Đau đáu vì sự minh bạch của thị trường sữa
Chuyện về sự ra đời của TH true MILK có lẽ không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt.
Năm 2008, khi xem bản tin về sự cố sữa nhiễm melamine bùng nổ ở Trung Quốc, khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ chảy máu thận, quặn thắt trái tim khi nghĩ đến những đứa con của mình, bà Thái Hương đã quyết định bắt đầu con đường sữa tươi sạch chuẩn quốc tế trên chính đồng đất Việt Nam, cho trẻ em Việt Nam, người tiêu dùng Việt.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tháng 12/2010, dòng sữa tươi sạch TH true MILK đầu tiên đã ra mắt thị trường và ngay lập tức gây ấn tượng, tạo được sự tin tưởng với người tiêu dùng Việt Nam. Bởi lẽ, ai cũng hiểu, đó là những sản phẩm sữa tươi sạch, ngọt lành nhất được sản xuất trên quy trình công nghệ hiện đại, khép kín “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch”.
Năm học 2020-2021, TH đã đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện mô hình điểm về dinh dưỡng, thể lực học đường. Mô hình điểm này sẽ làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, nhằm hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030.
Nhưng có lẽ, không nhiều người biết, ngay từ khi bắt đầu hành trình sữa tươi sạch ở thị trường Việt Nam, Tập đoàn TH và cá nhân nữ doanh nhân Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, đã luôn bền bỉ lên tiếng, đấu tranh và thúc đẩy sự ra đời của các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong ngành sữa và dinh dưỡng theo đúng thông lệ quốc tế.
Hăm hở với kế hoạch sản xuất sữa tươi sạch cho người tiêu dùng Việt, nhưng khi bắt tay vào sản xuất - kinh doanh, bà Thái Hương mới nhận ra rằng, các văn bản pháp quy quản lý chất lượng sữa tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng.
Thậm chí, thời điểm những năm 2010, quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT) còn không ràng buộc nhà sản xuất phải ghi rõ nguyên liệu đầu vào. Khi ấy, sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên) còn được ghi trên nhãn mác là “sữa tiệt trùng”, trong khi “tiệt trùng” vốn là từ miêu tả công nghệ sản xuất, chứ không phải tên gọi của nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm.
Với cách gọi lập lờ “sữa tiệt trùng”, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn giữa sữa tươi thật và sữa bột pha lại.
Không chấp nhận sự lập lờ đó, trong nhiều năm liền, bà Thái Hương đã kiên trì lên tiếng ở hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị, gửi công văn lên Quốc hội, đưa kiến nghị nhằm thay đổi QCVN 5-1:2010, minh bạch hóa thị trường sữa.
Bà bền bỉ đề xuất, doanh nghiệp phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm là sữa tươi hay sữa bột pha lại và cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra, phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Thực tế, để có một sản phẩm sữa tốt nhất thì phải có sự đồng bộ cao nhất cả chu trình nuôi dưỡng, sản xuất, bao gồm giống bò sữa tốt; đồng cỏ, thức ăn tốt; chế độ dinh dưỡng tốt; quy trình vắt sữa tốt, bảo quản tốt.
Vì chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, nên đã có tình trạng bò sữa nuôi trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, sữa tươi không đạt tiêu chuẩn vẫn được đưa vào chế biến.
Bà Thái Hương và Tập đoàn TH cũng đã lên tiếng về vấn đề này, góp phần thúc đẩy việc ban hành Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng chất lượng, bài bản.
“Những biến chuyển này không chỉ dừng lại ở minh bạch tên gọi sữa, minh bạch thị trường, mà đó là sự bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin và minh bạch thông tin về sản phẩm của người tiêu dùng; đồng thời giúp bảo vệ nông dân, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước cũng như hạn chế nhập sữa bột từ nước ngoài về pha lại”, bà Thái Hương khẳng định.
Thực tế sản xuất ở TH cũng là “tấm gương” cho việc thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa được kiểm soát quy trình nghiêm ngặt bằng công nghệ cao. Sữa tươi nguyên liệu trước khi chuyển sang nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH đều được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra các chỉ tiêu dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.
Tại nhà máy chế biến sữa TH, sữa tiếp tục được chế biến và đóng gói theo chu trình khép kín, được quản trị với công nghệ đo lường và điều khiển hiện đại bậc nhất thế giới: Siemens, Danfoss, Grundfoss.
Với sự vào cuộc của Tập đoàn TH và sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các doanh nghiệp sữa khác trong ngành đã mở rộng đầu tư chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi để cạnh tranh, từ đó giúp tăng nhanh tỷ lệ đàn bò sữa Việt Nam.
Thậm chí, nhiều người nói, Tập đoàn TH và nữ doanh nhân Thái Hương đã góp phần quan trọng làm nên một cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam. Năm 2008, thị trường sữa nước tại Việt Nam có đến 92% là sữa bột pha lại, nhưng nay, tỷ lệ đã giảm xuống chỉ còn 60% và đang tiếp tục giảm xuống.
TH luôn nỗ lực vì sự minh bạch của thị trường sữa Việt Nam. |
Canh cánh vì Luật Dinh dưỡng học đường
Là người có tầm nhìn xa, lại luôn làm sữa bằng tấm lòng và trái tim người mẹ, với mong muốn mang dòng sữa hoàn mỹ cho con trẻ, từ năm 2013, bà Thái Hương đã cùng Tập đoàn TH khởi xướng và triển khai Chương trình Sữa học đường.
Bằng các nghiên cứu lâm sàng một cách khoa học, bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã đấu tranh để sản phẩm sữa đưa vào trường học phải đạt các tiêu chuẩn về sữa tươi nguyên liệu và chế biến sữa.
Với sự nỗ lực đó, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg triển khai Chương trình Sữa học đường Quốc gia và sau đó, Bộ Y tế ban hành Quyết định về sử dụng sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường.
Đây chính là những bước tiến trong hệ thống luật định của Việt Nam về chăm sóc sức khỏe và tầm vóc, thể lực, trí lực của thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Và bây giờ, Nhà sáng lập Tập đoàn TH tiếp tục lên tiếng về sự cần thiết của Luật Dinh dưỡng học đường, với mong muốn những thực phẩm đưa vào trường học phải có những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ vì sức khỏe và tầm vóc Việt.
“Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm và các sản phẩm sữa, mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia”, bà Thái Hương nhấn mạnh.
Nghĩ vậy, nữ doanh nhân Thái Hương luôn canh cánh trong lòng rằng, cả xã hội phải chung tay đồng hành và thúc đẩy sớm ra đời Luật Dinh dưỡng học đường ở Việt Nam.
“Cần phải có Luật Dinh dưỡng học đường, thậm chí cả Luật Dinh dưỡng cho người Việt để thực sự kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm và dinh dưỡng lành mạnh góp phần giảm thiểu các bệnh mạn tính, dự phòng bệnh tật”, bà Thái Hương khẳng định dứt khoát như vậy.
Theo bà, nếu không hành động quyết liệt vì tầm vóc Việt ngay từ hôm nay, thì mong ước rất giản dị của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong Lễ phát động Quỹ Sữa học đường tại thời điểm năm 2016, rằng “đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước, Việt Nam ra khỏi danh sách nước có người dân thấp còi”, sẽ khó trở thành hiện thực.