Hẹn gặp Trần Nghĩa vào một buổi sáng mùa thu, tôi khá bất ngờ khi xuất hiện trước mặt mình là một chàng thanh niên 9x chững chạc và có vẻ “già trước tuổi”.

Dáng người gầy nhỏ, lịch thiệp, với một chiếc cặp da, Trần Nghĩa có phong thái của một người kinh doanh năng động.

Cuộc đối thoại với nhiều cảm xúc đan xen, như một thước phim quay chậm quanh câu chuyện đặc biệt về chàng trai trẻ sáng lập BiFam.

Hồi còn là sinh viên năm thứ ba Đại học Hàng hải (Hải Phòng), Trần Nghĩa bất ngờ bị suy thận mãn tính, cấp độ 4.

Nghĩa nhớ như in câu nói của bác sĩ khi cho gia đình xem kết quả: “Nếu không phải là người thường xuyên rèn luyện thể thao, chắc cậu đã đi rồi”.

Nghĩa đành bỏ dở tấm bằng đại học để đi chạy thận, duy trì sự sống. Một tuần 4 lần đến bệnh viện, mỗi lần chạy thận 4 tiếng, ròng rã suốt 3 năm, tiền của, sức lực hao mòn dần.

Quê Nghĩa ở đất vải Lục Ngạn, Bắc Giang, cả gia đình Nghĩa trông mong vào vườn vải. Thu nhập không đủ để chi trả viện phí cho Nghĩa và tiền thuốc thang, bố mẹ chạy vay mượn khắp nơi chỉ để con có cơ hội sống ngày nào mừng ngày đó.

Mỗi tháng hết 4 - 5 triệu đồng tiền thuốc, đi lại, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt. Để có thêm thu nhập, Nghĩa kinh doanh đủ nghề, từ bán mật ong, mì chũ đến trà chanh vỉa hè ban đêm…

Nhìn chàng trai trẻ gầy yếu miệt mài đi bán hàng không kể ngày đêm, sớm tối, ai cũng nể phục bởi tinh thần và nghị lực không ngừng vươn lên của Nghĩa.

Thời đó, Nghĩa kể, “bố mẹ không cho tôi làm vì sức khỏe yếu, nhưng kinh tế gia đình ngày càng đi xuống, kiệt quệ, tôi quyết tâm kinh doanh để tự kiếm tiền.

Tôi nhờ mẹ vay mượn tiền để mua mật ong hoa vải, đem từ Bắc Giang về Hải Phòng bán.

Tôi đi tiếp thị khắp nơi, cũng làm tem nhãn riêng cho sản phẩm và bắt đầu có khách hàng. Sáng đi chạy thận, trưa về đóng mật ong, chiều đi giao, tối lại bán trà chanh trước cổng Trường đại học Hàng hải, cứ thế lần hồi qua ngày”.

Có những tháng Nghĩa chạy xe máy nhiều lần chặng Bắc Giang - Hà Nội, với quãng đường hơn 100 km để lấy mì chũ, làm đồng phục để bán.

Không ít ngày làm đến mệt lả, huyết áp có lúc lên 160-180. Những ngày đầu khởi nghiệp kiếm từng đồng hằn sâu trong tâm trí Nghĩa.

Vất vả bao nhiêu đi nữa, Nghĩa vẫn không hết động lực, đó là niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.

“Đó là những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời, khi đứng giữa hai ngã rẽ sự sống và cái chết.

Tôi nhận ra rằng, mạnh mẽ chính là con đường duy nhất để vượt qua lưỡi hái tử thần và cũng chính sự mạnh mẽ ấy đã giúp tôi vực dậy, kiên cường hơn, có niềm tin mãnh liệt hơn để vượt qua”, Nghĩa chia sẻ.

Sau thời gian dài chạy thận, sức khỏe yếu dần và luôn bị phụ thuộc vào bệnh viện, gia đình muốn Nghĩa ghép thận.

Lại một lần nữa, bố mẹ ngược xuôi đi vay tiền lo cho con. Ban đầu, bố định cho Nghĩa thận, nhưng bác sĩ phát hiện thận của người bố có nang nước, không thể ghép được.

Nghĩa đã nhận thận từ mẹ. Thận mẹ cho đã giúp Nghĩa hồi sinh, dần có một cuộc đời mới khỏe mạnh.

Anh thường chia sẻ: “Mẹ đã cho con sinh ra thêm một lần nữa”. Ca ghép thành công ngày 14/5/2014, chính thức đưa Nghĩa sang trang mới của cuộc đời.

