Năm 1995, ông Bình góp vốn cùng người bạn thân mở cửa hàng Vật liệu xây dựng Thanh Bình. Thị trường bất động sản giai đoạn đó bắt đầu phát triển, xây dựng dân dụng cũng khởi sắc, do đó, việc kinh doanh khởi đầu khá thuận lợi.

Giữ chữ tín luôn là nguyên tắc hàng đầu với ông Bình nên nhiều bạn hàng, đối tác thương mến, tin cậy, công việc kinh doanh ngày càng suôn sẻ.

Nhưng ông Bình không muốn dừng ở đó. Ông tiến thêm một bước vào năm 2002 khi quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thanh Bình.

Năm 2007, khi cụm từ hội nhập ào đến với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp, đặc biệt là sau thời khắc Việt Nam gia nhập WTO, ông Bình bắt tay ký kết hợp tác với đối tác chiến lược là Tập đoàn Saint Gobain của Pháp, tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu trên thế giới, sản xuất và cung cấp tấm trần thạch cao mang thương hiệu Gyproc.

Song, đó vẫn chỉ là những bước tiến cao hơn trong lĩnh vực thương mại, Thanh Bình chủ yếu nhập hàng về bán tại Việt Nam.

Cú “ngã ngựa” của thị trường bất động sản bắt đầu từ cuối năm 2010 khiến cho các công ty vật liệu xây dựng điêu đứng.

Nhưng chính ở thời điểm khó khăn nhất, ông Bình quyết định, phải sản xuất để chủ động, có sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý và dịch vụ tận tâm, dù thị trường khó khăn đến đâu, doanh nghiệp vẫn có thể sống được.

Có thể coi năm 2011 là bước ngoặt với Thanh Bình khi Công ty cho ra mắt sản phẩm hệ trần thạch cao và vách ngăn cao cấp mang thương hiệu Zinca.

Thị trường và nền kinh tế khi ấy vẫn đang trong khủng hoảng, nhưng khiến tâm lý tiêu dùng thay đổi. Chủ đầu tư các dự án buộc phải tập trung cho chất lượng và tiến độ sản phẩm, mới tạo dựng được uy tín và bán được hàng.

Hàng Trung Quốc vốn “làm mưa làm gió” trên thị trường bấy lâu nay trở nên lép vế, hàng chất lượng được ưa chuộng, giúp Zinca cung không đủ cầu.

Ông Bình quyết định, mở rộng nhà máy sản xuất dây chuyền hệ trần và vách ngăn hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á, với công suất trên 12 triệu m2/năm.

Nhà máy được xây dựng với tổng diện tích hơn 20.000 m2 đúng ở thời điểm kinh tế khủng hoảng nhất, khiến nhiều người cho ông là kẻ gàn.

Với những trải nghiệm và tư duy làm lớn, tích lũy được qua nhiều chuyến công tác nước ngoài, qua giao lưu học hỏi với các doanh nhân thế hệ đàn anh, ông Bình tin chắc một điều: Vật liệu xây dựng chất lượng cao sẽ có chỗ đứng tốt, thậm chí rất tốt trên thị trường Việt Nam, đặc biệt khi thu nhập và những yêu cầu về tính năng, chất lượng thẩm mỹ của người dân ngày một khắt khe hơn.

Khi quy mô Công ty ngày một mở rộng, “chiếc áo” trong mô hình cũ trách nhiệm hữu hạn đã không còn phù hợp, ông Bình quyết định chuyển sang mô hình công ty cổ phần và đổi tên doanh nghiệp thành Công ty cổ phần Zinca Việt Nam.

Mô hình mới giúp Công ty tập hợp được nguồn lực mạnh mẽ hơn, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bùng nổ trong tương lai.

Khát vọng đem đến nhiều sản phẩm chất lượng cao tiếp tục thôi thúc ông Bình và các cộng sự tiến về phía trước. Vào năm ngoái, Zinca trở thành đơn vị đầu tư và sản xuất hệ trần nhôm, trần kim loại đồng bộ khép kín đầu tiên tại Việt Nam.

Sản phẩm được sản xuất từ tôn thép mạ hợp kim nhôm/kẽm thành phẩm chất lượng cao, ổn định của các nhà cung cấp tôn uy tín trong và ngoài nước như Bluescope Steel, Fujiton, Hoa Sen Group… cho kết cấu vững chắc và thẩm mỹ cao.

Ngỡ rằng, giá cả thấp là một lợi thế, nhưng với vật liệu xây dựng, chất lượng sản phẩm cũng như độ an toàn khi đưa vào sử dụng giờ đây đang trở thành tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn giải pháp thi công.

