Ông Trần Bá Dương phát biểu tại lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Thadi và HVG.

Ông Trần Bá Dương phát biểu tại lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Thadi và HVG.

Chuyện ông Dương Trường Hải “xắn tay” nuôi heo

(ĐTCK) Hơn một năm sau quyết định đầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh, tỷ phú Trần Bá Dương, ông chủ Ô tô Trường Hải tiếp tục hợp tác với một doanh nghiệp trong mảng chăn nuôi. 

Tiến bước vào chăn nuôi

Mới đây, CTCP Sản xuất, chế biến, phân phối nông nghiệp (Thadi) - công ty con của Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) và CTCP Hùng Vương đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược.

Theo công bố hợp tác, Thadi sẽ đầu tư vào CTCP Hùng Vương với tỷ lệ 35% cổ phần; đồng thời tham gia hỗ trợ công ty này trong các hoạt động tái cấu trúc hoạt động cũng như hỗ trợ những khó khăn về tài chính trong thời gian sắp tới.

Thadi đầu tư 65% vào liên doanh Thadi - Hùng Vương trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư là 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Ðịnh.

Ðợt đầu trong tháng 3 này là 15.000 con. Ngoài ra, Thadi đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn châu Âu với quy mô 1,2 triệu con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao cho xuất khẩu và thị trường trong nước.

Nếu như thương vụ đầu tư vào Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh cho cảm giác là nghĩa cử giải cứu một doanh nghiệp lớn đang bên bờ vực phá sản thì với thương vụ đầu tư vào CTCP Hùng Vương, thị trường cảm nhận rõ nét bước đi chiến lược của tỷ phú Trần Bá Dương vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thông qua M&A, ông Dương nhanh chóng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Những doanh nghiệp ông Dương bỏ vốn vào dù đang trong tình cảnh khó khăn về tài chính, nhưng không thể phủ nhận có những lợi thế đặc biệt.

Không thể tìm được doanh nghiệp nào có quỹ đất liền vùng liền thửa rộng hàng chục nghìn héc-ta như Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh để áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hóa nông nghiệp.

Cũng hiếm có doanh nghiệp nào đang sở hữu vùng nuôi rộng lớn lên tới 350 ha cá tra, nhà xưởng chế biến cá tra công suất 1.500 tấn cá/ngày và đàn heo giống cụ kỵ và heo bố mẹ 45.000 con được chuyển giao từ Ðan Mạch.

Bên lề Lễ ký kết hợp tác chiến lược, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hùng Vương chia sẻ, trong thời gian khó khăn, Công ty vẫn giữ được đàn heo giống lớn nhất ở Việt Nam.

Ông Minh cam kết sẽ cung cấp đủ sản lượng 60.000 con cung cấp cho các chuồng trại mà Thadi đang xây để đến tháng 6/2020 có heo thương phẩm đưa ra thị trường. Thadi và Hùng Vương sẽ đầu tư kho lạnh ở Khu công nghiệp Tân Tạo 60.000 tấn và kho lạnh 50.000 tấn ở Bình Dương để đảm bảo hệ thống logistics.

Ông Minh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào trợ lực từ Thadi với mảng nuôi cá tra.

“Tôi chỉ nói được đến đó, còn tiếp theo như thế nào sẽ phụ thuộc vào ông chủ lớn là ông Dương”, ông Minh nói.

Những con số Thadi cung cấp cho thấy ông Dương khá “mát tay” khi làm nông nghiệp - lĩnh vực nhiều khi phải “đánh cược với trời”.

Tính đến nay, Thadi đã đầu tư 11.000 tỷ đồng vào HNG, với 30.000 ha đất mua lại từ doanh nghiệp này, công ty của tỷ phú Trần Bá Dương đã triển khai trồng cây ăn trái trên diện tích 10.000 ha và xây dựng trang trại nuôi 90.000 con bò thịt.

Chuyện ông Dương Trường Hải “xắn tay” nuôi heo ảnh 1

Thadi xuất khẩu 12 container chuối mỗi tuần, đồng thời chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của HNG với diện tích 26.500 ha (trong đó có 11.000 ha chuối).

Năm nay, Thadi đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 1 tỷ USD, trong đó Thadi là 600 triệu USD và HNG ước đạt 400 triệu USD.

Ông Dương cho biết, hiện nay, Thadi đã có lãi và HNG đã tự cân đối được dòng tiền.

