Chủ tịch KBC: Tập trung vào những gì mình giỏi nhất, rủi ro sẽ ít đi

Chủ tịch KBC: Tập trung vào những gì mình giỏi nhất, rủi ro sẽ ít đi

(ĐTCK) Từng có những giai đoạn chìm ngập trong khó khăn, với nhiều khoản nợ lớn, nhưng ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) và các doanh nghiệp của mình nghiệm ra rằng, nếu tập trung vào lĩnh vực mình giỏi nhất, thành công nhất định sẽ đến.

Dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến thị trường, nền kinh tế, hoạt động của KBC và các doanh nghiệp trong hệ thống ông lãnh đạo chịu ảnh hưởng ra sao?

Covid-19 là một đại dịch với những thử thách gây áp lực chưa từng có lên thị trường và nền kinh tế. Ngoài tâm lý lo lắng về diễn biến của dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam, thì ảnh hưởng điển hình là sự đình trệ trong giao thương.

Ðại dịch có thể khiến nền kinh tế bị gián đoạn trên diện rộng. KBC và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển các khu công nghiệp, với đặc trưng là thu hút đầu tư FDI cũng chịu tác động bởi sự gián đoạn trên diện rộng này.

Cụ thể, với các hoạt động thu hút đầu tư và marketing, nhiều chương trình kết nối được phối hợp với các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp ở các nước bị hoãn lại vô thời hạn. Các hoạt động liên quan có thể duy trì qua online, nhưng mức độ không hiệu quả bằng kết nối trực tiếp.

Trong hoạt động kinh doanh, việc đàm phán, giao dịch, ký kết hợp đồng cũng bị chậm trễ do lệnh hạn chế nhập cảnh.

Các khâu làm giấy phép và thủ tục dự án cũng bị gián đoạn. Những việc này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư. Hoạt động khảo sát địa điểm đầu tư thì gần như bị dừng lại và có một số dự án xem xét, đánh giá lại nguy cơ và thách thức toàn cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều nhà máy hoạt động, thậm chí do hoạt động sản xuất của Trung Quốc thời gian qua bị đình trệ do dịch bệnh, không có hàng xuất khẩu sang Mỹ nên các nhà máy ở Việt Nam phải tăng công suất.

Chúng ta có thể thấy được điều đó qua tình hình xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn ổn. Do vậy, khách hàng vẫn trả chúng tôi tiền thuê đất và tiền thuê nhà xưởng. Dòng tiền tuy có giảm một phần, nhưng vẫn đủ cân đối chi tiêu.

KBC chuẩn bị các kịch bản kinh doanh ứng phó với đại dịch như thế nào?

Ông Đặng Thành Tâm

Theo giới chuyên gia, các virus họ Corona đều phát triển mạnh ở điều kiện nhiệt độ thấp và yếu đi khi trời nóng lên.

Cùng với nỗ lực của các quốc gia trong việc phòng chống dịch bệnh, chúng tôi kỳ vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong vòng 2 - 3 tháng nữa.

Dẫu vậy, chúng tôi đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với đại dịch.

Trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát, điều ai cũng mong mỏi, chúng tôi đặt kịch bản “hoàn thành mục tiêu”.

Với kịch bản này, chúng tôi sẽ nhanh chóng hiện thực hoá các giao dịch đã được ký kết và tích cực đàm phán để đi đến ký kết với các nhà đầu tư mà chúng tôi đã và đang kết nối; nhanh chóng bàn giao đất trên thực địa, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án một cách suôn sẻ và thuận lợi nhất.

Mục tiêu doanh số theo kịch bản này là 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 800 - 1.000 tỷ đồng và các công ty trong Tập đoàn đều hoàn thành các mục tiêu đề ra bằng khoảng 70 - 80% kế hoạch năm trước.

Trong trường hợp dịch còn kéo dài, là điều cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và sức chiến đấu, chúng tôi đặt kịch bản “duy trì bền vững”. 

Theo đó, ưu tiên số 1 là bên trong, KBC và các doanh nghiệp trong hệ thống cùng đồng lòng, đoàn kết, bền bỉ và vững vàng bảo tồn lực lượng, bảo vệ các nguồn lực.

Ở bên ngoài, KBC sẽ cùng các cấp chính quyền và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp kiểm soát dịch bệnh tốt nhất, tăng cường chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống dịch.  

