepal, ông Binod Chaudhary, Chủ tịch Tập đoàn CG Corp và Tập đoàn Chaudhary chia sẻ với các doanh nhân Việt Nam khi ông có dịp tới TP.HCM.

25 năm qua, Nepal đã trải qua 26 chính phủ khác nhau khi chuyển đổi thể chế, nhưng giới kinh doanh ở đất nước này vẫn luôn ở thế trỗi dậy. Thậm chí, năm 2017, 2 năm sau trận động đất rúng động cả thế giới, cướp đi sinh mạng gần 9.000 người, 22.000 người bị thương, phá hủy 900.000 ngôi nhà, làm kinh tế quốc gia có dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam thiệt hại gần 10 tỷ USD (một nửa tổng GDP cả nước), đất nước này vẫn có mặt ở vị trí thứ 3 trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất năm 2017 theo đánh giá Ngân hàng Thế giới (WB) trong Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2017.

“Người Nepal rất giống với người Việt Nam ở ý chí bất khuất, đấu tranh, trải qua nhiều thay đổi, nhưng vẫn xông pha. Có lẽ những giới hạn về tự nhiên, xã hội… khiến con người chúng ta mạnh mẽ”, tỷ phú Nepal nói.

Chúng tôi coi trọng giá trị kế thừa, lâu dài ngoài mục tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp nào cũng đeo đuổi.

- Bà Nguyễn Thị Nga,
Chủ tịch Tập đoàn BRG

Ông Đặng Văn Thành, người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, đang đầu tư vào 5 ngành chia sẻ quan điểm của người đồng nghiệp từ Nepal khi ông cùng ngồi trao đổi về kinh doanh.

Ngay từ năm 2006, khi ông Thành quyết định mua lại 68,52% cổ phần tại Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh, nhiều người cho đó là sự phá bỏ giới hạn. Khi đó, đối tác nước ngoài trong Công ty là tên tuổi lớn, đã không đủ kiên nhẫn với khoản đầu tư đã 15 năm nhưng chưa hòa vốn, thị trường mìa đường thì khó khăn. Còn Thành Thành Công là một doanh nghiệp tư nhân. Vào thời điểm đó, đây là một sự kiện đặc biệt vì khu vực này mới được ghi tên trong nền kinh tế Việt Nam vừa tròn 15 năm (tính từ Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990).

“Chúng tôi cần chứng minh, nền kinh tế có thể yên tâm vào sự đóng góp của các thành phần kinh tế, bởi người kinh doanh cũng có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và chính sự phát triển của doanh nghiệp của mình”, ông Thành chia sẻ.

Ngay thời điểm đó, ông Thành kể, Chủ tịch Bourbon Tây Ninh cũng nói với ông rằng, chỉ TTC mới đủ điều kiện tiếp tục đưa doanh nghiệp này không phụ lòng nông dân, khách hàng.

Kể từ đó, ông Thành xác định nông dân sẽ có mặt trong các kế hoạch phát triển, hội nhập thị trường quốc tế của Thành Thành Công. Thậm chí, các kế hoạch trên đồng ruộng chính là nền tảng cơ bản nhất để nói đến năng suất, chất lượng của sản phẩm TTC, chứ không chỉ là công việc trong nhà máy...

Lúc này, ông Thành muốn nói tới quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào năng lượng tái tạo. Động lực thúc đẩy kế hoạch này, theo ông, là quyết định ngừng dự án điện hạt nhân.

“Kinh tế và năng lượng có lệ thuộc hữu cơ. Việc tìm nguồn năng lượng thay thế như điện mặt trời rất thuận lợi cho Việt Nam nhờ bức xạ tốt. Tính khả thi, khả năng triển khai các dự án điện này rất tốt, không ảnh hưởng môi trường. Chúng như các giá phơi bánh tráng, làm rất nhanh...”, ông Thành dí dỏm.

Như xưa nay, tôi làm nhà băng cũng vậy, tôi không sĩ diện…

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công   

Tất nhiên, kinh doanh luôn đối mặt với thách thức, nhất là khi địa hạt họ đặt chân còn mới mẻ. Với TTC, nguyên tắc là tập trung quản trị, kiểm soát và chấp nhận học hỏi.

Tháng 10/2017, TTC sẽ khởi công dự án điện mặt trời tại Huế, chọn đơn vị chìa khóa trao tay để làm thương vụ đầu tiên. Và dù đội ngũ TTC có thể thiết kế những cái giá đặt tấm pin, nhưng Tập đoàn xác định sẽ bỏ chi phí vừa làm vừa học.

“Như xưa nay, tôi làm nhà băng cũng vậy, tôi không sĩ diện...”, ông Thành nói.

Hiện tại, mía đường vẫn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn hoạt động trong 5 ngành do ông sáng lập. Ông cho rằng, cần xác định lĩnh vực cốt lõi để tạo nền tảng để tiếp cận các lĩnh vực mới khi có cơ hội. Nhưng thời thế đang xoay chuyển, cũng không loại trừ, sau năm 2020, ngành năng lượng có thể hoán đổi vị trí với mía đường của TTC.

Đường băng rộng mở

Trái đất vẫn quay, đồng hồ không dừng lại, giống như những thăng trầm mà Nepal đã trải qua. Và giờ đây, thế hệ doanh nhân trẻ của họ đang trỗi dậy, giống như ở Việt Nam. Ông Binod Chaudhary đang nhìn thấy thế hệ Y, Z ngày càng có thế lực trong nền kinh tế Nepal và cả Việt Nam.

Ba năm nữa, thế hệ Y - những người sinh trong giai đoạn 1986 - 2000, sẽ là thành phần lớn nhất, chiếm 43,4% trong lực lượng lao động, đồng thời là lực lượng tiêu thụ chính tại Việt Nam. Đây là thế hệ sinh ra trong thời bình, tiếp nhận sự đa dạng về thông tin, văn hóa và lạc quan hơn thế hệ trước.

Trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu với ông Trần Hùng Huy (con trai ông Trần Mộng Hùng sáng lập ACB) là việc nằm ngoài kế hoạch. Nhưng khi đã nhận nhiệm vụ, người kế thừa phải thể hiện tinh thần trách nhiệm. Ông Huy đang làm việc mười mấy tiếng mỗi ngày.

Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy (người kế thừa của bà Dương Thanh Thủy - sáng lập Tập đoàn) hiểu rằng, doanh nghiệp còn là đứa con tinh thần của thế hệ đi trước... Để kế nghiệp thành công, họ biết rằng, cần phải học cách tôn trọng giá trị thế hệ đi trước tạo lập, nhưng không ỷ lại.

Lúc này, ông Thành, ông Vinh và thế hệ đi trước có thể trở thành quân sư cho thế hệ sau dựa trên những nền tảng có sẵn. Còn việc kiến tạo giá trị mới đang  trong tay giới trẻ. Họ có thể cũng không tránh khỏi “thương tích”, nhưng một hế hệ doanh nhân Việt Nam mới đang thành hình trong cuộc thay đổi không ngừng nghỉ…

Tin bài liên quan