Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền

Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền

Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền: Lấy miền xuôi nuôi… nông nghiệp

Quyết định “rẽ ngang” sang nông nghiệp của CEO Nguyễn Thị Bảo Hiền khiến Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê tiêu tốn nhiều trăm tỷ đồng và chưa thu được đồng lợi nhuận nào. Nhưng người phụ nữ này có một niềm tin mãnh liệt với con đường đã chọn…

Nước cờ lớn

Sau nhiều năm làm ăn với các “ông lớn” Nhật Bản, Hàn Quốc, với vai trò là nhà cung cấp linh kiện điện tử, bao bì…, bà Bảo Hiền đã đi một nước cờ lớn khi lấn sân sang làm nông nghiệp. Tay ngang, không am hiểu nhiều về lĩnh vực mới, bà Hiền mất tới 5 năm để tìm hiểu, với hàng trăm chuyến đi, hàng chục cuộc gặp gỡ với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… trước khi làm thật.

“Tại Trung Quốc, tôi từng đến những nơi mà người dân cũng làm nông nghiệp, nhưng họ rất giàu. Nhìn họ, tôi thật thèm khát và thầm nghĩ, tại sao nông dân nước mình không được như vậy”, bà Hiền trải lòng về quyết định rẽ ngang của mình.

fig come hereNghề nghiệp chính của tôi là luyện cán thép, điện tử, bao bì, không hề liên quan đến nông sản. Có cơ hội đi nhiều, tôi nhận thấy, công nghệ chế biến đang là khoảng trống của nông nghiệp Việt Nam, nếu đầu tư cho chế biến sâu thì dư địa thị trường rất lớn, doanh nghiệp lẫn nông dân đều được lợi. Còn trước hết, khi làm nông sản sạch, quan trọng nhất là phục vụ cho chính cuộc sống của chúng ta, được ăn sạch, uống sạch, nông dân được giàu có, thì đó là khao khát của tôiDoanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền

Từ khát khao làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương mình, bà Hiền bắt tay hành động ngay. Lần lượt các nhà máy chế biến rau quả mọc lên bề thế tại Hải Dương và các vùng sản xuất lớn tại Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Giang..., cung cấp các loại nông sản như khoai sọ, đậu tương, vải thiều… cho khách hàng Nhật Bản, Anh quốc.

Những ngày cuối năm 2018, 20 ha trồng đậu tương xuất khẩu mà Hiền Lê đầu tư tại thôn An Hòa, xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng đang trong cao điểm thu hoạch để kịp thời vận chuyển về nhà máy chế biến, đóng gói tại Hải Dương và sau đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Trực tiếp tới đồng ruộng kiểm tra chất lượng đậu tương cùng các chuyên gia Nhật, bà Hiền cho biết, đây là mùa vụ thu hoạch đậu tương thứ 3 của Công ty. Tập đoàn Nosui (Nhật Bản) là trợ thủ đắc lực cho Hiền Lê trong hành trình đầu tư nông nghiệp, từ giống, làm đất, gieo trồng, loại trừ sâu bệnh và chế biến, đóng gói trước khi xuất khẩu.

“Làm ăn với Nosui đã lâu, nhưng khi nghe ông chủ tập đoàn này than rằng, ông từng đáp 30 chuyến bay tới Việt Nam tìm nhà cung cấp nông sản mà không thành công, tôi chợt nghĩ, Hiền Lê cũng có thể trở thành nhà cung cấp nông sản theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản”, bà Hiền kể.

Đánh trúng vào những sản phẩm nông sản nhiệt đới mà thị trường có nhu cầu lớn, Công ty Hiền Lê không chỉ chốt được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản, mà đã có thêm được khách hàng tại Anh. Chính Tập đoàn Nosui làm “bà mối” để Hiền Lê có được khách hàng mới này.

Lấy miền xuôi, nuôi miền ngược

Những khó khăn bước đầu đã tạm đi qua, nhưng với bà Hiền, đầu tư nông nghiệp vẫn ở giai đoạn đầu. Bài toán dồn điền, đổi thửa để có diện tích đủ lớn, đầu tư đạt sản lượng để chế biến sâu, đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng nhập khẩu luôn là thử thách lớn với người phụ nữ này.

“Khó khăn lớn nhất là câu chuyện dồn điền đổi thửa, bởi một bộ phận lớn nông dân vẫn còn tư duy cũ, cách làm cũ rất manh mún, như vậy khó mà tiến xa. Từ kinh nghiệm quy tụ ruộng đất trong thời gian qua tại Hải Phòng, tôi nhận thấy, nếu tập trung sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn thì hiệu quả rất cao, đặc biệt khi có được sự đồng thuận giữa chính quyền xã với bà con nông dân để cùng ‘chia lửa’ với doanh nghiệp”, bà Hiền chia sẻ.

