Đặng Công Nguyên: "Các cộng sự lớn tuổi đã dạy cho tôi bài học lớn, cách học tốt nhất là dấn thân vào lĩnh vực đào tạo và tư vấn"

Đặng Công Nguyên: "Các cộng sự lớn tuổi đã dạy cho tôi bài học lớn, cách học tốt nhất là dấn thân vào lĩnh vực đào tạo và tư vấn"

CEO Eway Đặng Công Nguyên: Tôi không muốn là doanh nhân nghèo nàn

“Kinh doanh không tạo ra tiền là kinh doanh thất bại, nhưng chỉ tạo ra tiền là kinh doanh nghèo nàn. Tôi sẽ học để không trở thành một doanh nhân nghèo nàn”. Đặng Công Nguyên đã nói như vậy khi kể lại chặng đường học bằng cách lập doanh nghiệp của mình.

Bỏ học để… học nhiều hơn

Phạm Công Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần Eway vốn là dân Bách khoa Hà Nội, ngành Công nghệ phần mềm. Nhưng Nguyên không đi hết con đường này. Học đến năm thứ tư, Nguyên bất ngờ… bỏ học. Quyết định này gây sốc với nhiều người, nhất là gia đình. Rất khó giải thích việc bỏ học, lại còn ở năm thứ tư, với một sinh viên nổi tiếng hiếu học như Nguyên. Bản thân Nguyên cũng không dễ lý giải cách nghĩ đã đưa mình tới quyết định “động trời”, đó là bỏ học để có thời gian học chuyên sâu hơn.

Khởi động một doanh nghiệp giống như việc bắn một vệ tinh lên không gian. Giai đoạn đầu phải tiếp rất nhiều năng lượng để vệ tinh có thể vượt được sức hút khỏi trái đất, nếu không nó sẽ bị rơi trở lại và trở về con số 0.

- Đặng Công Nguyên - Sinh năm 1981, tuổi Tân Dậu.

Hồi đó, ở Đại học Bách khoa, chương trình học tập trung trong 4 năm đầu. Năm thứ năm gần như là thời gian để sinh viên làm luận văn, hầu như không học thêm gì nữa. Thấy tiếc thời gian, Nguyên xin bảo lưu kết quả của 4 năm học và bắt đầu hành trình “tầm sư học đạo” của mình.

Ngay sau khi nghỉ học ở Đại học Bách khoa, Nguyên lập tức tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu do các tổ chức đào tạo quốc tế tổ chức. Nhưng hồi đó, các khóa học này phần nhiều được tổ chức tại TP.HCM, nên Nguyên “Nam tiến” với hai bàn tay trắng. Hành trang duy nhất khi đó là ham muốn được học hỏi.

Những ngày đầu nơi xứ lạ, không họ hàng, không bạn bè thân quen, Nguyên thuê một chỗ mà mọi người gọi là có chỗ chui ra chui vào với giá 200.000 đồng/tháng, vừa làm thêm để tự trang trải cuộc sống, vừa lao vào học.

Vậy là, ngoài chuyên môn công nghệ phần mềm được đào tạo trong 4 năm ở Đại học Bách khoa, Nguyên lao vào học kỹ năng bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm… “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ học khoảng 3 tháng là đủ, nhưng rồi học mãi vẫn thấy thiếu. Nhìn lại, tôi đã bám trụ tại TP.HCM đến 2 năm rưỡi”, Nguyên kể. 

Kinh doanh cũng là để học

Mở công ty, rút lui, rồi lại mở công ty khác… Kịch bản này khá quen thuộc với nhiều doanh nhân khởi nghiệp. Với Đặng Công Nguyên, con đường từa tựa như thế. Eway là công ty thứ sáu của Nguyên.

