Cuối năm 2017, Fshop bước chân vào lĩnh vực kinh doanh mới khi mua lại toàn bộ cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu tại TP.HCM. Tại sao lại chọn Long Châu chứ không phải những cái tên khác? Bà Điệp cho biết, ở thời điểm đó, các chuỗi khác như Pharma, Phúc An Khanh có doanh thu 200-700 triệu đồng/tháng, còn Long Châu đạt 3 tỷ đồng/tháng.

Theo bà Điệp, có nhiều lý do giúp Long Châu đạt doanh thu cao hơn các chuỗi khác, trong đó lý do chính là số lượng thuốc (STU) đạt khoảng 6.500-7.000, trong khi các chuỗi khác chỉ có khoảng 1.500.

Bà Điệp cho biết, trong quý I/2018, Fshop đã mở 10 nhà thuốc mới và năm nay sẽ mở khoảng 40 nhà thuốc. Tuy nhiên, từ năm sau sẽ mở mới khoảng 100 nhà thuốc mỗi năm để 3-4 năm tới sẽ có khoảng 400 nhà thuốc trong hệ thống, với mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần bán lẻ thuốc tại Việt Nam.

“Phân phối thuốc khác phân phối điện thoại di động, bởi đây là ngành nghề có điều kiện, Nhà nước kiểm tra kỹ, nhân viên bán hàng phải có tiêu chuẩn bằng cấp y dược, rồi điều kiện về cơ sở vật chất như phòng ốc, bảo quản máy lạnh…, song có điểm tương đồng như cách đây vài năm, đó là bán lẻ thuốc vẫn đang tập trung phân phối qua nhiều cấp, tỷ trọng nhà sản xuất đưa trực tiếp ra nhà thuốc để bán tới tay khách hàng rất thấp. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi, khi mình đủ lớn, nhà sản xuất sẽ bắt tay với mình, vì họ cũng cần bán được nhiều hàng”, bà Điệp tự tin.

Điểm thuận lợi với nữ doanh nhân này là bà có thể đưa các kinh nghiệm phát triển chuỗi từ lĩnh vực phân phối điện thoại sang phân phối thuốc, nên biết rõ để tạo ra chuỗi cửa hàng cần những bước nào, thiết lập, củng cố hệ thống ra sao… Cái khó nhất cho đến giờ này, theo chia sẻ của bà Điệp, là nhân sự.

Theo bà Điệp, nhiệm vụ của Fshop là làm sao để khách hàng tin mình, nhà sản xuất cần mình. Cho đến giờ này, đã có nhiều nhà cung cấp bán hàng trực tiếp qua Long Châu và người đứng đầu FPT Retail tin rằng, tỷ lệ nhà cung cấp sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới.

So với các nhà thuốc truyền thống, vũ khí cạnh tranh của những cửa hàng hiện đại sẽ là áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động và vận hành, hay nói cách khác là tự động hóa tối đa các công đoạn.

Chẳng hạn, trong quản trị hạn sử dụng của hàng hóa, kệ trống thuốc, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ…, các chủ nhà thuốc thường làm thủ công, tuy nhiên, ở những chuỗi phân phối hiện đại, những công việc này đều được tự động hóa, tối ưu được rất nhiều nguồn lực.

Với một doanh nhân luôn đầy ắp ý tưởng như bà Điệp, mọi việc dường như đã được tính toán, một trong số đó là tận dụng tối đa những tiện ích có được từ chuỗi.

Luôn tìm mọi cách thỏa mãn yêu cầu của khách hàng nên bà Điệp rất coi trọng các ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh.

Khi mới tạo dựng chuỗi cửa hàng Fshop, ban đầu bà cũng sử dụng dịch vụ thuê ngoài, nhưng sau gần 2 năm, nhận thấy tình hình không ổn, số liệu và các tính năng của hệ thống không đáp ứng được yêu cẩu.

Vậy là bà quyết định lập một đội viết phần mềm khoảng 40 người. Mọi yêu cầu phải được thay đổi rất nhanh, họ phải xoay liên tục, nếu có hư hỏng hay khi nhận được yêu cầu phải sửa ngay lập tức...

Đó cũng là bí quyết để Fshop luôn giải quyết được những bài toán khó, vốn chỉ có đặc thù trong ngành để giành được thiện cảm của khách hàng.

