CEO PIMCO đã chán... kinh doanh

CEO PIMCO đã chán... kinh doanh

(ĐTCK) Ngày 21/1/2014, Pacific Investment Management Company (PIMCO),tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Mỹ đã chính thức thông báo, ông Mohamed El-Erian, 55 tuổi, giám đốc điều hành (CEO) vừa có đơn xin từ chức và đã được chấp thuận.

Hiện ông còn tạm giữ chức này cho đến giữa tháng 3/2014. Tuy nhiên, ông vẫn là thành viên của Ủy ban điều hành quốc tế của Tập đoàn Bảo hiểm Allianz (Đức), tức là vẫn tiếp tục tư vấn cho Ban lãnh đạo Allianz về các vấn đề liên quan đến kinh tế toàn cầu cũng như chính sách. 

Do không có bất kỳ lý do nào được đưa ra, nên nhiều người chưa thể lý giải tại sao một nhà quản lý tài ba, một chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô có hạng lại đột ngột ra đi vào lúc này, khi uy tín của ông vẫn đang ở mức cao.

Việc ra đi có phần đường đột của ông Mohamed El-Erian chắc chắn không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu toàn cầu, bởi PIMCO là một trong những doanh nghiệp có máu mặt nhất trong lĩnh vực này. PIMCO hiện quản lý tổng tài sản khổng lồ ước tới 1.970 tỷ USD. Ở PIMCO, ông Mohamed El-Erian đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng các chiến lược đầu tư có ảnh hưởng đến các quỹ hưu trí của hàng triệu người Mỹ…

Ông Douglas Hodge, nhà quản lý cao cấp của PIMCO đã được đề bạt thay ông Mohamed El-Erian. Đồng thời, 2 ông Andrew Balls, Daniel Ivascyn cũng được bổ nhiệm vào chức phó cho ông Douglas Hodge.

Ông Mohamed El-Erian là người gốc Ai Cập, song hiện mang tới 3 quốc tịch là Mỹ, Pháp và Ai Cập.

Ông sinh ra ở New York, khi bố ông là Đại sứ Ai Cập tại Liên hợp quốc. Sau đó, bố ông được chuyển sang làm Đại sứ Ai Cập tại Pháp nhiều năm. Chính vì thế, từ bé đến lúc trưởng thành, ông đã sống nhiều năm cả ở Mỹ và Pháp, song lại được đào tạo cơ bản ở bậc đại học và trên đại học ở Anh. Ông đã tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân về kinh tế của Đại học Cambridge và có bằng tiến sỹ về kinh tế ở Đại học Oxford. Cambridge và Oxford là 2 trường đại học danh giá nhất Anh. Thế nhưng, Mỹ mới chính là nơi ông phát triển sự nghiệp của mình. Cụ thể, ông đã có 15 năm làm việc liên tục tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington D.C.

Khi đã có nhiều kinh nghiệm về tiền tệ, quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô, ông quyết định chuyển sang làm cho khu vực DN và Tập đoàn Tài chính - Ngân hàng Citigroup đã được ông chọn. Citigroup đã cử ông sang làm CEO Chi nhánh tại Anh. Năm 1999, ông đã gia nhập PIMCO và là thành viên cao cấp phụ trách quản lý danh mục đầu tư của Tập đoàn.

Năm 2005, vì một số lý do khác nhau, ông chia tay PIMCO để thử sức mình ở môi trường giảng dạy tại Đại học Harvard nổi tiếng thế giới. Ở đây ít lâu, do có tài quản lý tài chính, nên Ban giám đốc Đại học đã quyết định chọn ông làm CEO Harvard Management Company, công ty chuyên kêu gọi tài trợ, quản lý các khoản tài trợ, đóng góp tài chính của các cá nhân, tổ chức cho Đại học. Harvard Management Company quản lý ngân sách của Harvard lên tới 26 tỷ USD, mức cao nhất trong các trường đại học trên thế giới. Sau hơn 2 năm, vào năm 2007, ông lại quay trở về PIMCO, song vẫn giữ chức thành viên của Harvard Global Advisory Council.

Do đã lăn lộn nhiều năm cả ở môi trường kinh doanh, quản lý, hàn lâm, cộng với tài ăn nói, viết lách được, nên thường xuyên ông được nhiều tổ chức uy tín mời đi diễn thuyết, các báo, tạp chí có tiếng đặt bài. Dù đã làm cho cả IMF, Đại học Harvard và PIMCO, song PIMCO mới là nơi ông kiếm được nhiều tiền nhất. Theo một số nguồn tin, có năm ông có tổng thu nhập (gồm lương, thưởng…) lên tới 100 triệu USD.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, việc kiếm được nhiều tiền luôn đi kèm với những áp lực rất lớn; năm 2013 lại là một năm thất bát của PIMCO và đương nhiên của cả ông. 

Được biết, trong năm qua, ông chủ yếu tập trung quản lý đầu tư ở 3 quỹ đầu tư con, quy mô nhỏ của PIMCO và điều đáng chú ý là cả 3 quỹ đều làm ăn kém hiệu quả. Theo Hãng Morningstar, Quỹ Pimco Global Advantage Strategy, quỹ lớn nhất trong số 3 quỹ trên, năm 2013 có thu nhập giảm 2,6%.

Quỹ Total Return Fund, quỹ con lớn nhất của PIMCO (do ông và ông Bill Gross đồng sáng lập) quản lý tới 237 tỷ USD cũng bị lỗ và bị mất vị trí là quỹ tương hỗ (mutual fund) lớn nhất thế giới vào tay Quỹ Vanguard Total Stock Market Index Fund. Hơn nữa, năm ngoái, các nhà đầu tư đã rút tổng cộng 47 tỷ USD khỏi các quỹ thuộc PIMCO, một hiện tượng xấu hiếm khi xảy ra.

Có thể đây là những lý do chính khiến ông Mohamed El-Erian tỏ ra chán kinh doanh và lại muốn quay về với nghề tay trái là bình luận, phân tích kinh tế. Nghề này vừa nhàn hơn, lại vừa lành hơn kinh doanh nhiều.             

Tin bài liên quan