Chuỗi cửa hàng TNG hiện có mặt ở 43 tỉnh, thành phố và dự kiến sẽ phủ kín toàn quốc trong năm 2019.

Chuỗi cửa hàng TNG hiện có mặt ở 43 tỉnh, thành phố và dự kiến sẽ phủ kín toàn quốc trong năm 2019.

Cuộc chơi trường kỳ của doanh nhân Nguyễn Văn Thời

(ĐTCK) Tốt nghiệp đại học ngành mỏ địa chất, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG lại bén duyên với ngành may mặc và đang dần hiện thực hóa ước mơ tạo dựng một thương hiệu thời trang Việt sánh vai với các thương hiệu thời trang trên thế giới. 

Là một trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lớn nhất Việt Nam, gắn với cái tên May Thái Nguyên với xuất phát điểm từ đâu, thưa ông?

Tiền thân của TNG là Công ty May Thái nguyên (Thái Nguyên Garment). Tôi quê Thái Bình, từ năm 15 tuổi, học hết phổ thông lên Thái Nguyên học đại học. Như một cơ duyên, sau khi học xong, tôi ở lại Thái Nguyên công tác và từ đó đến nay ở Thái Nguyên đã trên 40 năm. Tôi bắt đầu làm Giám đốc từ năm 1993, đến nay cũng hơn 25 năm và giờ tôi coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai, muốn đóng góp ngày càng nhiều cho vùng đất này thêm giàu đẹp.

Ông Nguyễn Văn Thời. 

Tôi làm nghề có tính rất kiên trì, kiên trì theo đuổi ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Cũng một thời kỳ mà doanh nghiệp nào cũng muốn đa ngành, làm hết ngành nọ, ngành kia, nhưng tôi chỉ theo đuổi ngành dệt may. Kiên trì, học hỏi, cuối cùng cũng đến chỗ thành công và TNG được xếp trong nhóm các doanh nghiệp lớn của ngành. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục huy động vốn, phát hành cổ phiếu, tăng vốn để mở rộng nhà máy, tạo thêm công ăn việc làm, đóng góp thêm kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia.

Năm nay, tôi dự kiến đầu tư ở mỗi huyện của Thái Nguyên thêm 1 nhà máy. Mỗi nhà máy sẽ tuyển dụng từ 2.000-3.000 lao động, bên cạnh số lượng người lao động hiện tại của các nhà máy đang hoạt động là 16.000 người. 

Nuôi giấc mơ thời trang Việt, dòng sản phẩm nào ông sẽ ưu tiên đầu tư?

Từ chỗ làm hàng gia công cho nước ngoài đạt quy mô lớn, tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu, tiến tới làm hàng FOB và ODM, tức là may sản phẩm, chào bán sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình. 

Tôi rất trăn trở là ngành dệt may Việt Nam có thương hiệu trên thị trường thế giới, chẳng hạn tại Mỹ là mình đứng trong Top 5 xuất khẩu, tại sao mình không làm chủ được thị trường trong nước?

Chính vì thế, tôi tập trung phát triển thị trường nội địa, tạo ra dòng sản phẩm khác biệt với thế giới, trước hết sử dụng công nghệ với máy móc hiện đại làm sản phẩm không đường may, bằng công nghệ dán ép, đồng thời chọn những dòng nguyên liệu thực sự thân thiện với môi trường, tiện dụng với người tiêu dùng. Tôi nghĩ chiến lược đó sẽ thành công. 

Ngày xưa thì "ăn chắc, mặc bền", bây giờ "ăn ngon, mặc đẹp". Thời trang gắn với cảm xúc trong từng sản phẩm và mỗi sản phẩm là một sự khác biệt. Làm thế nào để đạt được những yêu cầu như vậy?

Chúng tôi tiếp tục củng cố bộ phận nghiên cứu thị trường, đặc biệt là bộ phận thiết kế, không chỉ hợp tác với các nhà thiết kế trong nước, giờ đây TNG còn thuê chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ công tác này nhằm tạo ra dòng sản phẩm thân thiện phù hợp với thị trường Việt Nam.

Tôi nghĩ, nếu không bản lĩnh, không dấn thân mơ những giấc mơ lớn và có niềm tin mãnh liệt vào con đường mình đang đi, sẽ rất khó để đi đường trường.   

Dòng sản phẩm thời trang TNG hiện chủ yếu phục vụ nam, nữ công sở và được tiêu thụ khá tốt. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thêm, luôn luôn tạo ra những dòng sản phẩm mới, chất liệu mới, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tôi có thể gọi tên sơ-mi nữ, sơ-mi nam TNG hay một cái tên gì phù hợp hơn?