Trong chiến lược phát triển của Hiền Lê, Hải Phòng sẽ là hướng đầu tư mạnh của Công ty, vì đây là thành phố công nghiệp, nông dân bỏ ruộng làm ngành nghề khác nhiều, nên việc tích tụ ruộng đất sẽ thuận lợi hơn. Quan trọng là chính quyền địa phương rất hợp tác để Hiền Lê có thể mở rộng được hạn điền.

Bà Hiền kể, đầu tư cho nông nghiệp cần một lượng vốn khổng lồ. 5 năm đi tìm hiểu, 3 năm bắt tay vào thực hiện, bà chưa thu được một đồng lợi nhuận nào và đang phải “lấy miền xuôi nuôi miền ngược”. Hiền Lê đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho Nhà máy chế biến rau quả tại Hải Dương và dù chưa chạy hết công suất, mỗi tháng, nhà máy tiêu tốn cả tỷ đồng chi phí.

“Không thể đòi hỏi có ngay lợi nhuận bỏ túi được. Chúng tôi xác định vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, làm sao để cải thiện đồng đất và thay đổi tư duy làm nông nghiệp của bà con nông dân, tập trung sản xuất chất lượng, hướng vào sản phẩm xuất khẩu để có thể đi đường dài”, bà Hiền nói.

Mảng kinh doanh cốt lõi đang là điểm tựa chính cho những khoản đầu tư vào nông nghiệp chưa mang lại lợi nhuận. Chẳng thế mà bà Hiền không tiếc tiền trang bị máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất cho nông dân. Toàn bộ máy móc thế hệ mới đã được Công ty đặt hàng nhà sản xuất nước ngoài để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hao tiền, tốn của, nhiều đêm thấp thỏm không yên, nhưng bà Hiền có niềm tin vào con đường mình chọn. “Đối tác Nhật Bản đánh giá cao sản phẩm của chúng tôi về độ sạch, công nghệ, sản phẩm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của thị trường Nhật. Khách hàng nói với chúng tôi, Hiền Lê là doanh nghiệp đầu tiên tại miền Bắc làm họ hài lòng”, bà Hiền không giấu được niềm tự hào.

Công nghệ chế biến là khâu yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng bà Hiền không ngại. “Nhu cầu về nông sản của thế giới rất lớn, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, vấn đề là chất lượng sản phẩm, phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng chất bảo vệ thực vật. Hiền Lê chắc chắn sẽ đi theo cách này”, bà Hiền khẳng định.

Với quan niệm phải đầu tư bài bản, làm lớn để tận dụng cơ hội thị trường, đầu năm 2019, Hiền Lê sẽ phát triển thêm 200 ha trồng đậu tương, phấn đấu đến cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm 2020 sẽ tăng lên thành 500 ha. Năm 2019, Công ty có kế hoạch xuất khẩu 1.500 tấn đỗ tương, 500 tấn khoai sọ thành phẩm, 100 tấn vải cấp đông. Nhà máy chế biến tại Hải Dương sẽ được đầu tư mở rộng để nâng công suất gấp 3 lần hiện tại.

“Làm nông sản sạch để phục vụ chính cuộc sống của chúng ta, nông dân có thể giàu có từ ruộng đất của mình, đó chính là khao khát của tôi”, bà Hiền chia sẻ.

Tôi vẫn đi con đường đã chọn

Lao tâm, khổ tứ với nông nghiệp trong những năm qua, có lúc nào bà muốn bỏ cuộc?

Thấy tôi quá vất vả khi dấn thân sang lĩnh vực mới, đã không ít lần gia đình, chồng con đều khuyên tôi dừng lại, kể cả có đầu tư rồi cũng bỏ đi, coi đó là bài học. Nhưng sau tất cả, tôi vẫn đi con đường đã chọn.

Điều gì đã tiếp lửa cho bà, trong khi ở tuổi này, không ít phụ nữ đã chọn sự an yên bên gia đình, con cháu?

Người giữ được tôi trụ lại với lĩnh vực đầu tư mới này không ai khác là các chuyên gia, lãnh đạo Tập đoàn Nosui. Hiền Lê đi được đến chặng đường này trong mảng nông nghiệp cũng là ngần ấy thời gian các chuyên gia của Nosui đã không quản nắng mưa sát cánh cùng chúng tôi dưới cánh đồng. Đại diện Tập đoàn Nosui nói rằng, họ không đầu tư tài chính cho Hiền Lê, nhưng sẽ đầu tư bằng tinh thần, bằng chất xám của họ, làm sao để sản xuất được nông sản sạch cho thế giới. Đó chính là nguồn động lực để tôi đi qua khó khăn và quyết tâm phải làm thật tốt.

Bà có dự định gì trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán?

Tôi sẽ ở nhà thôi. Tôi còn mẹ chồng, năm nay bà 90 tuổi rồi, bà rất truyền thống, cũng khó tính nữa. Tôi sẽ thư giãn, nghỉ ngơi bằng cách ăn Tết tại gia.

Tin bài liên quan