Ông Đỗ Minh Toàn

Ông Đỗ Minh Toàn

CEO ACB chia sẻ bí quyết quản trị ngân hàng

(ĐTCK) Ngân hàng, ngành đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế vừa có một mùa vui. Hàng loạt ngân hàng quy mô lớn và tầm trung tới tấp công bố khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2017, tăng trưởng mạnh so với năm trước.

Sau vài năm khó khăn, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã trở lại với Top ngân hàng có mức tăng trưởng tốt nhất thị trường. Hơn 5 năm đảm nhận nhiệm vụ chèo lái con thuyền ACB, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn chia sẻ, ông tự hào về thành quả của đội ngũ cán bộ, nhân viên toàn hệ thống. Để có được những thành quả như ngày hôm nay, trong những năm qua, nếu như các ngân hàng khác cố gắng một thì họ phải cố gắng gấp ba, bốn lần. 

Ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng vừa có một năm 2017 thuận lợi, xin ông cho biết cụ thể về kết quả đã đạt được của ACB trong năm qua?

So với năm 2016, tổng tài sản năm 2017 của ACB tăng trưởng 22%, tổng huy động tăng gần 17%, tín dụng tăng 20% và lợi nhuận đạt hơn 2.656 tỷ đồng.

Hơn 10.000 người ACB đã nỗ lực không ngừng nghỉ cho thành quả ngày hôm nay. Những năm qua, các ngân hàng khác làm một thì chúng tôi làm gấp ba, bốn lần.

Các mục tiêu ACB đề ra đã đạt được và thậm chí vượt chỉ tiêu, nhưng bản thân ông đã cảm thấy hài lòng hay chưa?

Nói hài lòng thì không chính xác. Đúng hơn là tôi cảm thấy rất vui và tự hào về thành quả của Ngân hàng, về những con người đang làm việc tại ACB. Chúng tôi đã hoàn thành một cách xuất sắc và vượt xa mong đợi các mục tiêu trong chiến lược kinh doanh 5 năm 2014 - 2018.

CEO cần thân thiện, mềm mỏng để trò chuyện và chia sẻ, nhưng cũng cần nghiêm khắc để xử lý những tình huống không tuân thủ các quy định an toàn hoạt động. Và điều cần nhất là phải hiểu người để biết sử dụng đúng người, đúng lúc và đúng chỗ.

- Ông Đỗ Minh Toàn, 

Tổng giám đốc ACB

Tôi tin rằng, các thành quả của năm 2017 sẽ là tiền đề cho sự bứt phá của ACB trong năm 2018 và tất cả chúng tôi sẽ cố gắng để vượt các mục tiêu đề ra.

Đến nay, ACB tự hào đã có một bảng cân đối tài sản bền vững và sạch. Quan trọng hơn, ACB đã xử lý xong các khoản nợ xấu vốn là nguyên nhân khiến ACB đi chậm trong các năm qua, tỷ lệ kiểm soát nợ xấu còn khoảng 0,72%. ACB là một trong các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trên toàn hệ thống. Đó là điều thực sự quan trọng với những người làm ngân hàng như tôi.

Ông dự đoán ra sao về triển vọng hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2018?

Ngành ngân hàng vừa có một năm 2017 thuận lợi và theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm 2018.

ACB sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách tín dụng và bán lẻ để nắm lấy cơ hội phát triển trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô có tốc độ tăng trưởng tốt như hiện nay.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào thế mạnh là ngân hàng bán lẻ với hai phân khúc khách hàng trọng yếu là khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình và trung bình khá và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, ACB phát triển mở rộng hơn phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình và trung bình thấp. 12 chi nhánh, phòng giao dịch ACB sẽ được mở mới tại những thị trường trọng điểm song song với việc phát triển mạng lưới rộng lớn hơn thông qua hệ thống phục vụ khách hàng tự động, kênh trực tuyến… Dựa trên lợi thế mạng lưới, đội ngũ nhân viên chuyên cần và hệ thống hỗ trợ vượt trội, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ khách hàng như là lợi thế cạnh tranh lớn nhất trong thời đại số hóa.

Chúng tôi đang tận dụng lợi thế riêng có của mình, phát triển thị trường tốt hơn trong giai đoạn 2018, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ trong 2019 và 2020.

Chiến lược bán hàng của ACB năm nay có thay đổi hay không, thưa ông?

Từ năm 2018 - 2022, ACB tập trung vào ba mảng là thị trường bán lẻ, chú trọng hệ thống và quy trình, đầu tư hạ tầng phù hợp; phát triển cơ sở khách hàng bằng Big Data, chiến thuật kinh doanh không chỉ tự thân vận động mà liên kết và bán chéo để gia tăng khả năng bán; có chiến lược riêng cho từng dòng sản phẩm.

