Doanh nhân Việt: Giá trị cốt lõi là có ích cho cộng đồng

Doanh nhân Việt: Giá trị cốt lõi là có ích cho cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp trong tâm dịch, trong các ngành, lĩnh vực rơi vào thế “ngủ đông”, vẫn xác định rõ, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội là sứ mệnh của họ.

Tôi luôn mong nhân viên có thu nhập tốt, khách hàng được sử dụng sản phẩm tốt…

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Địa ốc COPiHOME
Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Địa ốc COPiHOME

Là người đứng đầu doanh nghiệp, tôi luôn mong nhân viên có thu nhập tốt, khách hàng được sử dụng sản phẩm tốt, mong đóng góp được nhiều nhất cho cộng đồng.

Để làm được điều này, tôi đã thay đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp để thích nghi và hướng tới phát triển trong hiện tại và tương lai. Cụ thể, tạo nhiều việc làm và đảm bảo đời sống người lao động, đổi mới về quản lý, kỹ thuật và công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là những việc mà người đứng đầu doanh nghiệp cần xác định rõ, với nỗ lực, sự kiên trì, tinh thần đổi mới, sáng tạo để xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó hạn chế thấp nhất tổn thất, bình tĩnh vượt qua đại dịch.

Đó chính là cách tích cực nhất mà doanh nhân đóng góp cho sự phát triển của đất nước, là cách để luôn là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

Trải hết lòng mình vì người dân nghèo

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Sáng lập thương hiệu Meet More Coffee
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Sáng lập thương hiệu Meet More Coffee

Khi đợt dịch lần thứ tư gây tổn thất quá nặng nề ở TP.HCM, chúng tôi xác định không thể kinh doanh được nữa. Giữa sự sống và cái chết cận kề, chúng tôi đã chọn cho đi một phần, đóng góp hỗ trợ bà con nghèo. Đó là những việc vẫn thường xuyên phải làm, nhưng đợt dịch này, chúng tôi đã thực sự trải lòng, tập trung nguồn lực giúp người nghèo “vượt bão”.

Hơn 40 năm được sinh ra, lớn lên, làm việc ở Việt Nam, lúc này không gì diễn tả được hết, bà con quá nghèo, quá khổ. Tôi đi trực tiếp đến tận từng ngõ ngách, từng phòng trọ ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân…, những nơi phong tỏa. Ròng rã 3 tháng, tôi có mặt ở những nơi khó khăn, để thực tế thấy người dân đang cần gì…

Dù không thể phủ kín những nơi mình đi, nhưng với những gì cá nhân tôi, người thân, gia đình, bạn bè bỏ ra ủng hộ, có thể hàng ngàn hộ gia đình đã nhận được phần quà. Những gì cho đi tôi chẳng mong nhận lại, cũng không mong được ghi nhận từ ai.

Giá trị cốt lõi là có ích cho cộng đồng

Ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gama Việt Nam

Ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gama Việt Nam

Tại Gama Việt Nam, một trong những giá trị cốt lõi là “có ích cho cộng động”.

Đây chính là thước đo cho mọi giá trị khác. Khi mang đến cho khách hàng một sản phẩm chất lượng, giải quyết được vấn đề của họ, đó là lúc chúng ta đang mang lại giá trị cho cộng đồng.

Có người hỏi, khi chúng tôi làm được điều có ích cho cộng đồng, xã hội, chúng tôi nhận được gì?

Chúng tôi nhận được rất nhiều, đó là sự tin dùng sản phẩm, sự ghi nhận của khách hàng. Đây chính là cách cộng đồng ủng hộ, nuôi dưỡng, bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chúng tôi đã không bỏ bất kỳ ai lại phía sau trong đại dịch

Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital (BCG)
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital (BCG)

Tôi luôn nói với cộng sự và nhân viên rằng, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ là làm kinh tế, không phải chỉ đơn thuần là tìm cách gia tăng doanh thu, lợi nhuận năm sau nhiều hơn năm trước.

