Doanh nhân Nguyễn Hữu Long.
Giấc mơ có thật
Lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 diễn ra tại trụ sở Văn phòng Chính phủ vào một buổi chiều đầu tháng 1/2020. Trong hoạt động gồm 300 hội nghị, hoạt động khác nhau sẽ diễn ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, sản phẩm của The PAN Group là một trong những thương hiệu đại diện của Việt Nam được giới thiệu tại 3 hội nghị quan trọng, gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các cấp liên quan; Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Cũng tại các sự kiện quan trọng đó, cà phê SHIN - thương hiệu cà phê đặc sản của The PAN Group được chọn làm quà tặng của Chính phủ gửi tới lãnh đạo các quốc gia về tham dự sự kiện tại Việt Nam.
Đây là sản phẩm được định hướng là cà phê đặc sản, được trồng tại nhiều khu vực khác nhau của Việt Nam, hình thành và kết tinh bởi những đặc tính và thành phần của đất, nước, khí hậu, địa hình khác biệt từ từng nơi cây cà phê được trồng. Điều đặc biệt hơn, cà phê SHIN được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, nhưng chủ yếu được biết đến dưới dạng thô, giá trị chế biến thấp.
Người viết nên câu chuyện của SHIN Cà phê là nhà sáng lập Nguyễn Hữu Long, với giấc mơ xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản có chất lượng tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, in đậm thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới. Và giấc mơ đó đang trở thành sự thật.
Muốn thế giới ngạc nhiên về cà phê Việt Nam
Long rất chăm chút cho các quán SHIN Cà phê, anh coi đó là linh hồn, nơi xuất phát và đem lại mọi thứ cho thương hiệu này. Bởi vậy, đến với bất cứ quán SHIN Cà phê nào, khách hàng cũng sẽ lập tức thấy được “thế giới cà phê” của Việt Nam với sự hội tụ đầy đủ sản vật cà phê Việt từ miền Bắc vào miền Trung, với khoảng 20 dòng sản phẩm khác nhau.
“Tôi muốn hướng đến những khách hàng có gu tiêu dùng, hiểu biết về cà phê, biết uống cà phê, có khả năng phân biệt, đánh giá được cà phê”, Long nói. Nhà sáng lập SHIN Cà phê khẳng định, anh muốn làm điều gì đó để thế giới ngạc nhiên về cà phê Việt Nam, nên không đơn thuần là phục vụ cà phê phin, cà phê sữa đá, cà phê pha máy…
Không ai bước vào ngành nông nghiệp với tâm lý chớp thời cơ ngắn hạn hoặc kỳ vọng nhanh chóng thành công. Long cũng vậy. Anh đã dành 8 năm để tìm vùng trồng nguyên liệu, từ Sơn La, Điện Biên, Khe Sanh, A Lưới, đến Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum. Ở những nơi đó, anh trực tiếp hướng dẫn người dân cách trồng, cách thu hoạch để cà phê có chất lượng tốt nhất.
Ban đầu, người dân vẫn giữ thói quen làm theo bản năng, kinh nghiệm, nên từ chối hợp tác với Long. Anh dành thời gian nỗ lực giải thích, hướng dẫn họ quy trình sản xuất, cách trồng trọt, bón phân; tư vấn trồng xen canh cà phê để che đất cho cây mát hơn, có thời gian hấp thụ dinh dưỡng… Thậm chí, anh chấp nhận mua cà phê với giá gấp đôi thị trường để họ dần thay đổi quan điểm, cách nhìn và SHIN Cà phê có được chất lượng hạt tốt nhất.
Đến nay, Shin Cà phê đã có mặt ở những vùng cà phê đặc sản của Việt Nam. 7 vùng trồng hiện có tổng diện tích khoảng 1.200 ha, cung ứng tương đương 10.000 tấn cà phê mỗi năm. Long chia sẻ, về lâu dài, SHIN Cà phê cần mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần, thì mới có thể nâng công suất sản xuất, cung cấp ra thị trường sản lượng 10.000 - 20.000 tấn/năm.
SHIN Cà phê là doanh nghiệp đầu tiên bắt tay người nông dân trồng cà phê sạch, chất lượng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, có thêm nhiều doanh nghiệp đi theo con đường này. Long nhận thấy, để đi đến cùng mục tiêu đã đặt ra là sản xuất những sản phẩm chất lượng cao và vươn ra thế giới, SHIN Cà phê phải có sự “chống lưng” của những ông lớn.
Kể từ khi nhận được đầu tư của The PAN Group, SHIN Cà phê đã mở rộng được nhiều thị trường mới. Hơn 150.000 điểm bán hàng trên cả nước và thị trường xuất khẩu tới hàng chục quốc gia của The PAN Group sẽ chắp cánh cho giấc mơ của nhà sáng lập SHIN Cà phê.
Hơn nữa, The PAN Group sở hữu kinh nghiệm phong phú về phát triển vùng nguyên liệu, quy trình lựa chọn giống, canh tác, sẽ giúp SHIN Cà phê mở rộng vùng nguyên liệu. Khả năng kết hợp năng lực phát triển sản phẩm của Tập đoàn với mô hình công ty loại nhỏ cũng là lợi thế rất lớn cho SHIN Cà phê.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Thành viên HĐQT The PAN Group, người trực tiếp phụ trách thương vụ đầu tư vào SHIN Cà phê cho hay: “Việc đầu tư vào những start-up như SHIN Cà phê là cơ hội để PAN có được khả năng tăng trưởng dài hạn, bền vững trong tương lai”.