Quy mô thị trường thuốc Việt Nam hiện vào khoảng 5 tỷ USD, trong đó gần 50.000 nhà thuốc chia sẻ miếng bánh 1,5 tỷ USD mảng thuốc bán lẻ. Nếu chiếm lĩnh được 30% thị phần như tham vọng ở trên, bà Điệp sẽ có trong tay khoảng 10.000 tỷ đồng doanh thu, con số không kém so với phân phối điện thoại. Tất nhiên, sẽ không chỉ đơn giản là bán thuốc, bà Điệp cho biết, sẽ liên kết với các phòng khám, bệnh viện để gia tăng cả thị phần ở kênh điều trị, nhưng trước mắt sẽ dồn lực để tập trung xây chuỗi cửa hàng nhằm thu hút khách hàng.

Cuộc phiêu lưu mới của bà Điệp và các cộng sự được tạo lập trên ý thức luôn luôn tìm kiếm các không gian kinh doanh mới. Mỗi năm, tăng trưởng từ phân phối điện thoại đạt hơn 10%, nhưng thị trường hiện đã bão hòa ở mảng mở shop. Theo bà Điệp, shop điện thoại hiện quá nhiều, nếu mở thêm sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhau, nên Fshop chủ trương chỉ đến năm sau là không mở thêm cửa hàng mới.

Không mở mới cửa hàng, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng thế nào? Những phải pháp tạo kênh bán hàng mới như ra nước ngoài, kết hợp với nhà mạng để trợ giá cho khách, bán qua kênh doanh nghiệp… đã và đang được áp dụng. Tuy nhiên, đường dài là phải mở ra các lĩnh vực mới. Gần với hàng điện thoại là điện máy như Thế Giới Di Động từng làm, nhưng theo bà Điệp, các sản phẩm điện máy thường có kích cỡ lớn nên tốn diện tích, lại cạnh tranh nhiều, trong khi thị trường thuốc tuy khó, nhưng chưa có chuỗi nào dẫn đầu thị trường, bởi vậy dư địa phát triển còn rất lớn.

Mô hình chuỗi bán lẻ thuốc tân dược đã xuất hiện trên thế giới hàng chục năm về trước. Thậm chí, ở nhiều nước châu Á có nền kinh tế, quy mô dân số tương đồng Việt Nam như Thái Lan, Philippines…, chuỗi nhà thuốc đã ra đời từ những năm 1940. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường bán lẻ dược phẩm khá tập trung, với chỉ trên dưới 10 chuỗi nhà thuốc chia nhau thị phần áp đảo tại mỗi quốc gia. Số lượng nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ là không đáng kể.

Tại Việt Nam, mô hình chuỗi nhà thuốc chỉ mới xuất hiện 10 năm trở lại đây. Năm 2007, Phano Pharmacy là đơn vị tiên phong xây dựng mô hình chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại tại Việt Nam. Sau đó, thị trường mới xuất hiện thêm một vài cái tên khác như Phúc An Khang, Pharmacity, Vistar… Suốt 4-5 năm sau đó, các chuỗi nhà thuốc phát triển khá chậm cả về quy mô và số lượng cửa hàng. Một trong những lý do chính là vì người tiêu dùng trong nước vẫn chưa thực sự quen với mô hình bán lẻ thuốc tân dược.

Một hai năm trở lại đây, thị trường bán lẻ thuốc tân dược theo mô hình chuỗi nhà thuốc mới thực sự gây được tiếng vang và khiến người tiêu dùng, cũng như nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý. Đó là thời điểm mà nhiều tên tuổi mới cả trong và ngoài nước gia nhập thị trường như Vistar, KU.DOS Pharmacy, Century Pharma… Và gần đây nhất là sự gia nhập của một loạt tên tuổi trong ngành bán lẻ như FPT, Thế Giới Di Động, Digiworld…

Sự gia nhập của nhiều gương mặt mới, cũng như tiềm năng của thị trường thuốc Việt Nam đã thực sự khiến phân khúc chuỗi bán lẻ tân dược nóng hơn bao giờ hết. Trong cuộc đua mới, nữ tướng FPT Retail sẽ phải giải quyết rất nhiều thách thức, nhưng bà tự tin sẽ chinh phục được mục tiêu đã đặt ra bằng sự may mê, lòng yêu nghề, chịu khó quan sát và học hỏi.