Cụ thể, khi các nước như Trung Quốc hết dịch thì họ sẽ có nhu cầu lớn về nguồn thực phẩm nông nghiệp và đi du lịch, mà đây là những lĩnh vực cũng đang được doanh nghiệp Việt Nam tập trung phát triển thời gian qua.
Nói về những nỗ lực của Thaco bấy lâu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, cơ khí và đã đem lại quả ngọt trong đúng giai đoạn hiện nay, ông Dương cho hay, đang thảo luận với đối tác kế hoạch đầu tư sản xuất lốp tại Chu Lai để xuất khẩu với quy mô vốn lớn.
Ngoài ra, trong cuối tháng 3 này, Thaco cũng sẽ chốt hợp tác với Daimler để sản xuất xe tải thương hiệu Mercedes xuất khẩu sang nước ngoài. Trước đó, Thaco đã trở thành đối tác duy nhất, hợp tác cùng với thương hiệu Mitsubishi Fuso cũng thuộc Daimler AG trong sản xuất xe tải và xe bus tại Việt Nam.
Chia sẻ thực tế dịch Covid 19 đang xuất hiện phức tạp hơn trên thế giới và Việt Nam, tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân ngày 12/3, ông Dương cũng hiến kế, việc chống dịch và phòng dịch cần được tuyên truyền mạnh mẽ qua kênh của các doanh nghiệp.
“Tại các doanh nghiệp, việc phòng chống dịch được đề cao cũng là để bảo đảm hoạt động được liên tục. Do có nhiều người lao động trong các doanh nghiệp nên khi chính quyền tuyên truyền phòng chống dịch trong dân cũng nên hợp tác và thông qua doanh nghiệp để cùng làm, giúp dân cũng là giúp người lao động trong doanh nghiệp không hoang mang. Nếu làm tốt theo cách này thì chuyện phòng dịch thông qua doanh nghiệp là rất hiệu quả”, ông Dương nói.
Doanh nhân Trấn Bá Dương dẫn chứng, hiện Thaco có khoảng 21.000 lao động trực tiếp, nếu tính cả hệ thống thì có khoảng 60.000 lao động. Con số này nếu nhân với 3-4 người/gia đình thì tính lan toả và hiệu quả cũng sẽ rất lớn.
Liên quan đến các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh hiện nay đang được Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, ông Dương cũng cho rằng, các gói hỗ trợ, cứu trợ cần rất cụ thể, không nên chung chung. Thậm chí, nhân dịp này có thể định hướng lại nền kinh tế bằng các ưu đãi cụ thể và chi tiết với các ngành nghề cần khuyến khích nhằm tạo ra sức bật mới cho giai đoạn tiếp theo.
“Cá nhân tôi cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp hiện nay đứng trước dịch Covid-19 dù khó khăn, nhưng vẫn tự tin, chia sẻ chứ không tiêu cực như các lần ảnh hưởng trước của dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế là nhờ doanh nghiệp đã kích được tinh thần phát triển - dấn thân - làm việc trong thời gian qua. Cộng với sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ mang tính định hướng phát triển nền kinh tế một cách thiết thực sẽ chính là sự đề kháng tốt, không phải chỉ trong dịch Covid-19, mà còn cả các khó khăn khác sau này”, ông Dương chia sẻ.
Theo hướng này, ông Dương cho rằng, Dự thảo hỗ trợ tài chính của Bộ Tài chính đưa ra khi dịch chưa lớn, trong khi đỉnh dịch gần đây được dự báo sẽ rơi vào tháng 4 và tháng 5, sau đó mới giảm đi. Vì vậy, thời gian lấy ý kiến doanh nghiệp được nêu ra là đến ngày 17/3/2020 để sau đó ban hành vào cuối tháng 3 cũng cần đẩy lên nhanh hơn và lắng nghe lại các kiến nghị khó khăn của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý thực tế không phải doanh nghiêp nào cũng cần hỗ trợ về thuế và sẽ có những doanh nghiệp lợi dụng chuyện này.