Chưa thấy lối ra cho “bông hồng vàng” Thuận Thảo

Chưa thấy lối ra cho “bông hồng vàng” Thuận Thảo

(ĐTCK) Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch CTCP Thuận Thảo (GTT) đang rối ren với tình hình kinh doanh đi xuống và nợ nần chồng chất của doanh nghiệp mà gia đình bà đang là chủ sở hữu lớn nhất, cũng như nắm quyền điều hành. Thị giá GTT hiện cũng “teo tóp” còn chưa đầy 1/4  mệnh giá.

Kinh doanh bi bét

Báo cáo tài chính do GTT công bố cho thấy, năm 2014, Công ty đạt doanh thu 221 tỷ đồng, giảm so với 285 tỷ đồng năm 2013. Trong khi đó, chi phí lãi vay của Công ty lên đến 91 tỷ đồng, chi phí bán hàng 28 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là 56 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Kết quả, GTT lỗ 186 tỷ đồng (trong khi năm 2013 lãi 1 tỷ đồng).

Trong cơ cấu doanh thu của GTT, dịch vụ vận tải đóng góp 123 tỷ đồng, du lịch khách sạn (có lượng vốn đầu tư lớn nhất) chỉ đạt 54 tỷ đồng, nước uống đạt 8,7 tỷ đồng và kinh doanh thương mại đạt 34 tỷ đồng.

Quý I/2015, mặc dù theo Ban lãnh đạo GTT, doanh nghiệp rất nỗ lực tái cơ cấu hoạt động, cắt giảm chi phí nhưng tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục đi xuống. Cụ thể, doanh thu hoạt động kinh doanh của Công ty trong quý I chỉ đạt 57 tỷ đồng, giảm 1/6 so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý I của Công ty đạt 259 triệu đồng, giảm so với quý I/2014 là 656 triệu đồng.

Thêm vào đó, Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2014 của GTT bị ngoại trừ. Theo đó, Công ty đã không ghi nhận chi phí phạt chậm nộp thuế với số tiền là 13 tỷ đồng và không phân bổ giá trị lợi thế thương mại với số tiền là 12,3 tỷ đồng trong BCTC năm 2013 mà thực hiện ghi nhận trực tiếp vào báo cáo tài chính năm 2014. Nếu công ty ghi nhận các chi phí này đúng theo niên độ thì khoản lỗ trong năm 2014 giảm đi 25 tỷ đồng và năm 2013, công ty lỗ trước thuế là 24 tỷ đồng, lỗ lũy kế năm 2013 là 21 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý khác là, năm 2013, GTT được xóa nợ tiền vay lên đến 80 tỷ đồng từ cá nhân bà chủ tịch cũng như các chủ nợ khác… Nếu không có sự kiện này, lỗ lũy kế của GTT đã không dừng lại ở con số gần 200 tỷ đồng vào cuối năm 2014.

Tại ĐHCĐ 2015 mới đây, bà Thanh đã liệt kê ra khá nhiều nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh năm 2014 không đạt như mong đợi. Ngoài các lý do mang tính khách quan như giảm cầu tại địa phương và thị trường ngoài tỉnh, khó khăn trong tiếp cận vốn vay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì bà Thanh cũng thừa nhận những tồn tại chủ quan.

Cụ thể, theo bà Thanh, đó là việc đầu tư của dự án Khu du lịch sinh thái còn dàn trải, dịch vụ trùng lặp, cơ sở hạ tầng xuống cấp đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ; dự án Khách sạn Cedelux được đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương, lượng khách ngoài tỉnh thưa thớt do hạn chế về các sản phẩm du lịch của Tỉnh, các dự án đầu tư tại Phú Yên chậm hoặc không triển khai, thậm chí có cả dự án đã bị Tỉnh thu hồi nên khai thác khách sạn không hiệu quả… 

Nợ nần chồng chất

GTT có vốn điều lệ 435 tỷ đồng, song nợ ngắn và dài hạn của Công ty vào cuối năm 2014 lên tới gần 1.300 tỷ đồng. Trong đó, Công ty có khoản vay ngắn hạn BIDV Chi nhánh Phú Tài 84 tỷ đồng, Ngân hàng Vietinbank Phú Yên 30 tỷ đồng. Vay dài hạn đến hạn trả BIDV Chi nhánh Phú Tài 290 tỷ đồng, Liên Việt PostBank 7,2 tỷ đồng. Vay cá nhân bà chủ tịch Võ Thị Thanh 54 tỷ đồng, vay cán bộ nhân viên GTT,… Tổng thể, vay và nợ dài hạn của BIDV Phú Tài 253 tỷ đồng, Liên Việt Post Bank 46 tỷ đồng,… Trong đó, có nhiều khoản vay đã quá hạn, đơn cử khoản vay 90 tỷ đồng BIDV Phú Tài bằng đồng Việt Nam đã quá hạn thanh toán.

Tài sản của GTT, bao gồm các dự án đang triển khai như Công viên văn hóa du lịch Thuận Thảo và resort tại Phú Yên… đều đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Không chỉ vay tiền ngân hàng để trang bị đội xe vận tải, đầu tư vào các dự án bất động sản, ở thời kỳ “hoàng kim” của Công ty vào những năm 2010, GTT còn vay ngân hàng để sắm xe sang phục vụ cá nhân. Chẳng hạn, vay dài hạn VPBank Chi nhánh Khánh Hòa vào năm 2011 để mua xe ôtô Lexus RX350 với số dư là 445 triệu đồng vào cuối năm 2014.

