20 tháng 10 và những nữ doanh nhân tròn vẹn hai vai

Dù giữ vai trò gì trong xã hội, người phụ nữ vẫn phải làm trọn vai trò là người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Song không phải phụ nữ nào cũng có thể làm tròn vai, nhất là với nữ doanh nhân. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, hãy thử tìm bí quyết của nữ doanh nhân trong chia sẻ công việc và gia đình.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất điện tử Hiệp Hưng (giữa) trong vai trò CEO

Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất điện tử Hiệp Hưng (giữa) trong vai trò CEO

Theo thống kê, trên thế giới, nữ doanh nhân chỉ sở hữu 8% số lượng các doanh nghiệp vừa, 25% số lượng các doanh nghiệp nhỏ, nhưng lại chiếm đến hơn 50% số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ. Trên thực tế, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, thường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại ở quy mô nhỏ,  lợi nhuận thấp. Và Việt Nam cùng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Thực tế trên cho thấy, việc phụ nữ dấn thân vào thương trường và thành công vẫn còn hạn chế, do gặp nhiều rào cản tự thân cũng như bên ngoài. Nữ doanh nhân phải gánh chịu nhiều thiệt thòi mà nặng nề nhất là phải cân bằng được giữa công việc và trách nhiệm của gia đình.

Sau những tất bật, xô bồ của cuộc sống, thì gia đình luôn là nơi mỗi người tìm về để cảm nhận sự yên bình. Nhiều nữ doanh nhân lâu nay vẫn vậy. Dù bận thế nào, các chị cũng cố gắng mỗi buổi chiều lại trở về nhà nấu những bữa cơm cho chồng con, gia đình quây quần bên nhau.

Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, thời gian được quây quần bên gia đình của các chị ngày một vơi đi. Lý do chủ yếu liên quan đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Có chị thì do quy mô của doanh nghiệp mở rộng, lượng công việc ngày một tăng lên. Có chị thì do thị trường thời khủng hoảng, cạnh tranh gay gắt, nên phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho doanh nghiệp, nhằm giữ vững các hoạt động, duy trì sức cạnh tranh.

Đó là với doanh nghiệp lớn, còn với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hệ thống quản lý chưa chuyên nghiệp nên các chị phải tự mình triển khai các dự án về mẫu hàng mới, động viên và thúc đẩy đội ngũ nhân viên… Hơn nữa, nhiều nữ doanh nhân phải đích thân đi mở rộng quan hệ khách hàng và hệ thống tiêu thụ. Công việc bộn bề khiến các chị phải đi sớm về khuya, mệt mỏi, căng thẳng, thời gian chăm lo cho gia đình, con cái của các chị do đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Thời gian này, mọi việc chăm lo cho con cái, tôi phải phó mặc cho chị giúp việc, nhiều khi còn phải nhờ đến cả mẹ và chị chồng giúp hộ. Nhưng chắc cũng không nhờ lâu được, vì gia đình nhà chồng đang không hài lòng lắm”, một nữ doanh nhân trẻ chia sẻ và khẳng định,  tạm thời chị tự thấy còn đủ sức cáng đáng, chịu đựng vì mọi chuyện đang trong tầm kiểm soát và phải xoay sở sao cho không bị than phiền.

Nhưng không phải ai cũng xử lý tốt được vấn đề này, nên mâu thuẫn có nguy cơ nảy sinh giữa nữ doanh nhân với gia đình nhà chồng. “Không những mẹ chồng, mà chị chồng tôi cũng thường xuyên nhắn nhủ với tôi về chuyện cần phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho gia đình, con cái. Giảm bớt công việc chỉ có thể bằng cách giao thêm việc cho người khác, hoặc bán bớt cổ phần ở công ty để chia sẻ quyền điều hành”,  một nữ doanh nhân chia sẻ.

Tuy nhiên, đứng trước sự sống còn của sự nghiệp do chính tay mình gây dựng, các nữ doanh nhân không thể buông xuôi mọi việc. “Nếu công ty đang trong giai đoạn khó khăn, thì tôi cần phải dồn công sức để bảo đảm chắc chắn cho sự tồn tại và phát triển của nó. Hơn nữa, phải tranh thủ nhịp độ phát triển, cơ hội thị trường mà công ty đang tạo nên. Quan trọng hơn, sản phẩm của công ty có tính bí quyết cao, nếu chia sẻ với người ngoài thì có thể mất nghề”, nữ doanh nhân nêu trên cho biết.

Đa số các nữ doanh nhân đều chia sẻ, sự thành công của họ sẽ khó vẹn toàn nếu không chu đáo lo việc gia đình. Và họ sẽ chọn gia đình làm điểm tựa. Bởi lẽ họ quan niệm, đối với người phụ nữ thì gia đình luôn là điều quan trọng nhất, thiên chức của người phụ nữ là vun vén, chăm lo cho cuộc sống gia đình, chính vì vậy gia đình êm ấm, hòa thuận thì mới có nền tảng vững chắc để hướng tới sự nghiệp. Dù có giữ vai trò gì trong xã hội, thì người phụ nữ vẫn luôn phải làm tốt vai trò là người vợ, người mẹ, người con trong gia đình.

Hạnh phúc trong gia đình cũng cần phải đảm bảo cho sự phát triển sự nghiệp của người phụ nữ. Việc kinh doanh cũng là xây dựng kinh tế cho gia đình, đảm bảo hạnh phúc cho con cái. Điều này cần sự chia sẻ từ hai phía, cả chồng và gia đình nhà chồng. Nếu xuất phát từ cảm thông chia sẻ, mọi mâu thuẫn sẽ được hóa giải.

Nhưng làm thế nào hài hòa được điều đó đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Các mâu thuẫn vẫn nảy sinh trong diễn biến thương trường và cuộc sống gia đình. Hãy dành chủ đề này cho Chương trình CEO - Chìa khóa Thành công tuần này, để xem nữ CEO có sự lựa chọn hoặc có giải pháp gì, dùng lý lẽ nào để thuyết phục gia đình và người thân của mình?

Tin bài liên quan