Chủ tịch Digiworld với chiến lược “Bước chân vào những gì đang tăng trưởng”

Chủ tịch Digiworld với chiến lược “Bước chân vào những gì đang tăng trưởng”

(ĐTCK) Chủ tịch Digiworl Đoàn Hồng Việt thuộc tuýp người không muốn tranh giành thị phần của những doanh nghiệp khác. Ông thích khai phá những phân khúc mới với suy nghĩ thị trường mới bao giờ cũng tốt hơn.

Chiều cuối năm, trong trang phục giản dị đến bất ngờ, người đàn ông bận rộn Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thế giới Số - Digiworld (DGW) vẫn dành cho người viết một cuộc hẹn.

Gương mặt ông ánh lên niềm hân hoan khi chia sẻ câu chuyện khai phá mảng kinh doanh mới và rằng, điều thành công nhất trong năm 2017 chính là DGW đã hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường - Market Expansion Service (MES) - năng lực cạnh tranh cốt lõi của DGW.

Nếu là buổi gặp đầu tiên, chắc ít ai hình dung ra đây là người đàn ông khởi nghiệp thành công với ngành phân phối máy tính, đưa DGW lọt vào Top 2 nhà phân phối tại Việt Nam. Ông Việt vừa nhận được giải thưởng Doanh nhân châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Entrepreneurship Award), do Enterprise Asia tổ chức - là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong lĩnh vực phân phối công nghệ.

Sau công nghệ, DGW đang tiếp tục thực hiện những bước đi táo bạo trong việc lấn sân sang hoạt động phân phối sản phẩm bảo vệ sức khỏe và ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Từ những ngày đầu khởi nghiệp, ông Việt chưa định vị rõ ràng về MES như hiện nay, hoạt động Công ty vẫn theo triết lý và chiến lược kiên định, nhất quán được vận dụng trong suốt 20 năm qua là “bước chân vào những gì đang tăng trưởng” và chiến lược 3C: cơ sở - con người - cơ hội. 

Ông thuộc tuýp người không muốn tranh dành thị phần của những doanh nghiệp khác mà thích khai phá những phân khúc mới với suy nghĩ thị trường mới bao giờ cũng tốt hơn.

“Khi thị trường đang vào xu hướng tăng trưởng, ai cũng có phần nhưng ai nhanh nhất mới là điều quan trọng”, ông Việt chia sẻ về chiến lược “bước chân vào những gì đang tăng trưởng”. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, xâm nhập thị trường thành công thì lại cần đến nội lực của doanh nghiệp. Ở DGW, nội lực đó được ông Việt xây dựng bằng việc đầu tư vào đội ngũ con người, hệ thống hạ tầng phân phối, các điểm bán hàng, trung tâm dịch vụ khách hàng, hệ thống logistics.

Tiêu chí quan trọng nhất của DGW khi lựa chọn các nhà sản xuất để phân phối sản phẩm là sản phẩm đó không làm hại người tiêu dùng. Đây là vấn đề đạo đức kinh doanh mà DGW kiên quyết tuân thủ.

- Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Digiworld

Với chiến lược rõ ràng, năm 1997, Hoàng Phương (tiền thân của DGW) thành lập và chớp ngay cơ hội thị trường khi mà Internet được cho cá nhân sử dụng, mở ra xu hướng PC cho cá nhân (máy tính lắp ráp), kế sau đó là “xu hướng công nghệ cho một cái laptop chín muồi”. Chỉ trong quý đầu tiên đi vào hoạt động, Hoàng Phương đã có lãi. Ngoài các dòng sản phẩm công nghệ như PC, laptop, máy tính bảng…, thì tiềm năng ngành hàng điện thoại di động cũng rất lớn. Năm 2013, DGW chính thức phân phối điện thoại di động. Con mắt nhà nghề của ông Việt đã thấy trước và chính thức bước chân vào phân phối sản phẩm điện thoại để chiếm lĩnh thị phần. “Khi thị trường đang tăng trưởng thì mình tham gia cũng đơn giản hơn”, ông Việt giản dị nói.

Để đưa các sản phẩm của nhà sản xuất tới tận tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất, thiết lập kênh phân phối là đương nhiên, nhưng việc nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng để biết cách marketing, quảng cáo sản phẩm hiệu quả là điều DGW luôn chú trọng.

Chính từ cách nghĩ, cách làm khác biệt đã tạo nên một Digiworld có tên tuổi trên thị trường phân phối ICT và trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất (đến thời điểm hiện tại) có thể thực hiện toàn bộ hoạt động từ phân tích thị trường, marketing, hậu cần (hạ tầng kho bãi, quản lý hàng tồn kho, vận chuyển, nhập khẩu…) đến phân phối (cả kênh truyền thống và online) và hậu mãi. Đây là các hoạt động trong chuỗi giá trị mà MES mang lại cho khách hàng.