Với lỗ lũy kế lớn, các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty (318 tỷ đồng). Điều này cùng những vấn đề khác như: các khoản vay đến hạn trả và lãi vay chưa thanh toán, nợ thuế và lãi phạt chậm nộp thuế,… kiểm toán đã lưu ý rằng Công ty đang gặp áp lực về thanh khoản. 

Quản trị công ty đi về đâu?

GTT mang bóng dáng của một công ty gia đình, trong đó gia đình bà Chủ tịch Võ Thị Thanh nắm quyền kiểm soát chủ yếu (chiếm đa số ghế trong HĐQT). Tuy là doanh nghiệp niêm yết nhưng GTT thiếu yếu tố đại chúng và không có các nhà đầu tư lớn tham gia bỏ vốn vào. Với tình trạng khá tệ của Công ty hiện nay, cổ đông nhỏ lẻ cũng không mấy thiết tha với tài sản của mình. ĐHCĐ 2015 của Công ty chỉ có 32 cổ đông đại diện cho 41,08% tổng số cổ phần của Công ty (chủ yếu là gia đình bà Thanh) tham dự nên phải tổ chức đến lần thứ 3 mới thành công.

Phát biểu trước lễ ra mắt HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, bà Võ Thị Thanh cam kết, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ quyết tâm đưa Thuận Thảo vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục vững mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, giải pháp để “thoát lầy” vẫn chung chung như trước đây, đó là tái cấu trúc hệ thống quản lý Công ty, cắt giảm chi phí, xin giãn/hoãn nợ, xin chậm nộp thuế…

Hội đồng quản trị GTT nhiệm kỳ mới có 5 người, bao gồm bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT và 4 thành viên: ông Võ Thanh Hoàng Chương, bà Võ Thanh Minh Hằng, bà Đặng Thị Nguyệt Thương và ông Trần Quốc Hiến. Trong 5 thành viên HĐQT, trừ ông Trần Quốc Hiến, 4 thành viên còn lại đều là “người một nhà”, giới phân tích nhận xét rằng, thiếu yếu tố mới, GTT rất khó để thay đổi. Đó là chưa kể, doanh nghiệp gia đình dễ mắc phải những căn bệnh như nể nang hoặc sức ỳ lớn…

Trước đây, bà Võ Thị Thanh từng được vinh doanh là nữ doanh nhân tiêu biểu, với danh hiệu bông hồng vàng. Hiện nay, nền kinh tế đã thay đổi, thị trường cũng thay đổi, sẽ không dễ để bông hồng vàng Võ Thị Thanh lật ngược thế cờ.

Phỏng vấn nhanh bà Đặng Thị Nguyệt Thương, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính:

Ngoài các giải pháp về xin/miễn giảm lãi vay, tiết giảm chi phí hoạt động thì GTT có “lối ra” nào khác để đưa GTT qua cơn hoạn nạn và phát triển đi lên hay không?

Trước hết, do tôi không phải là người phát ngôn của Công ty nên để nắm rõ các thông tin liên quan thì mời liên hệ với người phát ngôn của GTT cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty.

Về phần mình, tôi chỉ có thể chia sẻ đúng như thông điệp được đưa ra tại ĐHCĐ GTT cách đây không lâu. Cụ thể, về giải pháp phát triển Công ty, ngoài việc tập trung xây dựng chiến lược trung và dài hạn về tái cơ cấu tài chính, Công ty vẫn tập trung cho việc cải thiện công tác kinh doanh, với nhiều giải pháp được đưa ra.

Tái cơ cấu tài chính cũng theo hướng tăng cường năng lực tài chính nhằm duy trì khả năng kiểm soát, đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị phụ thuộc vào nguồn vốn.

Khách sạn 5 sao Cendeluxe được đầu tư khá lớn (lên tới hàng trăm tỷ đồng) sau nhiều năm hoạt động thu hút khách đến đâu?

Khách sạn đang ngày một thu hút khách, ổn định hơn, tuy nhiên, không tránh khỏi quy luật đông khách vào mùa hè, vắng khách vào mùa đông.

Từ khi “lâm nạn” đến nay đã có đối tác nào ngỏ ý muốn “vào” GTT để gỡ khó cho DN, đưa Thuận Thảo đi lên hay không?

Cá nhân tôi cũng chưa từng nghe nói nhiều về việc này. Tuy nhiên, cũng tại ĐHCĐ mới đây, trước khó khăn trong hoạt động của Công ty như hiện tại, một số cổ đông cũng đã đề cập đến việc gọi các đối tác thực sự có tiềm lực vào để hợp tác, chia sẻ khó khăn cùng Công ty; và cổ đông cũng đề nghị Công ty cần sớm có phương án giải quyết để gỡ khó.

HĐQT cũng đã ghi nhận các quan điểm trên và tìm hướng đưa Công ty phát triển.

Nếu hiện tại có đối tác muốn mua lại các tài sản của GTT thì các bà có sẵn sàng?

Khu resort hiện đang thuộc quyền sở hữu của chúng tôi, đang được ban lãnh đạo Công ty tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh liên kết để huy động nguồn vốn tiến hành đầu tư giai đoạn 2 khu resort Thuận Thảo. Nếu có cổ đông thực sự có tiềm lực, thiện chí thì chúng tôi rất sẵn sàng.

Tin bài liên quan