CEO Vũ Văn Phụ và hành trình xây dựng thương hiệu Nhôm Việt Pháp

CEO Vũ Văn Phụ và hành trình xây dựng thương hiệu Nhôm Việt Pháp

(ĐTCK) Ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO) Nhôm Việt Pháp ví von, mỗi doanh nhân như là một chiến binh trên chiến trường, trước khi chia sẻ quá trình xây dựng thương hiệu mang lại bài học nhớ đời về bản quyền.

Cuộc “đại chiến” về thương hiệu Nhôm Việt Pháp của Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy Nhôm Việt Pháp với gần 30 thương hiệu khác có cụm từ này trong thời gian qua cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nhôm Việt nói chung và vấn đề bản quyền thương hiệu sản phẩm nói riêng.

Ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO) Nhôm Việt Pháp ví von, mỗi doanh nhân như là một chiến binh trên chiến trường, trước khi chia sẻ quá trình xây dựng thương hiệu mang lại bài học nhớ đời về bản quyền.

Những ngày đầu tháng 10/2019, phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Văn Phụ. Bên ấm trà mạn, lãnh đạo Nhôm Việt Pháp cho hay, những năm 1990, thị trường nhôm Việt chủ yếu là nhập khẩu, nhưng sản phẩm bình dân, chất lượng không cao, giá thành thấp. Năm 1994, Nhà máy Nhôm Hà Nội với hệ thống máy đùn nhôm ra đời, nhưng công suất và công nghệ cũng thấp, sơ sài, chưa đưa ra thị trường được những sản phẩm có chất lượng tốt.

Thị trường nhôm nhìn chung duy trì ở cấp thấp cho đến năm 2000, sau đó bắt đầu có những bước phát triển mạnh, phạm vi rộng hơn, nhiều mẫu mã đẹp hơn. Ðón đầu cơ hội, ngày 25/10/2000, ông Vũ Văn Phụ thành lập Công ty Lộc Trường Xuân, chuyên kinh doanh các mặt hàng nhôm và dịch vụ sơn tĩnh điện.

Năm 2005, ông Phụ mong muốn tạo ra một nét riêng về sản phẩm cũng như cách nhận diện thương hiệu công ty bằng việc thành lập mới và đầu tư xây dựng một nhà máy nhôm hiện đại ở Hà Nội.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, Công ty Lộc Trường Xuân được duy trì hoạt động để giữ khách và có vốn đầu tư nhà máy nhôm. Cứ như vậy, sau 4 năm kể từ ngày đặt viên gạch đầu tiên, năm 2009, Nhà máy Nhôm Việt Pháp đã hoàn thành.

Chia sẻ thêm về lý do ra đời của nhà máy, ông Vũ Văn Phụ cho biết, trước đó, ngành nhôm Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm có chất lượng kém, thanh nhôm rất mỏng. Tình cờ, một lần vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) thăm người ốm, ông nhìn thấy cửa nhôm của Bệnh viện rất dày và đẹp, đóng mở như cánh cửa ô tô.

Lân la dò hỏi thì được biết, đây là loại nhôm nhập khẩu từ châu Âu, vì lúc bấy giờ, thị trường Việt không có loại sản phẩm này. Ông mong muốn, thị trường nhôm Việt Nam nhanh chóng xuất hiện đại trà sản phẩm chất lượng tương tự như vậy đến tay người tiêu dùng.

“Ðây là những ý tưởng đầu tiên để hình thành nên Nhà máy Nhôm Việt Pháp như ngày nay”, ông Phụ kể. 

Từ đó, ông Phụ dành thời gian đi tham khảo, tìm hiểu các mẫu mã, sản phẩm nhôm có nguồn gốc từ châu Âu để thiết kế, đưa ra một sản phẩm riêng.

“Trong quá trình tham khảo, tìm hiểu kỹ mẫu mã các sản phẩm nhôm chất lượng cao, đúc kết kinh nghiệm thực tế và thị trường trong nước, chúng tôi đã thiết kễ mẫu sản phẩm nhôm riêng của Công ty theo dòng châu Âu, với độ dày từ 1,4 - 2 mm”.

Tuy nhiên, Công ty gặp muôn vàn khó khăn, bởi phân khúc khách hàng sử dụng sản phẩm nhôm chất lượng cao rất ít, các nhà phân phối đều lắc đầu, không chấp nhận sản phẩm của Công ty, vì giá thành cao.

“Thậm chí, nhiều anh em, bạn bè, người thân cũng phản đối, vì mức tiêu thụ của thị trường lúc bấy giờ không lớn, thu nhập của người dân chưa cao. Bao nhiêu câu hỏi vì sao được tôi đưa ra, nhưng vẫn đau đáu với câu hỏi tại sao người dân mình lại không được dùng những sản phẩm chất lượng tốt, cao cấp như các nước tiên tiến”, CEO Nhôm Việt Pháp chia sẻ.

