Chủ tịch Fortex: Kinh doanh là con đường thay đổi cuộc sống

Chủ tịch Fortex: Kinh doanh là con đường thay đổi cuộc sống

(ĐTCK) Ở tuổi 42, doanh nhân Lê Mạnh Thường đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truman Holdings Việt Nam, một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – mã FTM), đơn vị nằm trong Top 3 các nhà sản xuất sợi cotton xuất khẩu tại Việt Nam.

Thành công đến sớm với Lê Mạnh Thường một phần xuất phát từ ý chí vươn lên ngay từ khi còn trẻ. Ít người biết, ông đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và có một tuổi thơ rất vất vả.

Con đường lập nghiệp

Sinh ra và lớn lên tại miền quê “cánh đồng mẫu lớn” Thái Bình, là con thứ ba trong một gia đình có mẹ làm nông, bố là bác sĩ quân đội bị thương tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị, thời thơ ấu, Lê Mạnh Thường không xa lạ gì với công việc chăn trâu, làm ruộng. 5 anh em vừa đi học vừa phải làm việc phụ giúp gia đình.

Ngay khi vừa tốt nghiệp cử nhân luật, Lê Mạnh Thường đã khởi nghiệp với lĩnh vực xuất nhập khẩu các mặt hàng vải, kính, gạch men, máy móc, linh kiện điện tử…, đồng thời nhanh chóng hoàn thành tấm bằng MBA quản trị kinh doanh. Năm 2002, Fortex được thành lập. Đến năm 2003, tích góp được chút vốn liếng, Lê Mạnh Thường mạnh dạn xin cấp đất làm nhà máy sợi để phục vụ làng nghề và xuất khẩu.

Ngoài Fortex, năm 2016, doanh nhân Mạnh Thường đã quyết định thành lập Tập đoàn Truman Holdings kinh doanh đa ngành, gồm nhóm công ty thành viên hoạt động độc lập trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm như sợi cotton, vải địa kỹ thuật, chế biến thủy hải sản, thức ăn thủy sản, phát triển và quản lý hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư và phát triển bất động sản nhà ở, biệt thự nghỉ dưỡng…

Suốt thời gian từ đó đến nay, ông vẫn không ngừng học hỏi bằng việc tham gia các khóa học quản lý và từ thực tiễn công việc kinh doanh đa ngành nghề của Truman Holdings, nơi ông giữ trọng trách đứng mũi chịu sào.

Sau 15 năm hình thành và phát triển, đến nay, Fortex hiện có 3 nhà máy với tổng 110.000 cọc sợi, tương đương công suất gần 17.000 tấn mỗi năm, là một trong các doanh nghiệp sợi có số lượng cọc sợi lớn ở miền Bắc. Công ty đang đầu tư nhà máy sợi thứ 4, tăng công suất sản xuất lên 50%.

Đầu năm 2017, Fortex đã đưa 50 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE). Sự kiện niêm yết cổ phiếu FTM có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt chiến lược trên chặng đường phát triển của Công ty.

Ông Thường kỳ vọng, việc trở thành công ty niêm yết sẽ giúp thương hiệu Fortex được biết đến rộng rãi hơn nữa tại thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường minh bạch trong quản trị, đem lại lợi ích lớn hơn cho cổ đông.

Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 doanh nghiệp ngành sợi trở thành công ty đại chúng là Thành Công, Phong Phú, Sợi Thế kỷ và công ty nào cũng được nhà đầu tư chứng khoán đón nhận.

Khát vọng của Mạnh Thường là đưa Fortex trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành sợi dệt và hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín sợi - dệt - nhuộm - may. Vì vậy, Công ty có kế hoạch tìm kiếm cả đối tác và nhà đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, sẵn sàng nắm bắt cơ hội tăng trưởng. Giai đoạn 2017 - 2020, Fortex sẽ mở rộng hoạt động dệt nhuộm, với kế hoạch đầu tư vào một nhà máy sợi công suất tương đương 8.700 tấn/năm, vốn đầu tư 35 triệu USD.

“Hoạt động kinh doanh chính của Fortex là sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sợi bông, tạo ra thu nhập trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Năng lực sản xuất hiện nay đang được sử dụng 100%. Công ty dự kiến tăng gấp đôi công suất vào năm 2020 và tích hợp theo chiều dọc vào chuỗi giá trị đầy đủ của ngành công nghiệp dệt may”, anh Thường nói.

Có thể, so với lịch sử ngành dệt may Việt Nam, 15 năm hình thành, phát triển cùng những thành quả của Fortex vẫn còn khiêm tốn. Nhưng điều khiến doanh nhân Lê Mạnh Thường tự hào hơn cả là Fortex đã cung cấp những sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao bằng việc xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp với văn hóa sáng tạo, công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

“Tôi quan niệm rằng, trải nghiệm của khách hàng là điều quan trọng nhất. Vì vậy, chúng tôi đã không ngừng hoàn thiện và phát triển năng lực quản lý và kiểm soát chất lượng ổn định”, ông chia sẻ.

Khó khăn phía trước

Ngành sợi được đánh giá là sẽ hưởng lợi lớn và có tiềm năng tăng trưởng mạnh khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, sự kiện tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã tạo nên thay đổi lớn.

Việc nước Mỹ rút ra khỏi TPP khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực dệt may, lo ngại rằng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Lê Mạnh Thường cho rằng, TPP dù có bị hủy bỏ cũng không làm giảm đi các lợi thế vốn có từ trước tới nay của các doanh nghiệp ngành sợi và dệt may tại Việt Nam.

Trước mắt, khó khăn mà Fortex cùng các doanh nghiệp ngành sợi phải đối mặt là xu hướng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang có sự dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Điều này sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh, gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Điều hấp dẫn ở Việt Nam đối với các doanh nghiệp Trung Quốc là lợi thế về chi phí nhân công, điện, hạ tầng,… so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó là sự thuận tiện và cởi mở trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cùng chính sách giảm, miễn thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Tôi thấy đây là xu hướng tất yếu trong chuẩn giá trị dệt may toàn cầu. Việt Nam có nhiều điểm mạnh, lợi thế cạnh tranh về hạ tầng, chi phí, nguồn nhân lực, do đó sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp ngành sợi chuyển hoạt động sản xuất – kinh doanh tại đây”, ông nói.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất có thể gây một số ảnh hưởng, nhưng xu hướng xuất khẩu các mặt hàng dệt may những năm tới vẫn sẽ ổn định. Đặc biệt là các dòng hàng phổ thông vì các sản phẩm này phục vụ nhu cầu cơ bản của con người.

Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may trong nước đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp. Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện chiếm 4,5% tổng giá trị của dệt may toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, dệt may Việt Nam có cơ hội lớn nhờ chi phí sản xuất thấp, trong khi nhu cầu toàn cầu tiếp tục tăng do tăng dân số thế giới và thu nhập đầu người. Từ năm 2011, Việt Nam đã được xếp trong Top 4 nước nhập khẩu bông lớn nhất với sản lượng sản xuất khoảng 1.365.000 tấn sợi mỗi năm. Các dự báo còn cho rằng, tổng khối lượng bông nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp trong Top 2, ứng với 16% tổng nhập khẩu toàn cầu năm nay. Đây cũng chính là cơ hội rộng mở mà Fortex cần từng bước nắm bắt.

Tin bài liên quan