Nhưng Nguyên nói, kịch bản của mình có đôi chỗ khác biệt. Nhiều người mở rồi đóng doanh nghiệp là bất đắc dĩ, do thua keo này bày keo khác, còn Nguyên thì chủ động với các kế hoạch mở và đóng của mình. Lần nào cũng vậy, Nguyên mở công ty trong thế hợp tác với các tên tuổi có kinh nghiệm, để học hỏi, trau dồi kiến thức, rồi lại rút lui khi các kế hoạch kinh doanh đạt mục tiêu.

Năm 2002, công ty đầu tiên của Nguyên và một số người bạn hoạt động dịch vụ phần mềm, thiết kế website, thương mại điện tử. Có thể coi đây là công ty mang tính chất tập dượt cảm giác kinh doanh. Sau này, những cộng sự cùng hợp tác với Nguyên thời kỳ đó đều đã là những doanh nhân thành đạt.

Tuy chưa tạo được tiếng vang gì đáng kể với công ty đầu tiên, nhưng chàng trai 22 tuổi thời kỳ đó đã có những trải nghiệm đầu tiên với thương trường, quan trọng là bắt đầu có thể nói chuyện khá “ngang cơ” với những đối tác có kinh nghiệm hơn.

Cơ hội ngàn vàng, Nguyên nói như vậy, khi Nguyên gặp được một nhóm các bậc đàn anh đã từng làm kinh doanh lâu năm, học hành bài bản. Một số người trong số đó đã là tiến sỹ kinh tế, từng hợp tác với các doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản…

CEO Eway Đặng Công Nguyên: Tôi không muốn là doanh nhân nghèo nàn ảnh 1

Anh Đặng Công Nguyên (ngoài cùng bên phải) và các cộng sự tại buổi ra mắt sản phẩm mới cuối năm 2016

Nhưng Nguyên lại không có bằng đại học, tưởng như cuộc nói chuyện sẽ khó có kết thúc đẹp. Nhưng Nguyên đã cho các bậc đàn anh thấy những tài sản đáng giá khác mà nhiều thanh niên cùng tuổi hồi đó khó thu thập được, đó là kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, lòng nhiệt huyết, tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên và tất nhiên là sự trung thực… “Tôi đã trở thành một thành viên rất đặc biệt của nhóm nhờ những gì đã học được ở trường đời”, Nguyên kể.

Cũng với nhóm này, Nguyên đã khởi sự công ty thứ ba của mình - một doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và tư vấn về kinh doanh. Chuyện khá ly kỳ khi, một người đang học dở đại học lại đi tư vấn kinh doanh cho người khác!

“Các cộng sự lớn tuổi đã dạy cho tôi bài học lớn, cách học tốt nhất là dấn thân vào lĩnh vực đào tạo và tư vấn. Đây chính là giai đoạn có ý nghĩa rất lớn với tôi. Với vai trò là người giới thiệu sản phẩm, tôi đã học được rất nhiều điều từ chính những cộng sự của mình, những kinh nghiệm, kiến thức rất có giá trị với một doanh nhân như kỹ năng bán hàng, tiếp thị, quản trị doanh nghiệp…”, Nguyên kể.

Tiếp đà tiến tới, vẫn cùng với nhóm đó, Nguyên tiếp tục chặng đường trải nghiệm với sự nghiệp kinh doanh bằng việc mở thêm một công ty tổ chức sự kiện và tiếp theo nữa là công ty tư vấn về bảo mật. Cứ mỗi lần lấn sân sang một lĩnh vực mới, Nguyên lại âm thầm “luyện công” trong lĩnh vực sở trường của mình, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ…

Eway và khát vọng sáng tạo không ngừng

Eway ra đời trong một chu trình mà Phạm Công Nguyên đã lập trình. Sau những trải nghiệm từ lý thuyết đến thực tế kinh doanh, năm 2009, Nguyên cho ra đời Eway với ý tưởng và hoài bão về một công ty marketing trực tuyến dựa trên sự hỗ trợ của nền tảng ứng dụng công nghệ tiến bộ nhất.

Khác với marketing trực tuyến truyền thống, phương thức hoạt động của Eway là tiếp thị liên kết, tức là tạo ra cơ chế quảng cáo thông minh tự động kết nối mọi nhà quảng cáo (Advertiser) và nhà phân phối (Publisher), không giới hạn vị trí địa lý.