Sơ-mi Bamboo Bonding, sơ-mi Modal Bonding TNG. Modal, Bamboo là nguyên liệu từ sợi gỗ sồi và sợi tre, còn Bonding là công nghệ ép dán (không dùng đường may). Tôi tin sẽ đến một ngày tất cả cán bộ công sở, ai cũng sẽ sở hữu một chiếc áo như vậy.

Hiện chúng tôi đã xây dựng chuỗi cửa hàng ở 43 tỉnh, thành phố, năm tới sẽ mở rộng hơn, phủ kín hết cả nước. Khi đã phủ kín thị trường nội địa thì tính đến thị trường nước ngoài. TNG đã có văn phòng ở Mỹ, nhưng tôi muốn sản phẩm phải được ưa chuộng trong nước đã, bán tốt trong nước đã, rồi mới tính thị trường nước ngoài. 

Ông so sánh về mức giá và khác biệt như thế nào của hàng TNG với các nhãn hiệu thời trang khác, bởi sản phẩm Việt đang rất khó cạnh tranh?

Từ chính sách mở cửa của Nhà nước, các doanh nghiệp dệt may như TNG có cơ hội hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, học tập kinh nghiệm nước ngoài, từ khâu nghiên cứu mẫu mã, chọn sản phẩm đến sử dụng công nghệ hiện đại… TNG cũng đã làm cho các hãng lớn của Mỹ, của Nhật, từ đó dần dần ứng dụng vào của mình.

Tuy nhiên, với mức thu nhập của người dân, giá bán sản phẩm bao nhiêu cho phù hợp thì TNG phải tính toán. Khi có sản phẩm, cũng phải đưa ra thị trường, thử nghiệm mức như vậy người tiêu dùng có chấp nhận được không. Cho đến giờ, 43 cửa hàng của TNG tại các tỉnh đều phát triển tốt. 

Có phải ông làm thời trang mà có được sự trẻ trung phong thái như vậy, đặc biệt là doanh nhân trong thời kỳ hội nhập cần có sự tươi mới, trẻ trung và thời trang?

Ở nước ta, các doanh nghiệp chưa thực sự gắn bó với thời trang lắm, bởi vì  rõ ràng trong ngắn hạn chưa mang lại lợi nhuận. Muốn đầu tư cho thời trang "ra tấm, ra món" phải xác định lâu dài, đường trường. Thường thì doanh nghiệp tư nhân có điều kiện để làm thuận lợi hơn, chứ doanh nghiệp nhà nước thì thực sự đang rất khó. Cơ chế cổ phần đã tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp như TNG. 

Đích đến là một thương hiệu thời trang Việt còn rất gian nan, hành trình của TNG sẽ tiếp tục như thế nào, thưa ông?

Tôi xác định rất rõ, phải có thời gian, nghiên cứu từng bước một, đưa ra thị trường từng bước thì mới thành công. Rõ ràng, chúng tôi chọn dấn thân vào lĩnh vực này này cũng phải trả giá. Thời gian đầu lỗ, phải lấy lợi nhuận từ sản xuất, xuất khẩu bù vào.

Hơn nữa, bây giờ mẫu mã thay đổi liên tục, riêng thời trang thì càng ngặt nghèo bởi nếu người ta không thích thì có cho cũng không lấy, mà thích thì giá nào cũng có thể mua. Tạo ra sản phẩm phù hợp với tất cả mọi người quả thực quá khó, công sức bỏ ra rất lớn.

Chúng tôi có bộ phận nghiên cứu phát triển mẫu, phát triển thị trường quy mô và chuyên nghiệp, song cũng phải dần dần mới thành công được.

Các doanh nhân Việt Nam có thể nói đang trở thành các công dân toàn cầu. Đã có CEO một doanh nghiệp dệt may nói với tôi rằng, giấc mơ của ông là một ngày nào đó, trong hành lý của các doanh nhân có sản phẩm mang thương hiệu của công ty ông. Với TNG, niềm tin về một ngày đó sẽ không xa?

Các doanh nghiệp Việt Nam đang là những nhà xuất khẩu dệt may lớn, nhưng hiện chủ yếu đang gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Tôi nghĩ, nếu không bản lĩnh, không dấn thân mơ những giấc mơ lớn và có niềm tin mãnh liệt vào con đường mình đang đi, sẽ rất khó để đi đường trường. Tôi tin, ngành dệt may Việt Nam rồi sẽ bán được bằng chính thương hiệu của mình. Khi ấy, thương hiệu Việt sẽ đi khắp thế giới.

Nếu một ngày nào đó đi đâu cũng thấy thương hiệu của TNG, lúc đó không chỉ bản thân tôi rất tự hào, mà người Việt Nam cũng rất tự hào.

Tin bài liên quan