Chiến lược bán hàng chính là xương sống xuyên suốt, có tầm nhìn từ 3 - 5 năm, xa hơn là 10 năm, nhưng mỗi năm phải cập nhật, điều chỉnh phù hợp, để không từ bỏ mục tiêu dài hạn, nhưng về chiến thuật, về giải pháp phải điều chỉnh để phù hợp thị trường.

Ví dụ chiến lược bán lẻ thì không thay đổi, nhưng hàng năm phải cập nhật, bán lẻ sản phẩm gì, tiếp cận phân khúc khách hàng nào… sẽ được tái đánh giá để phù hợp từng phân khúc khách hàng, từng địa phương, từng thành phố. Sản phẩm, dịch vụ của ACB cũng phải luôn đáp ứng hai tiêu chí: kịp thời và mới. Có như vậy chúng tôi mới tự tin khi bán hàng.

Áp lực của người đứng đầu ngân hàng thường rất lớn. Theo ông, để có thể thành công trong điều hành ngân hàng, điều cần nhất đối với một CEO là gì?

Theo tôi, để thành công, một CEO ngân hàng cần phải quyết liệt thực hiện triệt để chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, CEO cũng phải đủ thân thiện, mềm mỏng để trò chuyện chia sẻ với nhân viên và hoàn toàn nghiêm khắc trong điều hành để xử lý những người giỏi nhưng không tuân thủ các quy định an toàn hoạt động của ngân hàng.

Nói tóm lại, cần phải đưa hệ thống vào kỷ luật, để mọi người có trách nhiệm trong công việc, hơn là để xảy ra chuyện rồi mới phạt. Kỷ luật tốt hơn là trừng phạt.

Ngoài ra, CEO phải hiểu người để biết sử dụng đúng người, đúng lúc và đúng chỗ. Sự hiểu người này phải dựa trên một hệ thống đánh giá khoa học, ghi nhận thành tích và đặc tính của từng cá nhân trong quá trình làm việc để đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí phù hợp. Ở ACB, tôi luôn sẵn sàng trao quyền chủ động cho người có năng lực để họ phát huy khả năng.

Nắm quyền điều hành ACB hơn 5 năm và đang từng bước chèo lái con thuyền ACB trở lại top ngân hàng cổ phần dẫn đầu. Trên con đường đưa ACB đến những thành công mới, ông có gặp khó khăn, lực cản nào không?

Vai trò của CEO là chèo lái con thuyền không va vào đá, hạn chế tối đa những vướng mắc để không làm mất đi sức mạnh tập thể của ACB trên con đường tiến về phía trước.

Nhưng với cái nhìn của một cá nhân trong tập thể ACB, tôi lại thấy mình như một gạch nối có công năng liên kết giữa thế hệ chúng tôi với thế hệ kỳ cựu đi trước và thế hệ nhân sự trẻ của ACB. Khi làm gạch nối, tôi chọn cách đối diện thẳng thắn với các vấn đề như định kiến, sức ì của những người làm việc lâu năm hoặc sự thiếu cẩn trọng của người trẻ... Điều này chắc chắn sẽ làm một số người không hài lòng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đó là con đường ngắn nhất và tốt nhất để phá vỡ những lực cản, tạo ra mặt bằng phát triển hướng đến mục tiêu chung cho ACB. Có thể đến một lúc nào đó, cách này sẽ không còn phù hợp và mình lại thay đổi tiếp.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, để chia sẻ với những người trẻ tuổi đang tiếp bước mình, ông sẽ nói gì?

Làm việc trong các tổ chức tài chính – ngân hàng có áp lực không nhỏ và điều này đòi hỏi mỗi người phải tập trung thời gian, công sức rất nhiều trước khi có thể được công nhận như một banker. Vì vậy, khi các bạn chọn làm việc cho một ngân hàng, phải có cái nhìn dài hạn hơn, gắn bó cuộc đời, sự nghiệp với tổ chức thì cơ hội thăng tiến sẽ bền vững hơn.

Nếu các bạn chọn ACB, tôi muốn ACB không chỉ đơn thuần là nơi làm việc tốt, mà còn trở thành ngôi nhà thứ hai của bạn, nơi mỗi người sẽ nhìn thấy được tương lai của chính mình, nơi mang đến các cơ hội thăng tiến cho bất cứ chức danh nào. Vấn đề là bạn có đủ trưởng thành, đủ trách nhiệm, đủ nghiêm túc, nỗ lực… để thực hiện ước mơ hay không. 

Tin bài liên quan