Doanh nhân phải là lực lượng sáng tạo, tiên phong, có tầm nhìn, hoài bão, dám mơ những giấc mơ lớn để làm những điều tuyệt vời góp sức cho xã hội, xây dựng đất nước hùng cường. Tôi định hướng phát triển Bamboo Capital trở thành một tập đoàn đa ngành bền vững, thân thiện môi trường, gắn liền với sự phát triển của xã hội, có quy mô lớn của Việt Nam và khu vực.

Thời gian qua, Bamboo Capital vẫn đi đúng hướng, đạt các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Chúng tôi đã thành công trong việc “không bỏ bất kỳ ai lại phía sau trong đại dịch”, không cắt giảm nhân sự, phúc lợi cho nhân viên được giữ nguyên... Chúng tôi đã cho ra đời BCG Foundation, với triết lý “Cho đi để nhận lại”. Tôi tin rằng, học cách cho đi bằng tất cả yêu thương là cách tốt nhất để ta được nhận lại những bài học về giá trị cuộc sống, giá trị của lòng yêu thương, nhân ái.

Mong trở thành “người tí hon vĩ đại”

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

Chúng tôi đang sống trong những tháng ngày hy vọng sau đường hầm. Sống cho hiện tại là món quà. Những thứ ngoài thân không quan trọng nữa. Vẫn là làm cái mình thích và thích cái mình làm.

Nếu có điều ước cho mình, tôi ước sẽ có dư tiền cho Lux Group, dù có lũ lụt, chiến tranh, thảm họa thì vẫn sống tốt ít nhất 1 năm. Hai năm qua, chúng tôi đã vật lộn quá vất vả, nhiều tài sản nhà đất, xe cộ đã đội nón ra đi. Nhưng đổi lại, tình yêu du lịch ngày càng lớn hơn

Tôi nghĩ, bão gió, sóng lớn mới cần thuyền trưởng giỏi. Với tinh thần kiên trì, kiên tâm và kiên cường, tự lực cánh sinh, chúng tôi tự nhủ sẽ vượt qua. Văn hóa doanh nghiệp, con người, giá trị cốt lõi, tầm nhìn đúng đã giúp chúng tôi tồn tại trên con tàu sóng lớn.

Cái khó của các doanh nghiệp là vốn và nhân sự để khôi phục. Khách nội địa là bình thở oxy cho chúng tôi sau nhiều tháng không có doanh thu. Lux Group trở thành “người tí hon vĩ đại”. Chúng tôi không chọn lớn nhất, mà chọn tuyệt vời nhất.

Một công ty du lịch bền vững và có trách nhiệm phải dựa vào 6 trụ cột chính, gồm: bảo vệ nguồn môi trường sinh thái tự nhiên, trách nhiệm văn hoá xã hội, tạo việc làm tốt cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, khách hàng thoả mãn, doanh nghiệp có lợi nhuận.

Tôi đang cố gắng sống có giá trị

Ông Vương Hiếu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát

Ông Vương Hiếu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát

Tôi muốn nhắc đến câu của Albert Einstein mà tôi đã đọc, rất tâm đắc từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến hiện tại và có thể cho đến sau này: "Đừng cố gắng để thành công, hãy cố gắng sống có giá trị".

Bản thân tôi tâm niệm, luôn phải cố gắng tích lũy đạo đức, nhiều hơn là vật chất, nhất là khi làm kinh doanh, để thực sự sống có giá trị. Chính vì điều đó giúp tôi luôn trân trọng từng cơ hội dù nhỏ nhất để xây dựng doanh nghiệp, để đưa doanh nghiệp là nơi để từng cá nhân gắn bó, phát triển, cùng kiến tạo những giá trị bền vững cho chính mình và cộng đồng.

Tôi tin là, đại dịch Covid-19 mang đến cho tôi và nhiều người cảm nhận rõ giá trị quý giá nhất của cuộc sống là sự sẻ chia và tình yêu thương, thấu cảm với nhau, không phân biệt tầng lớp, giai cấp trong xã hội.

Với doanh nhân, trách nhiệm xã hội luôn ở trong tim

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi

Mỗi doanh nhân có xuất phát điểm khác nhau, nhưng điểm chung là những người tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế quốc gia.

Hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi càng thấy rõ trọng trách của mình. Làm sao duy trì được hoạt động, để rồi phục hồi, tăng tốc trong bối cảnh bình thường mới; làm sao bảo đảm được việc làm cho người lao động…

Sẽ không có công thức thành công chung, nhưng chọn con đường nào cũng là một cuộc chơi cân não với doanh nhân. Chúng tôi xác định, thành công chỉ dành cho những ai đủ tài trí, sức chịu đựng, năng lực, thức thời và thái độ cầu tiến với thử thách.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Tập đoàn dành nguồn lực nhất định để cùng tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi xác định, trách nhiệm xã hội là điều không thể tách rời và luôn được xuất phát từ trái tim.

Không ngừng khát khao, hoài bão, dấn thân

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam

Nơi nào có doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, kinh tế, nơi đó chắc chắn phát triển và đời sống nhân dân được cải thiện. Doanh nghiệp làm ra của cải, vật chất cho xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, làm cho xã hội giàu lên, góp phần nâng cao chất chất lượng cuộc sống của người dân.

Cũng như nhiều doanh nhân Việt Nam, chúng tôi giàu ý chí vươn lên và lòng tự hào dân tộc, luôn khát khao cùng dân tộc xây dựng nền kinh tế vững mạnh, hùng cường.

Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp mong có nhiều cơ hội được tiếp cận bình đẳng về nhân sự, vốn tín dụng bên ngoài, môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng thông thoáng, để nhờ đó phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.

Nghề du lịch mang tới cho tôi nhiều thứ quý giá. Đó là một cuộc sống đủ đầy, ý nghĩa. Tôi yêu cuộc sống này, yêu khách hàng, yêu đồng nghiệp như những người ruột thịt trong gia đình mình.

Đó là chính là động lực để tôi vượt lên những chuyện bình thường tưởng không làm được, động lực để tôi không ngừng khát khao, hoài bão, dấn thân.

Sự thành công và thất bại của doanh nhân luôn có giá trị rất lớn

Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải

Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải

Doanh nhân thời 4.0, ngoài việc tích lũy kiến thức, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm… để điều hành doanh nghiệp, cần có bản lĩnh vững vàng để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh, theo kịp sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ.

Ngoài ra, doanh nhân cũng phải là những “đầu tàu” với trách nhiệm xã hội, không chỉ làm từ thiện từ tâm, đóng góp tích cực vào an sinh xã hội, họ còn luôn mong muốn chia sẻ kiến thức với các thế hệ đi sau. Tôi tin là những bài học về sự thành công và thất bại của doanh nhân luôn có giá trị rất lớn với những ai muốn khởi nghiệp.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thách thức lớn, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua. Điều tôi muốn nói là chính khó khăn sẽ tạo ra thế hệ doanh nhân mới có khả năng thích ứng và đổi mới, sáng tạo. Đây chính là những người sẽ làm thay đổi cuộc chơi khi đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp sáng tạo...

Cân bằng giữa lợi nhuận và giá trị cho cộng đồng

Bà Lê Phương Dung, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Pharmaco

Bà Lê Phương Dung, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Pharmaco

Chúng ta vẫn nói, thành công của doanh nghiệp hiện nay không chỉ là đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích cổ đông mà phải sáng tạo, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội.

Nhưng thực sự, trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp được thành lập mỗi năm, cũng từng đó doanh nhân tham gia cộng đồng, bao nhiêu người tạo được sự đột phá trong sản phẩm, dịch vụ hay cách làm, cách kinh doanh, marketing để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Khi khởi nghiệp cách đây 3 năm, tôi đã luôn đặt cho mình câu hỏi đó và tìm cách trả lời bằng chính hoạt động của Pharmaco, luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi nhuận doanh nghiệp và tác động tích cực cho cộng đồng.

Chúng tôi đã đưa Pharmaco đi theo hướng khởi nghiệp sáng tạo, với mục tiêu, đã mất công sức làm kinh doanh, phải làm gì cho đáng, phải theo đuổi sự nghiệp đủ lớn, phải phát triển bền vững, từ tâm… chứ không chỉ là kiếm tiền qua ngày.

Chính quan điểm kinh doanh này và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đi đến cùng con đường mình đã chọn đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chồng chất khi dịch bệnh kéo dài, phức tạp, giúp tôi vượt qua những giới hạn của bản thân.

