Chủ tịch VNG: Vốn vào startup Việt 100 triệu USD thì vào Singapore, Indo đến 1,5 tỷ USD

Chủ tịch VNG: Vốn vào startup Việt 100 triệu USD thì vào Singapore, Indo đến 1,5 tỷ USD

Đây là chia sẻ của ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần VNG tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017.

Ông Lê Hồng Minh nhận được đề nghị kiến nghị chính sách gì tới Chính phủ đề các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong huy động vốn đầu tư cũng như có thể bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài lớn. Nhưng ông Minh lại nói, rất khó để nói nhà đầu tư cần gì, vì có quá nhiều vấn đề.

“Nhiều khi doanh nghiệp muốn làm một cái mới, nhưng lại không có quy định hay chính sách cụ thể liên quan, nên không biết làm thế nào”, ông Minh thẳng thắn,

Riêng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, VNG đánh giá, dù có thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thực tế, số tiền đổ vào cộng đồng start-up Việt Nam không đáng kể, dưới 100 triệu USD/năm.

Trong khi đó, con số này tại khu vực Đông Nam Á là khoảng 1,5 tỷ USD, 80% số tiền này đổ vào Indonesia và Singapore.

Ông Minh nêu câu hỏi tại sao start-up Việt chưa nghĩ đến việc có thể huy động được nguồn vốn khổng lồ trên, nhưng cũng tự trả lời khi nêu chuyện của chính VNG.

“Chúng tôi phải tự định vị mình là công ty quốc tế, để từ đó có thể nghĩ đến việc huy động vốn ở nước ngoài”, ông Minh thẳng thắn.

Bên cạnh đó, năng lực của doanh nghiệp Việt cũng là rào cản. Vị CEO này cũng đã tự đặt câu hỏi giá trị nào mà doanh nghiệp Việt có thể mang lại cho đối tác, để thuyết phục họ đầu tư.

“Chúng tôi cần một nền kinh tế định vị rõ ràng vị trí trong nền kinh tế thị trường. Chúng tôi cần xác định giá trị của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam trong thị trường thế giới. Khi đó, M&A sẽ thuận lợi và không còn nỗi lo doanh nghiệp Việt mất hay được”, ông Minh đề xuất.

Ngày 30/5 vừa rồi là ngày đáng nhớ với cộng đồng star-tup cũng như doanh nghiệp Việt Nam khi VNG lần đầu tiên ký Bản ghi nhớ về việc dự kiến niêm yết trên Sàn chứng khoán NASDAQ tại New York. Đội ngũ VNG đã gây dựng hệ sinh thái nghe nhạc ZingMP3, ZingTV, Zalo, Zalopay... giá trị cộng hưởng và lan tỏa nhất của VNG là tinh thần khởi nghiệp và ngọn lửa “Đón nhận thử thách”.

Năm 2014, VNG được World Start-up định giá hơn 1 tỷ USD. 2016 và 2017 được Forbes Vietnam bình chọn là 1 trong 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Hiện VNG có 13 công ty và đang phát triển trong 4 lĩnh vực gồm phát triển game, công nghệ số, ứng dụng OTT và dịch vụ thanh toán điện tử... Đến hết 2016, tổng vốn VNG đạt hơn 3.500 tỷ đồng (chủ yếu là vốn tự có, không vay ngân hàng). Quy mô vốn chủ sở hữu đạt 2.881 tỷ đồng, tương đương 127 triệu USD. Vốn điều lệ tăng 22 lần trong 13 năm qua từ 15 tỷ đồng năm 2004 lên 330 tỷ đồng năm 2016.

Tin bài liên quan