Theo ông Dương, năm 2020, HVG dự kiến doanh thu xuất khẩu 550 triệu USD. Như vậy, riêng ba công ty có liên quan tới ông dự kiến xuất khẩu tới 1,55 tỷ USD, chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu của cả nước.

Khát vọng xây dựng nền nông nghiệp quy mô lớn

Câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp được ông Dương chia sẻ khởi sự từ ba mối lương duyên. Lương duyên đầu tiên là việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đề nghị ông đầu tư vào nông nghiệp.

Mối lương duyên thứ hai là gặp bầu Ðức để rồi sau đó thương vụ “giải cứu” HNG diễn ra và mối lương duyên thứ ba là việc hợp tác với Hùng Vương. 

Quyết định hợp tác với Hùng Vương cũng đến rất nhanh. Chủ tịch Công ty Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh kể: “Tôi đã nghiên cứu về Thaco và chủ động gặp anh Trần Bá Dương để bàn về những việc mà Hùng Vương đang làm dang dở.

Có người hỏi tôi, có đúng là chỉ mất một ngày trao đổi để đi đến hợp tác không, tôi xin đính chính lại là chúng tôi chỉ làm việc với nhau 60 phút để bàn, bởi anh Dương rất bận. Sau hai tháng, chúng tôi đã triển khai một khối lượng công việc lớn”.

Sau quá trình hợp tác, ông Minh đánh giá: “Nhìn bề ngoài vậy nhưng ông này rất cẩn thận và nói đi đôi với làm. Ðây là phong cách của người có tư tưởng lớn và làm những công việc lớn”.

Còn với ông Dương, “tôi với anh Ðức, anh Minh là những doanh nhân lớn, biết tôn trọng nhau, biết lắng nghe và chia sẻ. Ðặc biệt, chúng tôi thấy được rằng, chúng ta có thể là tốt 10 thứ nhưng chỉ cần làm không tốt một phần hai thứ là có thể đổ vỡ.

Ðó là xu thế thời đại. Việc hợp tác và chia sẻ là hết sức cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay để hình thành nền sản xuất tích hợp có tính bổ trợ cao và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Và vai trò của Thadi, theo ông Dương, là hỗ trợ ông Ðức, ông Minh vốn đã giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nông nghiệp về quản trị tài chính, bởi ông có may mắn khi sản xuất công nghiệp ô tô tiếp cận được phương pháp quản lý công nghiệp.

Ông Dương kỳ vọng, trong bối cảnh dịch tả châu Phi vẫn chưa kiểm soát được thì cách chăn nuôi heo bài bản như của HVG sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian tới dù chi phí đầu tư cao.

Theo tiết lộ của ông Minh, chi phí đầu tư chuồng heo theo công nghệ hiện đại là 20 triệu đồng/m2, đắt hơn xây chung cư cho người, ngân hàng không dám cho vay vốn bởi tài sản không thể thu hồi xử lý.

Thiếu vốn, thiếu cơ chế hỗ trợ cho nông nghiệp khiến Công ty Hùng Vương chìm ngập trong khó khăn ba năm nay.

“Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển lớn. Nếu có công nghệ tốt thì giá thành tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tốt hơn.

Chúng tôi cùng quan điểm là cùng xây dựng một nền nông nghiệp phát triển và chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm là hàng đầu”, ông Minh nói.

Kết thúc buổi lễ ký kết, ông Dương nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết thực hiện kế hoạch kinh doanh một cách tốt nhất, nhưng cũng rất thận trọng tránh đổ vỡ vì chúng tôi hiểu rằng, làm lớn mà đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Cảm ơn quý ngân hàng đã hỗ trợ trong giai đoạn đầu tư ngành ô tô, tái cấu trúc HNG và tới đây là HVG.

Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện một cách rõ ràng về chiến lược, minh bạch quản lý dòng tiền chuẩn mực theo yêu cầu của đối tác tài chính và ngân hàng. Xin hứa sẽ làm để gỡ từng nút thắt trong hệ thống sản xuất - kinh doanh mà anh Minh đã gầy dựng rất hiệu quả trong thời gian trước”.

Lời cam kết này của ông Dương cũng cho thấy áp lực không hề nhỏ của ông khi bước vào cuộc chơi lớn.                                     

Tin bài liên quan