Usilk City đang là dự án trọng điểm của ông Dũng và STL

Usilk City đang là dự án trọng điểm của ông Dũng và STL

Chủ tịch Sông Đà Thăng Long thoát nợ bằng cách nào?

(ĐTCK) Bên bờ vực phá sản, ồn ào với số nợ nghìn tỷ và liên tục thất hứa, song ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch CTCP Sông Đà Thăng Long (STL) gần đây đang muốn “làm lại” để cứu vãn tình hình. Đâu là lối thoát cho một DN tưởng chừng không còn bất cứ cơ hội nào ngoài con đường chết?

Lấy lại niềm tin

Tòa nhà văn phòng của STL trong Khu đô thị Văn Khê được thuê lại, cũ kỹ và khá nhếch nhác so với một chủ đầu tư dự án bất động sản lớn, song lại phản ánh tương đối chính xác tình hình hiện tại của Công ty. Trong vòng 2 tuần trở lại đây, STL là cái tên trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Trước hết, đó là DN có số nợ thuế lớn nhất tại Hà Nội, với số tiền 375 tỷ đồng.

Sau khi thị trường ồn ào với thông tin trên, STL đã có công văn làm rõ sự việc, mục đích không phải là đính chính số tiền nhiều hay ít, mà nhằm tránh gây tâm lý không tốt đến khách hàng, những người đã và có thể sẽ mua nhà của Công ty.

Cụ thể, STL cho biết, trong 375 tỷ đồng nợ thuế thì chủ yếu là tiền phạt chậm nộp thuế (khoảng 198 tỷ đồng/tổng nợ 375 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 53%) và tiền thuế GTGT (143 tỷ đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (30,7 tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài và thuế tài nguyên. Còn toàn bộ tiền thuế sử dụng đất (167.347.059.000 đồng) đã được Công ty nộp tại Chi cục Thuế Hà Đông, Cục Thuế Hà Nội.

Trước việc người dân được khuyến cáo không nên mua nhà ở dự án nợ tiền sử dụng đất, STL đã phải làm rõ thông tin trên. Sự việc này cho thấy, ông Dũng đang muốn khôi phục lại niềm tin của khách hàng, đưa STL thoát lầy, đồng thời cứu lấy chính mình. Vậy ông và STL sẽ “kéo cày” trả nợ bằng cách nào?

Trước hết, STL phải “trục vớt” Dự án Usilk City (Hà Nội). Tính đến cuối tháng 7/2015, Dự án có tổng mức đầu tư 8.557 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền STL đã thu của khách hàng trên toàn dự án là 3.800 tỷ đồng, số tiền còn phải thu theo hợp đồng của khách hàng là 2.459 tỷ đồng, chủ đầu tư đã đầu tư vào dự án là 3.962 tỷ đồng, tổng số căn hộ chưa bán ra thị trường là 951 căn.

Ngày 1/8, STL tổ chức buổi họp với khách hàng mua căn hộ tại tòa 104,106,107,108 Dự án UsilkCity nhằm thống nhất về việc thành lập Ban liên lạc khách hàng, ủy quyền bằng văn bản cho Ban liên lạc thay mặt khách hàng làm việc với Chủ đầu tư. Đồng thời, ông Dũng sẽ báo cáo tình hình thực hiện, tiến độ triển khai thực hiện các tòa nhà.

Chủ tịch Sông Đà Thăng Long thoát nợ bằng cách nào? ảnh 1

 Ông Nguyễn Trí Dũng, sinh năm 1972, hiện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà Thăng Long kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Hà Châu; thành viên HĐQT CTCP Sông Đà 1. Gia đình ông Dũng và gia đình vợ ông, bà Trần Thị Nga, đều đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản. Bố vợ ông Dũng là ông Trần Đình Vọng, từng là Chủ tịch HĐQT CTCP HUD3. Thời kỳ phát triển đỉnh cao của STL vào năm 2008 - 2009, Công ty đầu tư hơn 20 dự án bất động sản, vật liệu xây dựng,… trải khắp từ Bắc vào Nam.

Động thái này của STL là nhằm chuẩn bị cho việc áp dụng biện pháp giải cứu các tòa nhà kể trên, tương tự cách làm với 4 tòa nhà trước, cũng trong Khu đô thị này. Có sự tham gia của Ngân hàng BIDV và cam kết tiếp tục nộp tiền của khách hàng vào tài khoản của Ngân hàng, Ban liên lạc của khách hàng giám sát dòng tiền, STL đã có vốn để tiếp tục thi công 3 tòa CT1-101, CT1-102, CT1-103. Đến hết tháng 7/2015, STL đã bàn giao các căn hộ cho hơn 30 hộ dân, dự tính đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành bàn giao nhà cho khách hàng tại 3 tòa này.