Chỉ với 10 người khi thành lập, sau 8 năm, Eway đã tạo nên tiếng vang lớn trong ngành quảng cáo và phân phối với các sản phẩm có tính cách mạng trong ngành khoa học marketing như SànGame, AdFlex, MasOffer…

Với mong muốn đưa sản phẩm và trí tuệ của người Việt vươn tầm thế giới, Eway đã ghi dấu trên bảng xếp hạng công nghệ toàn cầu, lớn mạnh không ngừng với các chi nhánh tại 3 nước Đông Nam Á khác là Singapore, Indonesia, Thái Lan… 

Nhưng khát vọng của Nguyên chưa dừng lại. “Còn nhiều khó khăn, nhưng Eway sẽ phải trở thành nhà cung cấp nền tảng công nghệ số 1 về phân phối trực tuyến tại Đông Nam Á và top 3 quảng cáo trực tuyến châu Á”, Nguyên nói.

Đây là một mục tiêu lớn, nhưng với những gì mà Eway đã thể hiện, ước vọng này không phải viển vông. Cuối năm 2016, Eway đã tung ra 3 sản phẩm có thể coi là cuộc đại cách mạng trong marketing trực tuyến. AdFlex - Phiên bản 3.0 (phiên bản đầu tiên ra đời cách đây 3 năm) là nền tảng cung cấp giải pháp mobile marketing theo hình thức CPI (Cost per install - trả tiền theo hành vi của người dùng) như: tải về, cài đặt, sử dụng, cập nhật… AdFlex đã giúp mọi ứng dụng tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn với mức 50.000 - 70.000 lượt cài đặt ngay trong tuần đầu tiên và lọt top trong bảng xếp hạng Google Play hay App Store.

Đến nay, AdFlex đã cộng tác và phát triển trên 20 quốc gia, vận hành hơn 50 chiến dịch quảng cáo một ngày, sở hữu 200.000 lượt cài đặt mỗi ngày, 40.000.000 lượt click chuột mỗi tháng, chia sẻ doanh thu với hơn 30.000 đối tác. AdFlex đã trở thành sản phẩm công nghệ tại Việt Nam có thể so găng với thế giới khi đứng vị trí 26 trong top 30 mạng quảng cáo xuất sắc toàn cầu 2015 do AppsFlyer xếp hạng.

Nhưng MasOffer còn có tính năng ưu việt hơn. MasOffer được Nguyên sinh ra năm 2015 đã thổi làn gió mới vào thế giới công nghệ, khi mang tới các giải pháp khác biệt giúp mọi nhà quảng cáo dễ dàng tiếp cận những thị trường ngách khó nhất và đạt tỷ lệ khách hàng trung thành cao vượt trội với hệ thống nhà phân phối chuyên nghiệp và đa dạng trên mọi lĩnh vực như điện tử - điện máy, thời trang, giáo dục, du lịch...

Đứa con tinh thần nhỏ tuổi nhất của Nguyên là AdStiq đang cho thấy, con đường trở thành số 1 của Eway đã bắt đầu có hình hài. Với hệ thống tiếp thị định hướng người dùng, AdStiq loại bỏ hoàn toàn nhược điểm về dữ liệu người dùng rời rạc trên các thiết bị, kênh giao tiếp khác nhau…

Với hệ thống dữ liệu khổng lồ, AdStiq cho phép phân tích và thấu hiểu người dùng, vì vậy chỉ đưa tới những nội dung phù hợp nhất dựa trên chân dung khách hàng. Đây là sự khác biệt lớn của nền tảng quảng cáo mới này, bởi người dùng sẽ được gợi ý thông minh những sản phầm mà mình thực sự quan tâm, yêu thích.

Đây cũng chính là chất xúc tác để Đặng Công Nguyên tiếp tục hành trình học tập không mệt mỏi của mình.

Tin bài liên quan