Nghỉ ngơi 4 tháng, Nghĩa khăn gói từ Bắc Giang về Hà Nội, bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

Quyết tâm trở lại Hà Nội với suy nghĩ không thể ngồi không khi cuộc sống trôi đi mỗi ngày. Phải làm việc, phải kiếm được tiền để giúp đỡ bố mẹ.

Bắt đầu từ bước nhỏ, anh vay tiền nhập mì chũ về bán. Vừa làm vừa học, Nghĩa vừa quan tâm đến các lớp học về kỹ năng khởi nghiệp.

Các lớp học giúp Nghĩa mở rộng mối quan hệ, có thêm các cơ hội nghề nghiệp khác. Bén duyên với kinh doanh bất động sản cũng từ những mối quan hệ này.

Đầu năm 2015, Nghĩa làm nhân viên tư vấn, bán căn hộ tại Hà Nội cho một chủ đầu tư lớn nhất nhì thị trường bất động sản.

Khi ấy, Nghĩa vừa làm vừa run, mục tiêu kiếm 300 triệu đồng trong vòng một năm quá xa vời. Nhưng không cần 1 năm, chỉ 8 tháng, Nghĩa làm được bằng niềm tin và ý chí. “Tôi tìm hiểu và học các kiến thức về phong thủy, marketing… và trò chuyện với những người mình từng quen biết về công việc hiện tại.

May mắn đã mỉm cười khi tôi bán được căn hộ trong 7 ngày đầu tiên đi làm, bố mẹ tôi mừng lắm. Sự kiện ấy đã xóa bỏ định kiến rằng tôi không theo được công việc này và cho tôi một niềm tin vào con đường tôi muốn chọn”, Nghĩa giãi bày.

Sau 1 năm thực địa và hiểu thị trường bất động sản, đầu năm 2016, anh cùng một đồng nghiệp đứng ra thành lập Công ty BeeLand, phân phối kinh doanh bất động sản tại thị trường Hà Nội. Hoạt động tốt dần lên.

Nghĩa nhận thấy có nhiều cơ hội ở thị trường Condotel và quyết định tách ra thành lập Công ty BiFam, chuyên tư vấn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Lấy ý tưởng từ gia đình con ong và đồng tiền đầu tiên Nghĩa kiếm được cũng từ… con ong, chàng trai trẻ quyết tâm gây dựng một công ty mới, chọn sự chăm chỉ, kiên trì là những giá trị căn bản.

Ra đời trong thời gian ngắn, nhưng BiFam đã có được tệp khách hàng với một số khách là Việt kiều.

Chia sẻ về khát vọng tương lai, Nghĩa mong muốn sẽ xây dựng BiFam trở thành thương hiệu số 1 về dịch vụ trên thị trường bất động sản trong 5 năm tới.

Công ty của Nghĩa hỗ trợ khách hàng không chỉ về thủ tục giấy tờ, mà còn nhiều yếu tố khác. Doanh thu của BiFam tốt dần từng tháng, nhưng CEO của doanh nghiệp này vẫn cho rằng, BiFam chưa là gì cả, cần phải nỗ lực để vươn tới thành công.

Để phát triển BiFam, Trần Nghĩa có cách chọn nhân sự khá khác biệt, không cần phải người giỏi nhất, nhưng cần người chăm chỉ nhất, cần mẫn nhất. Đồng thời, chọn những nhân sự cùng hướng tới những giá trị và xây dựng chất lượng dịch vụ tốt.

Vị lãnh đạo trẻ của BiFam xác định, Công ty sẽ tập trung hướng tới đối tượng khách hàng Việt kiều, xây dựng các dịch vụ riêng để hỗ trợ phân khúc khách hàng này.

“Thương trường khốc liệt với những khó khăn có thể dồn đến cùng một lúc, khó khăn này chưa qua, khó khăn khác đã ập đến, có những lúc tôi cảm thấy rất mệt mỏi và bế tắc. Tuy nhiên, chính những lúc ấy tôi lại động viên mình, khó khăn đến không phải để ở lại, mà mình cần phải vượt qua để nó ra đi.

Tôi được tiếp thêm năng lượng từ suy nghĩ ấy”, doanh nhân 9x tâm sự. Đó cũng là tinh thần để Nghĩa tiếp tục lèo lái đưa BiFam đến những bến bờ khát vọng.