CEO Vũ Văn Phụ và hành trình xây dựng thương hiệu Nhôm Việt Pháp ảnh 1

Ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO) Nhôm Việt Pháp.

Máy móc, thiết bị gia công là yếu tố quyết định đem lại sản phẩm chất lượng cao, nhưng do chưa có nhiều kinh phí đầu tư nên thời gian đầu, Công ty phải nhập khẩu phụ kiện.

Nhận thấy chi phí cao và luôn bị động nên năm 2012, ông Phụ đưa ra phương án đặt hàng đơn vị có uy tín và khả năng đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng sản xuất phụ kiện.

Theo đó, Công ty Khóa Việt Tiệp là đơn vị được Nhôm Việt Pháp lựa chọn hợp tác: Nhôm Việt Pháp cung cấp mẫu mã, tiêu chuẩn, còn Khóa Việt Tiệp thi công sản xuất. Nhờ đó, ông chủ động được phụ kiện, giải quyết được bài toán về giá cả, chi phí sản phẩm.

Nhưng thị trường đại trà vẫn khó tiếp cận, ông Phụ đi theo thị trường ngách, bắt đầu từ các mối quan hệ cá nhân và cho nhân viên trực tiếp đến từng nhà để tiếp thị và bán sản phẩm.

“Sản phẩm đầu tiên của chúng tôi là đơn hàng của một người bạn. Khi mang sản phẩm đến lắp đặt, người bạn này nhận xét, chẳng khác gì sản phẩm cao cấp nhập khẩu. Ðây là động lực để chúng tôi tiến hành phát triển rộng ra thị trường”, lãnh đạo Nhôm Việt Pháp nhớ lại.

Cứ như vậy, khách hàng đến với Nhôm Việt Pháp ngày càng nhiều, với những sản phẩm gia công trực tiếp theo yêu cầu. Ðến năm 2014 - 2015, thương hiệu Nhôm Việt Pháp được mở rộng trên thị trường.

Lúc này, khó khăn mới xuất hiện. Từ năm 2015 đến nay, thị trường xuất hiện hàng loạt công ty được thành lập với tên “nhôm Việt Pháp” đính kèm. Theo thống kê, gần 30 thương hiệu có tên như vậy. 

“Ðây là bài học nhớ đời của chúng tôi về bản quyền thương hiệu sản phẩm. Song thị trường vẫn tin tưởng sản phẩm của Công ty, mà cách nhận biết của họ rất đơn giản là dùng nhôm Việt Pháp tem xanh”, ông Phụ cho hay.

“Có lẽ, chúng tôi hợp với câu, gái có công, chồng chẳng phụ. Tôi động viên anh em là phải tin tưởng vào sản phẩm, vì sản phẩm tốt sẽ không sợ khách hàng quay lưng và chu kỳ vòng đời của loại sản phẩm này rất dài”, CEO Nhôm Việt Pháp nói.

Quay trở lại những ngày đầu xây dựng thương hiệu Nhôm Việt Pháp, CEO Vũ Văn Phụ tự hào: “Tôi có được đội ngũ anh em đồng nghiệp tận tâm, tận lực, vừa sản xuất, vừa tiếp thị sản phẩm. Anh em trên dưới một lòng, vì mục tiêu phát triển của Công ty.

Ðến bây giờ, thị trường có nhiều kênh tiếp thị hiện đại, nhưng chúng tôi vẫn duy trì kênh tiếp thị truyền thống và đây cũng là thành công của thương hiệu Nhôm Việt Pháp”.

“Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn là cốt lõi, cho dù tiếp thị giỏi nhưng chất lượng sản phẩm không tốt thì cũng không thể tồn tại được. Ðây là quan điểm xuyên suốt từ ngày thành lập Công ty”, ông Phụ nhấn mạnh.

Thị trường bây giờ đã khác, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi và kỹ tính hơn. Do đó, doanh nghiệp phải luôn luôn thay đổi để đáp ứng, sản phẩm không chỉ tốt bên trong, đẹp bên ngoài, mà còn phải có thêm các tính năng tiện dụng, linh hoạt, thân thiện môi trường, thậm chí là thông minh trong từng sản phẩm.

Quá trình xây dựng thương hiệu Nhôm Việt Pháp để lại nhiều bài học cho vị doanh nhân đang chín về tuổi đời và nghề, với ông, đó là đạo đức nghề nghiệp, tuyệt đối không được gian dối khách hàng, phải liên tục cập nhật kiến thức trong và ngoài nước để áp dụng một cách phù hợp nhu cầu người tiêu dùng, bên cạnh đó là kiến thức về pháp luật để phòng vệ trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ, bảo vệ thương hiệu, thành quả nghiên cứu sản xuất.

Tin bài liên quan