Không có sự ủng hộ của người lao động, doanh nghiệp khó phát triển bền vững

Ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu (Bắc Giang)

Ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu (Bắc Giang)

Là lãnh đạo một chuỗi nhà máy dệt may lớn với 3 nhà máy đặt tại Bắc Giang và 1 nhà máy tại Vĩnh Phúc, chúng tôi ý thức rất rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội.

Chúng tôi luôn nghĩ, doanh nghiệp, doanh nhân phải làm tốt trách nhiệm với xã hội, trước hết là sản xuất, kinh doanh thật hiệu quả với những sáng kiến có lợi cho chính mình và cộng đồng, để từ đó có tiền đề chăm lo tốt đời sống cho chính người lao động và gia đình họ. Khi những gia đình người lao động của chúng tôi hạnh phúc, no ấm, thì cộng đồng cư dân nơi nhà máy của chúng tôi đóng đô cũng sẽ no ấm, hạnh phúc.

Chúng tôi hạnh phúc và nhận lại nhiều điều từ điều này. Sự lan tỏa hạnh phúc này như một chất xúc tác trong hoạt động của doanh nghiệp. Không có sự ủng hộ, đồng thuận của người lao động, của cộng đồng cư dân, chúng tôi khó có thể phát triển bền vững. Kể cả trong thời điểm cam go nhất, khi doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm nặng nề, chúng tôi vẫn tham gia ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19.

Khi doanh nghiệp trân trọng cộng đồng, thì cộng đồng đáp lại bằng niềm tin

Ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngũ Phúc Đường

Ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngũ Phúc Đường

Tôi quan niệm, là doanh nghiệp thì nhất định phải có đóng góp với cộng đồng. Khi doanh nghiệp dành tình cảm, sự trân trọng với cộng đồng, thì cộng đồng cũng đáp lại bằng niềm tin vào các sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

Nhìn lại 2 năm qua, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp tuy bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh, nhưng đã có những đóng góp rất to lớn trong công cuộc chống dịch. Điều đó cho thấy tình cảm, trách nhiệm với xã hội của giới doanh nhân rất sâu sắc và thực tế. Vậy nên, trong công cuộc vực dậy nền kinh tế, khi doanh nhân là đội ngũ tuyến đầu, cũng mong Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp, kịp thời.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, chúng ta chuyển từ mục tiêu “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, thì trách nhiệm tuyến đầu đã dịch chuyển sang cho doanh nhân. Chính sách sẽ luôn phải điều chỉnh để ngày càng phù hợp với thực tế. Nguồn vốn cũng sẽ được bổ sung thông qua các gói hỗ trợ của Chính phủ. Người lao động cũng mong muốn được quay lại làm việc.

Điều cần nhất với doanh nhân bây giờ là sức khỏe. Đội ngũ doanh nhân có sức khỏe thì mới đủ tỉnh táo, kiên cường để gánh vác trách nhiệm tuyến đầu trong công cuộc tái thiết đất nước.

Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm, tùy theo sức của mình

Ông Nguyễn Thế Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sài Gòn Thăng Long

Ông Nguyễn Thế Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sài Gòn Thăng Long

Doanh nhân trước hết là công dân, là người dân Việt Nam. Khi đất nước, nền kinh tế vào lúc khó khăn, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm, tùy theo sức của mình.

Là doanh nhân, chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, năng lực, trí tuệ để phục hồi doanh nghiệp, góp phần ổn định xã hội… Tôi và Công ty cũng đang nỗ lực hết mình trong công cuộc chung đó.

Khi điều kiện cho phép, chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào vực dậy công việc sản xuất và kinh doanh. Chúng tôi đã cắt giảm các chi phí không cần thiết, tái cơ cấu nhân sự và tổ chức, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ…

Chúng tôi cũng đã góp phần chung tay cùng xã hội, như trao tặng gạo và các gói an sinh cho người dân gặp khó khăn; hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, các chốt kiểm soát liên ngành và các ca F0 gặp khó khăn trong điều trị.

Chúng tôi mong, nỗ lực của doanh nghiệp sẽ góp phần vực dậy mọi hoạt động giao thương, sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan