Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội, ngày 11/9, WEF đã công bố kết quả cuộc khảo sát đối với giới trẻ ASEAN về tác động của công nghệ tới việc làm.
Theo khảo sát trên, giới trẻ ASEAN rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập. 52% trong số những người dưới độ tuổi 35 tại Đông Nam Á tin rằng công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới; 67% tin rằng công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.
64.000 công dân ASEAN được khảo sát thông qua tài khoản Garena và Shopee, hệ thống trò chơi và giao dịch điện tử của SEA, hầu hết đến từ 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra mức độ lạc quan về tác động của công nghệ tới việc làm thay đổi theo từng quốc gia. Giới trẻ Singapore và Thái Lan tỏ ra bi quan hơn, trong khi giới trẻ Indonesia và Philippines tỏ ra lạc quan hơn.
Tại Singapore, chỉ có 31% số người thực hiện khảo sát tin tưởng rằng công nghệ sẽ mở ra những cơ hội việc làm mới, trong khi con số này là gấp đôi tại Philippines.
Kết quả cũng thay đổi theo trình độ học vấn, trong số những người không được tiếp cận giáo dục truyền thống, có tới 56% tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm; con số này với những người đã tốt nghiệp đại học chỉ ở mức 47%.
Khảo sát cũng đưa ra câu hỏi với người thực hiện khảo sát về nơi họ đang làm việc ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Theo đó, 58% số người được hỏi đang làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ, hoặc là của họ, của gia đình, hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Cứ 4 người được hỏi có 1 người mong muốn được thành lập doanh nghiệp riêng của mình. Tuy nhiên, nhiều người làm trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho biết họ mong muốn được làm việc tại nơi khác.
17% số người được khảo sát đang làm việc đang trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhưng chỉ có 7% cho biết sẽ tiếp tục công việc của mình trong tương lai.
Ngược lại, nhiều người bày tỏ mong muốn làm việc tại các tổ chức xuyên quốc gia có trụ sở tại nước ngoài (10% ở thời điểm hiện tại, 17% trong tương lai) và cho chính phủ (13% ở thời điểm hiện tại, 16% trong tương lai). Kết quả này cũng cho thấy, mức độ ưu tiên trong việc ổn định thu nhập.
Bên cạnh đó, kết quả trong một số quốc gia cho thấy tinh thần khởi nghiệp, ngay cả khi nó ẩn chứa nhiều rủi ro, vẫn gia tăng tại một số quốc gia. Tại Thái Lan, 26% người trẻ làm việc tự do, con số này ở tương lai là 36%; trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này là 19% và 25%.
Ông Santitarn Sathirathai, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Tập đoàn SEA (Singapore) nhận định, tỷ lệ này là rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên kết quả này cũng cho thấy, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực trong tương lai, khi chỉ có một phần nhỏ giới trẻ trong khu vực muốn làm việc trong những doanh nghiệp như vậy.
Về lâu dài, tăng cường áp dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để đảm bảo các doanh nhân trẻ và doanh nghiệp nhỏ có đủ tài nguyên phát triển là rất quan trọng.
Theo ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, những công nghệ đột phá đang làm thay đổi bản chất công việc, các mô hình kinh doanh cũng như cấu trúc của nền kinh tế; không ai biết rõ tác động của những công nghệ này. Tuy nhiên, các công việc cũ sẽ biến mất, công việc mới sẽ xuất hiện.
Trong bối cảnh đó, cần có sự kết nối với giới trẻ ASEAN để đánh giá lực lượng này hiểu như thế nào về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ quan điểm triển vọng việc làm cũng như những cơ hội về thu nhập trong tương lai. Do đó, WEF đã phối hợp với SEA thực hiện khảo sát trên.
Về năng lực cạnh tranh, ông Justin Wood cho rằng Việt Nam có thế mạnh và nhiều cơ hội tốt, có số lượng dân số tương đối lớn muốn trở thành doanh nhân. Đa số các doanh nhân Việt Nam được khảo sát cũng chia sẻ, sự phát triển công nghệ có tiềm năng hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ nhiều hơn là tạo ra những rào cản.