Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932)

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932)

Bạch Thái Bưởi một tấm gương, một bài học

(ĐTCK) 70 năm qua, câu chuyện Bạch Thái Bưởi lập nghiệp vẫn là một tấm gương, một bài học lớn cho các doanh nhân đương thời nuôi chí khí và lòng tự tôn dân tộc.

LTS: Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm nay (2/9/1945 - 2/9/2015) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với thế giới. 

Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc lấy năm 2015 là năm doanh nghiệp, trong mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, từng bước vươn lên, sánh ngang với khu vực và thế giới.

Ở thời mất nước hơn 70 năm trước, ý chí lập nghiệp để thoát cảnh nghèo hèn đã nhen nhóm xuất hiện, với gương mặt điển hình là doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

70 năm qua, câu chuyện Bạch Thái Bưởi lập nghiệp vẫn là một tấm gương, một bài học lớn cho các doanh nhân đương thời nuôi chí khí và lòng tự tôn dân tộc. ĐTCK xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc về vị doanh nhân đặc biệt này.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ở Hà Nội vẫn có một đường phố mang tên Bạch Thái Bưởi (nằm ở khu vực gần Cột Đồng Hồ, vốn là nơi Hãng Bạch Thái Bưởi đặt trụ sở - nay là đường dẫn lên cầu Chương Dương phía bờ Nam). Đáng tiếc là sau này, khi vị thế của doanh nhân bị kỳ thị đồng nghĩa với "tầng lớp bóc lột", chúng ta đã xóa bỏ tên con đường ấy. Và cho đến nay, Hà Nội dường như vẫn chưa ai tính phục hồi tên tuổi một doanh nhân có chí làm giàu, lại có lòng tự tôn dân tộc. Bài học Bạch Thái Bưởi để lại chính là: một người có chí hướng làm kinh tế mà đất nước chưa độc lập tự do thì chưa thể thành đạt. Nay nước độc lập rồi mà doanh nghiệp chưa thành đạt thì lý do là ở đâu? Ôn lại bài học Bách Thái Bưởi để cùng nhau tìm câu trả lời.

Ngày nay, nhắc đến Bạch Thái Bưởi là người ta nhận ra gương mặt hàng đầu của thế hệ doanh nhân Việt Nam thời thuộc địa, một doanh nhân từng thành đạt trên một số lĩnh vực hoạt động kinh tế mà thương hiệu “vua sông biển” trở thành niềm tự hào của tầng lớp doanh nhân Việt Nam non trẻ và bị thực dân chèn ép lúc bấy giờ…

Bạch Thái Bưởi một tấm gương, một bài học ảnh 1

Con đường mang tên Bạch Thái Bưởi trước năm 1945 (nay là đường dẫn lên cầu Chương Dương phía bờ Nam

Không phải là một trường hợp cá biệt, Bạch Thái Bưởi cũng xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó, nhưng ở con người này thể hiện chí phấn đấu phi thường. Xuất phát có lẽ từ lòng hổ thẹn vì sự nghèo hèn của bản thân và dân tộc.

Bạch Thái Bưởi  quê ở làng Yên Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông xưa (nay là ngoại thành Hà Nội), sinh năm Giáp Tuất (1874), sinh ra  trong một gia đình nông dân nghèo nhưng có học. Hồi nhỏ, ông từng theo mẹ đi bán hàng rong.

Xoay quanh cái tên Bạch Thái Bưởi, đã có người giải thích rằng, ông vốn họ Đỗ Văn, nhưng sau đó được một nhà họ Bạch (thường là họ của người Hoa) nhận về làm con nuôi nên cải họ. Nhưng mới đây, nhân được gặp ông Bạch Thái Minh là cháu nội Bạch Thái Bưởi, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, về nước để tham dự lễ trao cúp Bạch Thái Bưởi do Công ty Bắc Hà trao tặng cho các doanh nhân, tôi được nghe một cách giải thích khác.

Ông Minh cho biết, khi nhận thấy cảnh nhà quá nghèo túng, thấm nỗi nhục hèn kém trong xã hội, bước vào tuổi thành niên, Đỗ Văn Bưởi đã ra ngôi mộ tổ mà thề rằng, sẽ phấn đấu để thoát khỏi cảnh nghèo hèn và nuôi chí quyết làm giàu. Ông cải họ và chọn chữ “Bạch” hiểu theo nghĩa là kẻ trắng tay bần cùng (bạch đinh) làm họ, và chọn chữ “Thái” hiểu theo nghĩa lớn lao, thái quá (cảnh nghèo và chí lớn) làm tên đệm. Kể từ đó với cái tên Bạch Thái Bưởi, ông đã dấn thân vào một cuộc phấn đấu trọn đời để thoát khởi cái nghèo và cái hèn.    

Khởi nghiệp bằng việc đi làm thuê cho một hãng buôn của người Pháp ở Hà Nội, đến năm 20 tuổi (1894), Bạch Thái Bưởi bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh. Nhờ tư chất thông minh, năm 21 tuổi, Bạch Thái Bưởi  được chủ gửi sang Pháp dự Hội chợ ở  Bordeaux. Được nhìn thấy cơ hội ở đó, Bạch Thái Bưởi càng nung nấu chí hướng kinh doanh để thoát nghèo.

Gặp dịp chính quyền thuộc địa xây cầu Sông Cái (còn gọi là cầu Doumer, nay là cầu Long Biên, khởi công năm 1898, hoàn thành năm 1902), Bạch Thái Bưởi trúng thầu việc cung cấp tà-vẹt cho tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam. Tiếp đó, ông mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác. Nhờ ưu thế thông thuộc địa lý và đời sống dân cư các vùng rừng núi, công việc kinh doanh của Bạch Thái Bưởi trở nên phát đạt. Khi con đường sắt đã hoàn thành, ông bắt đầu quan tâm đến một phương tiện giao thông truyền thống của dân ta là đi lại trên sông nước.

Cho đến thời điểm trước và sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Bạch Thái Bưởi đã thành đạt và thành danh trên lĩnh vực vận tải đường thuỷ. Ông đã thiết lập những tuyến tàu chở khách thường xuyên nối Hà Nội tới các vùng đông dân từ Nam Định cho tới Bến Thuỷ (Vinh). Chấp nhận cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ của tư bản Pháp và Hoa.

Với lòng quả cảm quyết tranh thương với ngoại bang và biết khai thác sự ủng hộ của đồng bào, Bạch Thái Bưởi đã nhanh chóng thành công với một đội tàu ngày càng mạnh. Các tuyến đường ngày càng vươn tới nhiều miền đất mới.  Đội tàu mang những tên hiệu  gắn với niềm tự hào lịch sử dân tộc như Khoái Tử Long, Đinh Tiên Hoàng, Bạch Đằng... đã vươn ra các tuyến đường vùng duyên hải, đến cả một số bến cảng lân cận tại Hong Kong, Singapore...

Bạch Thái Bưởi còn xây dựng một xí nghiệp đóng tàu ở Cửa Cấm Hải Phòng để nuôi những hoài bão lớn. Tại sảnh đường của trụ sở Công ty đặt tại Thành phố cảng, ông chủ họ Bạch có niềm thích thú là treo trên tường “bộ sưu tập” các biển hiệu của các con tàu vốn của các chủ nước ngoài bị công ty của ông đánh bại trên thương trường. Cùng với đó, ông bổ sung vào đội thuyền của mình các con tàu như ‘Marty d’ Abbadie, Déch Waden … và sau đó là cả một đội tàu 6 chiếc của Hãng Marty.

Năm 1919, “Giang Hải Luân Thuyền Bạch Thái Công ty“ với lá cờ hiệu màu vàng in hình mỏ neo và 3 ngôi sao đỏ tượng trưng cho ba kỳ Trung - Nam - Bắc, đã tự đóng và cho hạ thuỷ chiếc tàu biển 600 tấn mang tên “Bình Chuẩn”, từ cảng Hải Phòng nhổ neo ngày 20-8-1920, cập nhiều bến cảng trên dọc bờ biển của đất nước như Bến Thuỷ, Tourane (Đà Nẵng), Quy Nhơn... và đến ngày 17/9/1920 đến Cảng Sài Gòn, để trở thành một sự kiện lớn, biểu tượng cho chí làm giàu và sự thành đạt của các doanh nghiệp người Việt thưở đó. Câu nói gây ấn tượng nhất ở Bạch Thái Bưởi là: "Chiến thắng không hiểm nguy là chiến thắng không vẻ vang".

Bạch Thái Bưởi một tấm gương, một bài học ảnh 2

Năm 1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã tự đóng được tàu biển có trọng tải 600 tấn, mang tên Bình Chuẩn 

Vào thời thịnh đạt nhất, doanh nghiệp của Bạch Thái Bưởi có một đội tàu tới 40 chiếc. Nhà máy đóng tàu ở Cửa Cấm (Hải Phòng) có tới 900 công nhân, hệ thống các chi nhánh vươn tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước với 1.400 người lao động. Ông còn mở rộng kinh doanh sang một số lĩnh vực khác như khai thác mỏ than, bất động sản,  cầm đồ, in ấn, xuất bản và ra tờ "Khai hoá nhật báo”. Đó là những nghề nghiệp và những lĩnh vực kinh doanh vốn của người Pháp và người Hoa. Ông còn nuôi nhiều dự án như xây dựng các nhà máy điện, nước và xay xát gạo ở Nam Định, với những thiết bị hiện đại nhập từ châu Âu.

Ông còn tham gia chính trường (như các hội đồng dân biểu và kinh tế). Trong bối cảnh đất nước ta còn là thuộc địa của ngoại bang, sự thành đạt của Bạch Thái Bưởi trở thành niềm tự hào của xu hướng duy tân, thực nghiệp của các giới doanh nghiệp Việt Nam mang nặng tinh thần dân tộc và ý chí tự lập, tự cường...

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh doanh dưới chế độ thuộc địa, Bạch Thái Bưởi luôn bị các thế lực thực dân chèn ép và đã có lúc phải đứng trước nguy cơ phá sản... Cái chết đột ngột của Bạch Thái Bưởi vào ngày 22/7/1932 đã chấm dứt sự nghiệp của một nhân vật được người đương thời đánh giá là "một bậc vĩ nhân”, "một đấng trượng phu" trên thương trường của người Việt Nam thời mất nước.

Ý chí phấn đấu của Bạch Thái Bưởi đáng được coi là tấm gương tạo nên một phẩm chất, một phong cách của doanh nhân Việt Nam ở mọi thời đại và đặc biệt có ý nghĩa trong thời hội nhập hiện nay.

Tin bài liên quan