Với cách làm tương tự, cuối tháng 6, STL đã có cuộc họp với gần 300 khách hàng mua nhà tại tòa CT2-105. Khoảng 400 khách hàng mua nhà tại dự án này đã bầu và thành lập Ban đại diện khách hàng. Ban đại diện khách hàng được toàn bộ khách hàng ủy quyền theo pháp luật và cùng với luật sư của khách hàng làm việc với chủ đầu tư Dự án. MBBank đã cam kết bảo lãnh và hỗ trợ tài chính cho STL thực hiện tòa nhà này. Đến thời điểm hiện tại, STL đã thực hiện được khoảng 36% giá trị đầu tư tòa nhà.

Ông Dũng cho biết, trên thực tế, có những khách hàng đã đóng tiền với tỷ lệ lớn hơn 35%, có khách hàng đã đóng tiền 100%, có một số khách hàng chưa đóng đủ 35% giá trị hợp đồng, vì vậy, để đảm bảo công bằng với tất cả khách hàng, STL đưa ra giải pháp:

Với những khách hàng đã đóng tiền với tỷ lệ lớn hơn 35% giá trị hợp đồng, STL sẽ hoàn trả lại tiền cho khách hàng vào tài khoản cá nhân của từng khách hàng tại MBBank.

Số tiền này sẽ được giữ tại tài khoản để đảm bảo cho mục đích là nộp tiền tiếp, nhằm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng (khách hàng không được rút tiền hoặc sử dụng cho mục đích nào khác).

Với những khách hàng chưa đóng đủ 35%, thì sẽ đóng tiếp theo quy định. Đổi lại, STL cam kết bồi thường thiệt hại cho khách hàng, như trả lãi chậm tiến độ với lãi suất 12%/năm, miễn phí tiền quản lý, dịch vụ, tiền làm sổ đỏ, các chi phí khác…

STL cam kết, trong giai đoạn đầu, Công ty sẽ chủ động bỏ vốn, kết hợp với vốn tài trợ từ Ngân hàng để tiếp tục làm đến tầng 15. Bắt đầu từ tầng 15 trở lên, khách hàng sẽ đóng tiền theo tiến độ xây dựng và Ngân hàng sẽ là đơn vị bảo lãnh cho tòa nhà.

Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Trưởng ban liên lạc khách hàng tòa nhà CT2-105 cho biết, khách hàng tòa nhà này đang đàm phán để Chủ đầu tư và Ngân hàng bỏ vốn ra làm đến tầng 20. Với cách làm này, nếu được khách hàng và Ngân hàng ủng hộ, STL có thể từng bước thoát lầy.

Quay lại là bờ

Trước đó, có những thời điểm bị đòi nợ, dồn đến đường cùng, ông Dũng đã phải xin khách hàng cho Công ty được phá sản, còn ông sẵn sàng vào tù. Tuy nhiên, trong số các khách hàng của STL, có không ít nhà đầu tư lớn (mua nhà để đầu tư, chứ không phải để ở) và họ rất tỉnh táo. Nếu ép ông Dũng và STL vào đường cùng, Công ty có thể phá sản, lãnh đạo mắc vòng lao lý, chính khách hàng cũng là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Bởi vậy, khách hàng đã “xắn tay áo” cùng ông Dũng tìm lối ra cho con tàu sắp đắm này.

Ông Tuấn kể, những giải pháp STL đã thực hiện nhằm “trục vớt” các tòa nhà Dự án Usilk City nói trên là bản thân các khách hàng khởi xướng trước và họ tạo sức ép để ông Dũng và STL phải thực hiện theo. Thực tế cho thấy, khi có sự đồng hành của khách hàng và ngân hàng, dự án sẽ dần tìm được lối thoát. Theo dự kiến, STL sẽ tiếp tục áp dụng giải pháp tương tự với 9 tòa nhà còn lại. Nếu mọi việc thuận lợi, Công ty này không những thu thêm được tiền, mà có thể bán mới cho khách hàng, giải quyết nợ nần.

Bên cạnh việc tập trung triển khai tiếp dự án Usilk City, ông Dũng và các cộng sự đang rốt ráo chào bán nhiều dự án để tập trung nguồn lực cho những dự án trọng điểm. Trong năm 2014, công ty này đã tiến hành chuyển nhượng các dự án như: Dự án Khách sạn 5 sao Uhotel tại Thành phố Huế với giá trị 75 tỷ đồng, Dự án Khu công nghiệp Tỉnh Hòa Bình, …

 “Chúng tôi đã sai lầm trong đầu tư, dùng vốn góp của khách hàng để đầu tư dàn trải khiến Dự án bị chậm tiến độ. Tôi xin cam kết rằng, STL sẽ không tuyên bố phá sản, mà sẽ thực hiện một số Dự án trọng điểm đến cùng”, ông Dũng nói và cho biết thêm: “Cứu Usilk City là cứu chính mình”.   

Tin bài liên quan