Do tính chất hàng hóa, dịch vụ của chúng tôi rất đặc thù, đó là đất và nhà xưởng, những tài sản này không bị mất giá trị theo thời gian, mà ngược lại, sau khủng hoảng giá trị sẽ càng tăng thêm, nên cùng với tiềm lực tài chính trong khả năng kiểm soát, chúng tôi sẽ luôn trong tư thế chuẩn bị mọi nguồn lực để chờ khó khăn đi qua là sẵn sàng đón cơ hội kinh doanh và phát triển bứt phá.

Ông vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KBC. Phải chăng KBC đã thực hiện tái cơ cấu tài chính rất mạnh mẽ, để đến nay ông có thể vững tin vào năng lực tài chính và kinh nghiệm để ứng phó với các biến động lớn của KBC?

Trong quá trình kinh doanh, tôi đã trải qua và tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng năm 1997, năm 2008, năm 2012.

Ðó là luôn tập trung chuẩn bị trước nguồn tài chính để đáp ứng các hoạt động của Công ty và có các phương án ứng phó để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

KBC đã tận dụng nguồn vốn kích cầu, lãi suất thấp ở thời điểm 2009 để tạo ra những sản phẩm sẵn có.

Chúng tôi đã đa dạng hóa các kênh huy động vốn không chỉ từ ngân hàng như truyền thống, mà còn từ các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư... Các quỹ đầu tư về cơ bản rất hài lòng với lịch sử tái cấu trúc nợ của KBC trong quá khứ.

Mặt khác, sau thời kỳ khủng hoảng, KBC đã tái cấu trúc thành công với việc thoái vốn khỏi những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành trong giai đoạn 2014 - 2016, tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tạo ra dòng tiền và tạo niềm tin của các nhà đầu tư vào Công ty.

Số dư tiền mặt tại quỹ tăng cao, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục tăng trưởng.

Riêng năm 2019, Tập đoàn đã chi trả nợ gốc là 1.721,6 tỷ đồng, chi trả cổ tức bằng tiền mặt 465,7 tỷ đồng.

Tổng dư nợ gốc và nợ lãi của Tập đoàn hiện nay là gần 3.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 30% so với vốn chủ sở hữu 10.000 tỷ đồng (so với trung bình các công ty niêm yết vay gấp 2 lần vốn chủ sở hữu; còn toàn xã hội thì chỉ tính 1.000 công ty lớn nhất Việt Nam một số lượng lớn công ty vay nợ trên 5 lần vốn chủ sở hữu).

Do vậy, KBC sẽ đủ khả năng chịu đựng, kể cả dịch bệnh có kéo dài 1 năm nữa.

Ông nhìn nhận về khủng hoảng hiện nay với doanh nghiệp Việt Nam, với nền kinh tế Việt Nam ra sao? Chúng ta nên có tâm thế ứng phó như thế nào để chủ động thích ứng và thay đổi?

Ðại dịch Covid-19 có thể khiến cho nền sản xuất, thương mại dịch vụ và đầu tư của thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ðối với Việt Nam, giai đoạn khủng hoảng này, nếu kéo dài quá 6 tháng có thể khiến 60 - 70% doanh nghiệp phá sản do gánh nặng chi phí. Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và đang phải kiệt sức chống chọi là hàng không, du lịch, nhà hàng, dịch vụ lưu trú…

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã giảm mức dự báo GDP từ 6,8% xuống chỉ còn 5,96%, nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II.

Trong bối cảnh hiện nay, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta nên định tâm, bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh.

Doanh nghiệp cần kiểm soát và cân đối chi tiêu một cách hợp lý nhất, tin tưởng và đồng lòng để cùng thích ứng với hoàn cảnh và vượt qua khủng hoảng. Ðây cũng là lúc nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại đối tượng khách hàng và thị trường đầu ra.

Khi ít việc, doanh nghiệp cũng nên tập trung đào tạo cán bộ nhân viên trực tuyến. Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tốt cho tình huống xấu nhất khi dịch bệnh kéo dài.

Phải luôn ghi nhớ: Con người sống nhờ máu luôn tuần hoàn, doanh nghiệp sống nhờ dòng tiền tốt!

Tin bài liên quan