Bởi vậy, những doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu là tôn phế phẩn, tôn loại 2, loại 3 có các chỉ số độ dày phủ mạ và độ cứng thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến 2 yếu tố trên thì dù bán giá thấp cũng dần bị loại bỏ.

Zinca Việt Nam chọn con đường khó đi trước, đã mở ra “đại dương xanh” mênh mông cho chính mình.

Các chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam như Vingroup, Sungroup, các nhà thầu hàng đầu như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) đã trở thành đối tác lớn của Zinca Việt Nam.

Ông Lê Văn Nam, Phó tổng giám đốc Hòa Bình cho biết, lâu nay, các nhà thầu thường phải sử dụng hệ trần và vách ngăn nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng nay với sự có mặt của các nhà sản xuất trong nước, sản phẩm đạt chất lượng tương đương quốc tế nên đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang hàng Việt.

Chẳng hạn, ngay trong lĩnh vực hệ trần, trước đây tỷ trọng sử dụng hàng nước ngoài và hàng Việt là 70:30 thì từ năm ngoái đến nay đã đảo ngược, hàng Việt lên tới 70%. Sắp tới, những doanh nghiệp như Zinca Việt Nam đủ năng lực sản xuất lớn thì những nhà thầu như Hòa Bình sẽ chuyển sang sử dụng hoàn toàn sản phẩm trong nước.

Ngày 24/11/2017, Zinca Việt Nam khánh thành nhà máy sản xuất trần thạch cao và trần kim loại số 2, với quy mô vốn đầu tư 250 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất theo công nghệ Đức.

Nhà máy có diện tích 30.000 m2 tại Khu công nghiệp Láng Hòa Lạc, Hà Nội, tổng công suất 20 triệu m2/năm.

Tệp sản phẩm của Công ty có thêm tấm thạch cao trang trí siêu âm, tấm trần nhôm và xà gồ mái. Đây là những giải pháp tiên tiến trên thế giới, phù hợp cho những nơi có độ ồn cao như văn phòng làm việc, bệnh viện, nhà thi thấu thể thao, nơi vui chơi giải trí…

Sử dụng hệ trần này, thời gian thi công nhanh, dễ tháo lắp, tiện lợi cho việc sửa chữa các hệ thống nằm phía trên trần như hệ thống điện, điện nhẹ…

Ông Bình cho biết, tốc độ tăng trưởng của thị trường hệ trần tại Việt Nam lên tới xấp xỉ 40% trong vòng 2 năm trở lại đây và theo dự đoán của các tổ chức nghiên cứu thị trường, mức tăng trưởng sẽ duy trì 2 con số trong vòng 10 năm tới.

Giá trị đơn hàng của Zinca Việt Nam cung cấp cho riêng đối tác Hòa Bình trong năm 2018 là 500 tỷ đồng, không gian kinh doanh do vậy còn rất rộng.

Bên cạnh đó, Công ty đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang khu vực từ năm ngoái, bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan.

Bên cạnh tập trung cho sản xuất, ông Bình và các cộng sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng kênh phân phối hiện đại. Cho đến nay, Zinca Việt Nam đã thiết lập được hệ thống 500 đại lý trên cả nước.

Ngoài kênh phân phối gián tiếp, lãnh đạo doanh nghiệp này rất chú trọng phát triển kênh phân phối trực tiếp đối với các công trình thi công lớn, trọng điểm.

Thậm chí, Công ty còn đầu tư một đội xe vận tải lớn để nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng “gọi là có ngay”.

Vật liệu xây dựng Việt được các nhà thầu, chủ đầu tư dự án bất động sản ua chuộng nhờ ưu thế chủ động về thời gian, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh, điều kiện hợp đồng dễ thương thảo…, nhưng có 2 điểm hạn chế là tính ổn định của sản phẩm và khả năng đáp ứng cho các dự án lớn, với yêu cầu về tiến độ nhanh hơn rất nhiều so với trước đây.

Ông Bình biết rõ những thách thức này. Ông cho biết, Zinca đã hợp tác chặt chẽ với đối tác Đức về đào tạo nhân sự, kỹ sư trong việc chuyển giao công nghệ và vận hành dây chuyền mới.

Ngay việc lựa chọn công nghệ hiện đại trên thế giới, tiêu chuẩn châu Âu cũng là một minh chứng cho thấy quyết tâm ưu tiên cho chất lượng sản phẩm và độ đồng đều, ổn định của Zinca.

Còn quy mô sản xuất lớn để đáp ứng thật tốt mọi đơn hàng, trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ông Bình và các cộng sự đều thống nhất quan điểm: Zinca sẽ tiếp tục đầu tư, nhưng mọi nước cờ đều phải được tính toán kỹ.