Thoát khỏi bùn lầy nhờ SHIN
Nguyễn Hữu Long chưa đến 40, nhưng có vẻ ngoài “nhừ” hơn so với tuổi. Cũng dễ hiểu, vì anh bước vào đời khá sớm. Học hết lớp 5, Long phải nghỉ vì gia đình không có điều kiện. 17 tuổi, anh xuống Sài Gòn phụ giao hàng và làm việc vặt cho người bác đang mở đại lý nước giải khát. Được khoảng một năm, Long lại nghỉ do đại lý ế ẩm. Anh được bác xin cho một chân chạy bàn trong nhà hàng mà anh từng giao đá.
Ở đó, Long may mắn gặp được ân nhân - một người Nhật hay ghé quán tên là Shin. Người đàn ông này nhận thấy anh có nét giống con trai ông, nên chú ý và hỏi han. Sau khi biết hoàn cảnh của Long, ông nhận làm con nuôi và cho tiền đi học. Ngoài khuyến khích học văn hóa, ông còn động viên và tạo điều kiện cho anh học tiếng Nhật. Hết cấp 3, với vốn tiếng Nhật kha khá, Long chuyển qua làm ở cửa hàng mỹ phẩm cho người Nhật, rồi làm thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch…
“Ông là người đã đưa tay kéo cuộc đời tôi ra khỏi bùn lầy”, Long chia sẻ.
Vì yêu thích và hiểu rõ giá trị cây cà phê, nên lúc nào Long cũng ước mong được làm gì đó với cây cà phê. Từ năm 2000, khi còn đi học, anh đã cùng một người bạn dành tiền tự mua cà phê về rang xay, đóng gói và bỏ mối. Lúc đó, anh đã tự tay lựa cà phê ngon, chào hàng ở các quán tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Làm công việc này được 2 năm, Long đến với Cà phê Bonsai. Công việc ở đó khá tốt, nhưng vì vẫn cảm tính, làm vì yêu thích hơn là nghiên cứu, không có kiến thức chuyên môn về sản phẩm, anh chủ động rút lui, nhưng anh luôn giữ niềm tin với cà phê và chờ cơ hội quay lại.
Những người có xuất phát điểm thấp như tôi cần một tập đoàn lớn để cùng đồng hành. Cà phê là lĩnh vực không dành cho các công ty khởi nghiệp nhỏ và am hiểu lơ mơ, tôi cũng không thể đi một mình.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Long
Cả quãng đời niên thiếu của Long là ăn, ngủ trong rẫy cà phê, chăm sóc, vun xới cho cà phê. Thậm chí, từng nhịp sống, nhịp thở, vẻ đẹp, sự tinh túy và cả giá trị thật của cà phê, anh đều biết rất rõ từ đây. Dẫu vậy, Nhật Bản mới là cái nôi để anh đắm chìm trong thế giới cà phê.
Trong 5 năm học tập, sinh sống ở Nhật Bản, anh đã tìm mua sách về cà phê và đọc ngấu nghiến như dâu ăn tằm. Rồi anh tham gia các khóa học lấy chứng chỉ về cà phê tại Nhật. Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về thị trường, gần 2 năm trước khi về lại Việt Nam, anh xin vào làm việc trong mảng bán hàng xuất khẩu cho một công ty cà phê của Nhật, trong đó có thị trường Việt Nam.
7 năm trước, Long lấy tên SHIN Cà phê để đặt cho fanpage của mình. Từ đây, anh đã xây dựng được tệp khách hàng lớn và tạo được uy tín, thương hiệu cá nhân. Vì vậy, khi về Việt Nam mở cơ sở sản xuất và quán cà phê, ngay từ đầu, SHIN Cà phê đã tạo được ấn tượng và có lượng khách ổn định. Anh bảo, 50% thành công và sức hút của SHIN Cà phê trong giai đoạn đầu là nhờ quá trình chuẩn bị, “dọn đường” từ những ngày còn bên Nhật.
Đối với người đàn ông này, làm cà phê không phải là bí kíp. Đó là khoa học - khoa học về nông nghiệp, về phân tích, thưởng thức cái ngon, cái hay của lương thực, thực phẩm. Ở Nhật, ở Mỹ, họ phân tích cà phê, chỉ ra chỗ ngon và đưa sản phẩm ra thị trường. Long cũng đưa SHIN Cà phê theo con đường sản xuất đó.
Thời gian qua, Long chuẩn bị cho trồng trọt, sản xuất cà phê. Tới đây, SHIN Cà phê sẽ hiện diện ở cả 4 mảng: cà phê nguyên liệu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và chuỗi cà phê.
Giờ đây, mỗi ngày, Long đều nghĩ đến hình ảnh các quán cà phê SHIN độc đáo hiện diện tại các thành phố lớn và trên khắp Việt Nam. Cà phê rang xay, hòa tan của SHIN sẽ có mặt tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước, rồi sẽ đi ra thế giới, tới những nước phát triển, với chất lượng cao cấp, tốt nhất.
Long đang nghiên cứu một loại men để sử dụng trong sơ chế cà phê robusta và arabica để giúp nâng cao chất lượng cà phê lên khoảng 30% so với hiện tại. Sản phẩm này sẽ mang lại niềm hy vọng lớn cho thị trường cà phê Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của cà phê Việt, sánh ngang các nước đi đầu về công nghệ.