Sau khi quản lý Sàn giao dịch bất động sản An Đô vào loại ăn nên làm ra trong khoảng 5 năm, chị Hạnh mạnh dạn chuyển hướng sang dịch vụ đấu giá tài sản khi nhìn thấy cơ hội lớn cùng xu thế phát triển trong lĩnh vực tiềm năng này và quyết tâm mua lại 30% cổ phần Công ty Lạc Việt để trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty.

Bước vào lĩnh vực mới, chị loay hoay mất vài năm đầu để chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhân lực, nhất là bồi đắp kiến thức cả về quản trị doanh nghiệp và đấu giá để lấy được chứng chỉ hành nghề.

Để xây dựng sàn đấu giá tự nguyện thành công, Công ty Lạc Việt chuẩn bị rất kỹ về cơ sở hạ tầng và đội ngũ chuyên gia thẩm định, phân tích, đánh giá. Quan trọng nhất, theo chị Hạnh, đó là niềm tin của những người có tài sản. Họ tin vào uy tín của Lạc Việt để gửi gắm các tài sản của mình cho Công ty mang ra đấu giá, ký gửi.

Lạc Việt nhận cung cấp dịch vụ đấu giá rất nhiều loại hàng hóa, sản phẩm từ hữu hình cho đến phi vật thể như quyền sử dụng đất, trong đó có không ít tài sản vật chất và tinh thần có giá trị, các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm hàng hiệu, hàng độc và cả tang vật, phương tiện vi phạm, tài sản bị Nhà nước tịch thu. Hiện nay, Lạc Việt là một trong 18 doanh nghiệp bán đấu giá chuyên nghiệp hoạt động thường xuyên có tên trong danh sách của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Với đội ngũ hội đồng luật sư tư vấn dày dạn kinh nghiệm, gần 60 đấu giá viên, thư ký viên có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cùng 10 chi nhánh và văn phòng đại diện tại khắp các tỉnh, thành phố, Lạc Việt có đủ năng lực tổ chức các chương trình bán đấu giá và cung cấp dịch vụ đấu giá trên toàn quốc.

Tính từ khi thành lập đến nay, sàn đấu giá tự nguyện của Lạc Việt đã thực hiện thành công rất nhiều phiên đấu giá.

Chị Hạnh cho biết, năm 2015, tổng giá trị tài sản mà Công ty đem ra đấu giá vào khoảng 1.000 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 1.600 - 1.700 tỷ đồng.

Mặc dù phí dịch vụ thu về không nhiều nhưng đủ để Công ty trang trải mọi chi phí, có lãi và tiếp tục đầu tư phát triển. Chị chia sẻ, tiền nhiều hay ít là một việc cần tính toán, song với chị, quan trọng nhất là được làm đúng công việc mình đam mê, đó là luôn tiếp xúc với cái mới, chinh phục thử thách từ khách hàng, từ thị trường.

Theo vị nữ doanh nhân, làm đấu giá khó có thể giàu như nhiều nghề kinh doanh khác, nhưng có sức hút rất lớn bởi sự “biến hóa” linh hoạt. Không có một công thức chung nào cho các thương vụ đấu giá vì hàng hóa hết sức đa dạng, trong đó không ít mặt hàng đặc biệt, độc đáo, không có cái thứ hai trên thị trường; giá cả cũng đặc biệt, không thể tính theo giá trị như hàng hóa thông thường.

Trong khi đó, khách hàng là những người rất kén chọn và am hiểu bởi họ biết giá trị thực đôi lúc là vô giá của một số hàng hóa được đem ra đấu giá.

Chinh phục được khách hàng khó tính nhất khi mang lại cho họ niềm vui được sở hữu những món hàng độc đáo bất kể giá trị cao đến mức nào, trong khi thu về cho chủ món hàng đem bán giá trị vượt mong đợi, đó là phần thưởng lớn nhất dành cho chị ở cái nghề này.

Định hình với nghề đấu giá tài sản tự nguyện, song giờ đây, Lạc Việt và vị “nữ tướng” Đỗ Thị Hồng Hạnh lại nổi danh trong giới chuyên môn với lĩnh vực đấu giá các tác phẩm nghệ thuật.

Chị Hạnh cho biết, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vốn rất quen thuộc trên thế giới từ lâu, song tại Việt Nam còn khá mới mẻ và mới chỉ có một số ít người tiếp cận. Lạc Việt triển khai hoạt động đấu giá này cách đây chưa lâu, chủ yếu nhằm đón đầu thị trường.

Người tham gia chủ yếu là những người trong giới, những người có đam mê sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, vừa giao lưu học hỏi, vừa tìm hiểu và tìm kiếm các tác phẩm độc đáo.

Bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vừa phức tạp, vừa đòi hỏi cầu kỳ hơn rất nhiều so với tổ chức bán đấu giá một mảnh đất, một chiếc ô tô. Sở dĩ như vậy là vì ngay việc tổ chức đấu giá cho tác phẩm nghệ thuật cũng tương tự như tổ chức một chương trình nghệ thuật.

Quá trình thẩm định giá trị sản phẩm, tổ chức bán hàng, truyền thông giới thiệu sản phẩm cho đến trưng bày, bảo quản đều phức tạp, tốn kém và mất thời gian hơn rất nhiều.

Các tác phẩm nghệ thuật đều phải được được Hội đồng thẩm định chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, đạt thì mới có thể đưa ra bán đấu giá.

Phí dịch vụ thu về không lớn, bởi theo quy định của pháp luật, bất kể giá trị tài sản giao dịch lớn thế nào, mức phí cao nhất mà doanh nghiệp bán đấu giá được nhận là 300 triệu đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ cần sơ suất trong quá trình thẩm định, giám định tác phẩm nghệ thuật thì chi phí bồi thường thiệt hại cho người thắng đấu giá là rất lớn.

Mặc dù vậy, chị nhìn thấy cơ hội cho thị trường này, bởi nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam được quốc tế công nhận, đánh giá cao, có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kinh tế.

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu, thượng lưu ngày một nhiều, nhu cầu sưu tầm những mặt hàng độc, lạ hay có tính nghệ thuật của Việt Nam cũng như thế giới đang có xu hướng gia tăng.

Chị bảo, nếu không có được một sàn đấu giá chuẩn cho các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam thì đó là một điều đáng tiếc bởi Việt Nam có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, có rất nhiều nghệ nhân, họa sĩ tài danh được thế giới biết đến.

Trên sàn đấu giá quốc tế thường xuyên có các đồ cổ quý hiếm cũng như các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam, nhưng hầu như các hàng hóa đặc biệt này không được bán đấu giá trực tiếp ở Việt Nam mà lòng vòng đi qua rất nhiều đầu mối để lên sàn đấu giá quốc tế, bởi trong nước chưa có sàn đấu giá thực thụ.

Theo đó, các khách hàng trong nước muốn mua phải cất công đi lại với chi phí không nhỏ, các họa sĩ Việt Nam muốn bán đấu giá các tác phẩm của mình phải gửi sang các sàn đấu giá quốc tế với mức phí cao, Nhà nước thì thất thu một nguồn thuế đáng kể từ hoạt động mua bán đấu giá này.

Bởi vậy, chị luôn cháy bỏng niềm khát vọng lớn lao, đó là gây dựng được một hệ thống sàn đấu giá các tác phẩm nghệ thuật và tài sản tại Việt Nam đủ tầm cỡ, vừa tạo một sân chơi đấu giá cho giới chuyên môn trong và ngoài nước, vừa góp phần tôn vinh văn hóa nghệ thuật và truyền thống, bản sắc văn hóa của đất nước tới khách hàng và đối tác quốc tế.

Bước đầu, thứ Bảy hàng tuần, Lạc Việt tổ chức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật cho giới sưu tầm và những người mê tranh, đồ mỹ nghệ, thậm chí là sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng thế giới được sản xuất với số lượng có hạn dành cho giới siêu giàu.

Bên cạnh đó, sàn đấu giá của Lạc Việt còn là nơi người dân có nhu cầu ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá hoặc tham quan, triển lãm tài sản đấu giá, gặp gỡ, trao đổi về nghệ thuật, hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có tác phẩm nghệ thuật sử dụng hình thức bán đấu giá thay cho cách bán hàng phổ biến trước đây.

Ngoài ra, hàng quý, Lạc Việt tổ chức các phiên đấu giá với quy mô lớn tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và TP.HCM nhằm tạo ra một sân chơi chung cho giới mê nghệ thuật của Việt Nam cũng như thế giới.

Đánh giá về tiềm năng thị trường đấu giá tài sản Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, nữ CEO Lạc Việt cho rằng, đây là thị trường còn mới mẻ song có tiềm năng lớn.

Đặc biệt, từ ngày 1/7 tới, Luật Đấu giá bắt đầu có hiệu lực sẽ tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn cho các hoạt động đấu giá tài sản, nhất là tài sản có giá trị như tác phẩm nghệ thuật, bất động sản, vàng bạc, kim cương…

“Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn trong hoạt động đấu giá, không chỉ giới hạn trong thị trường nội địa mà còn có thể mở rộng kết nối với hoạt động đấu giá tại các thị trường lớn trên thế giới.

Các khách hàng trong và ngoài nước sẽ yên tâm với dịch vụ và các nhà đấu giá uy tín tại Việt Nam, gửi tài sản về đấu giá tại Việt Nam hoặc mời ra nước ngoài hợp tác đấu giá tại các thị trường lớn trên thế giới”, vị “nữ tướng” đấu giá lạc quan nhìn nhận về tương lai.