Vì sao DGW đã thực hiện MES từ rất lâu, nhưng đến bây giờ mới hoàn thiện nền tảng? Ông Việt chia sẻ, ban đầu triển khai, mục đích đơn thuần của DGW là hỗ trợ bán hàng cho các nhà bán lẻ chứ chưa xây dựng các bản chào, đóng gói riêng biệt theo nhu cầu khách hàng - là các nhà sản xuất. Để hoàn thiện nền tảng, cần quy trình kinh doanh và nhân sự thích hợp, đặc biệt là hệ thống kho bãi, logicstic, phần mềm quản lý…

Tất cả đều phải cải thiện nhiều mới có thể phục vụ cho kênh phân phối truyền thống, hiện đại (online). Đến nay, DGW đã cơ bản hoàn thành việc này để cung cấp MES một cách chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, DGW không phân phối sản phẩm điện thoại và điện tử của Samsung nhưng Công ty vẫn cùng với đối tác cung cấp dịch vụ bảo hành cho Samsung, đó là 1 trong 5 dịch vụ trong chuỗi khép kín mà DGW cung cấp riêng lẻ.

Nhờ hoàn thiện nền tảng MES, DGW mạnh dạn bước chân sang phân phối các ngành hàng khác như sản phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng), FMCG. Tại DGW, mô hình kinh doanh, quy trình kinh doanh các sản phẩm công nghệ cho người tiêu dùng như điện thoại và các sản phẩm Health care, FMCG hoàn toàn tương đồng, đều dựa trên nền tảng MES. Có chăng, khác nhau chỉ là ở sản phẩm.

Trả lời câu hỏi vì sao DGW bước chân vào phân phối 2 ngành mới, ông Việt cho biết, khi đi công tác nước ngoài, có rất nhiều cửa hàng thực phẩm chức năng, sản phẩm rất phong phú. Sản phẩm có nhiều loại dành cho các đối tượng từ nam, nữ, già, trẻ… và khi người dùng đã sử dụng thì sẽ sử dụng thường xuyên. “Thị trường này khá lớn, trong khi kênh bán hàng vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu hàng xách tay, công dụng thì truyền miệng là chính. Đây chính là cơ hội cho DGW’, ông Việt bộc bạch.

Quý IV/2017, DGW chính thức phân phối sản phẩm chức năng đầu tiên là Kingsmen, đóng góp vào doanh thu 50 tỷ đồng và xây dựng được kênh phân phối ban đầu với 4.000 điểm bán, mục tiêu 20.000 điểm bán vào cuối năm 2019. Ông Việt cho biết, năm 2018, nhiều sản phẩm đã chuẩn bị đưa vào thị trường, càng nhiều sản phẩm càng dễ mở rộng kênh phân phối.

Đương nhiên, tham gia phân phối ngành hàng mới, ông Việt sẽ đối mặt với những lo ngại của chính các cổ đông, của các thành viên HĐQT, Ban lãnh đạo…

“Tôi thuyết phục mọi người bằng cách khẳng định, DGW tham gia vào việc cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) cho nhóm sản phẩm mới chứ không phải bỏ công nghệ để tham gia lĩnh vực kinh doanh mới. Do lĩnh vực thực phẩm chức năng chưa có doanh  nghiệp nào đạt thị phần trên 5%, chủ yếu là kênh phân phối nhỏ lẻ, rời rạc nên DGW xác định sẽ xây dựng mới, cũng giống như 20 năm về trước, DGW xây dựng kênh phân phối laptop”, ông Việt nói.

Trong quan điểm đầu tư, ông Việt cho rằng, rủi ro luôn có, nên nếu sản phẩm trong ngành mới của DGW chưa thành công thì Công ty sẽ “tìm cửa” ở các sản phẩm khác. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm về MES, ông tự tin rằng, DGW đang có những dự báo chuẩn xác hơn so với… thuở mới vào nghề.

Năm 2018, DGW đặt mục tiêu doanh thu 4.700 tỷ đồng, tăng trưởng 23% và lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng trưởng 29%. Dự kiến, trong năm 2018, DGW sẽ tung ra thị trường các sản phẩm trong nhóm sản phẩm bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em có xuất xứ từ Mỹ và sản phẩm bảo vệ gan, tuần hoàn máu dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào giữa quý III/2018.

Các sản phẩm ngành hàng thực phẩm chức năng mà DGW phân phối đa phần có nguyên liệu từ thiên nhiên. Ngay trong ngành phân phối truyền thống của DGW là ICT, Công ty  luôn đặt ra yêu cầu cao trong việc xử lý các sản phẩm bảo hành của khách hàng sao cho không tạo ra rác thải công nghệ có ảnh hưởng không tốt đến môi trường. 

“Tiêu chí quan trọng nhất của DGW khi lựa chọn các nhà sản xuất để phân phối sản phẩm là sản phẩm đó không làm hại người tiêu dùng. Đây là vấn đề đạo đức kinh doanh mà DGW kiên quyết tuân thủ”, ông Việt khẳng định.

Tin bài liên quan