Cuộc chiến gian nan với hàng giả
Một buổi chiều cách đây vài năm, tôi nhận được điện thoại của anh Châu, nhân viên của Nhựa Đông Á cho biết, họ vừa phát hiện một cơ sở kinh doanh thanh nhựa profile dán mác Nhựa Đông Á, nhưng không nằm trong danh sách các nhà phân phối của Công ty. Tôi khi đó không có ý định làm một bài phóng sự hay điều tra về cuộc chiến chống hàng giả, nhưng thông tin của anh Châu cũng khiến tôi tò mò. Đây chắc chắn là cơ hội tốt để trải nghiệm về cuộc chiến gian nan của những doanh nghiệp đang ngày đêm nhọc nhằn gây dựng thương hiệu Việt.
Mục tiêu mà chúng tôi tiếp cận là một cơ sở sản xuất ở đường Giải Phóng (Hà Nội). Cách tiếp cận mục tiêu của nhóm anh Châu khá chuyên nghiệp, như thể đó là công việc quen thuộc của họ. Trong vai những người đang tìm mua hàng, cả nhóm đi loanh quanh để tìm người phụ trách kho. Sau đó, anh Châu nhanh chóng bắt chuyện, hỏi han, còn một người được giới thiệu là kỹ thuật viên kiểm tra rất kỹ từng thanh nhựa trong kho như thể đang thẩm định nguồn hàng.
Trong lúc xem hàng, anh kỹ thuật viên rút điện thoại, vừa đi lại vừa nói chuyện với ai đó một hồi lâu. Sau này tôi mới biết, cuộc điện thoại tưởng chừng vô tình đó đã giúp anh kỹ thuật viên ghi lại gần như toàn bộ hình ảnh của kho hàng. Anh này khẳng định, hàng hóa trong kho hàng đó không phải hàng của Nhựa Đông Á, nhưng lại dán nhãn mác của Công ty để đánh lừa người tiêu dùng.
Sau này, nhiều lần trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Bá Hùng khẳng định, với một doanh nghiệp sản xuất chân chính, để có sản phẩm tốt và có chỗ đứng trên thị trường đã rất khó khăn, nhưng khi đã có thương hiệu, sản phẩm được khách hàng tin cậy, thì việc bảo vệ thương hiệu cũng là một cuộc chiến không kém phần khốc liệt. Tuy vậy, với khát vọng gây dựng một thương hiệu Việt mạnh, khó khăn càng thôi thúc ông Hùng và các đồng sự quyết tâm tiến xa hơn.
Đến thời điểm này, Nhựa Đông Á đã có danh mục sản phẩm phong phú gồm tấm ốp trần, cửa nhựa uPVC có lõi thép gia cường - nhãn hiệu smartwindows, cửa nhôm và vách kính dựng smartdoor; bạt hi-flex; tấm nhựa danpla, tấm mica, tấm nhôm composite DAG alu… Sản phẩm nào cũng khẳng định chất lượng vượt trội, đánh bạt hàng nhập khẩu kém chất lượng vốn một thời “làm mưa, làm gió” trên thị trường.
Bảo vệ danh dự hàng Việt
Ông Nguyễn Bá Hùng xuất thân là một nhà kinh doanh thương mại. Hồi mới khởi nghiệp, ông là đại lý bán hàng cho một doanh nghiệp Đài Loan có trụ sở ở phía Nam. Thời kỳ đó, ông luôn “lập trình” gần như chính xác kế hoạch giao hàng trên suốt cung đường từ Bắc vào Nam, giúp doanh nghiệp giảm chi phí ở mức tối đa.
Tuy nhiên, từ những gì quan sát được, tôi nhận thấy, nền tảng cốt lõi làm nên thành công của doanh nhân Nguyễn Bá Hùng không chỉ nằm ở khả năng tổ chức bán hàng, mà còn nằm ở quan điểm kinh doanh coi trọng chất lượng của sản phẩm. Niềm say mê làm ra các sản phẩm tốt cho người tiêu dùng có lẽ chính là yếu tố thôi thúc mạnh mẽ để ông quyết tâm chuyển hẳn sang làm sản xuất, thay vì làm thương mại đơn thuần như trước đó.
Trong quá trình đi lên từ doanh nghiệp thương mại đến khi bước chân vào sản xuất, ông Hùng đã tích lũy được một “tài sản” vô giá là sự am hiểu về các mặt hàng nhựa nội thất. Thị trường thời kỳ ông mới khởi nghiệp tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ kém chất lượng, hàng nhập lậu và cả hàng không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, sản phẩm chất lượng cao nhập khẩu từ châu Âu lại có giá quá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Nhựa Đông Á, dưới nhãn quan tinh tường của thuyền trưởng Nguyễn Bá Hùng, đã định hình một con đường riêng và chính con đường này đã dẫn đến thành quả ngọt ngào hôm nay. Đó là sản xuất sản phẩm đạt chất lượng không thua kém hàng châu Âu, nhưng giá cả không quá cao để phần lớn người tiêu dùng Việt Nam có thể chấp nhận được.
Định hướng là vậy, nhưng khi bắt tay vào làm không hề đơn giản. Ông Hùng và các cộng sự đã tới nhiều quốc gia trên thế giới để tham khảo các mô hình sản xuất. Bài toán đặt ra không hề dễ giải, nhất là trong giai đoạn đầu làm sản xuất, bởi nếu nhập khẩu những dây chuyền từ châu Âu, thì Công ty sẽ phải gánh chi phí rất lớn. Do vậy, thời kỳ đầu, ông Hùng áp dụng giải pháp đầu tư cuốn chiếu, chỉ lắp đặt linh kiện châu Âu ở các cấu phần trọng yếu của dây chuyền, còn lại sử dụng linh kiện có giá rẻ hơn được nhập khẩu từ các nước châu Á.
Với những quyết sách hợp lý, Nhựa Đông Á dần vượt qua giai đoạn khởi nghiệp đầy gian nan. Sản phẩm của Công ty bắt đầu được người tiêu dùng chú ý bởi những giá trị rất riêng. Dòng sản phẩm thành công điển hình trên thị trường nội địa gồm cửa uPVC smartwindows với nhiều ưu điểm vượt trội trong cách nhiệt, cách âm, chống lão hóa… Đây là các sản phẩm được Việt hóa từ những sản phẩm cùng loại có lịch sử gần 60 năm tại các nước châu Âu. Sản phẩm có kiểu dáng và hình thức phù hợp với nhiều phong cách trang trí nội thất, từ lối kiến trúc hiện đại mang phong cách châu Âu đến những không gian kiến trúc bài trí theo phong cách Á Đông.
Dẫu vậy, ông chủ Nhựa Đông Á không dễ hài lòng với những gì đạt được. Sau giai đoạn “lấy ngắn nuôi dài”, Nhựa Đông Á dần chững chạc bước sang giai đoạn “đã làm là khẳng định đẳng cấp”. Các bộ dây chuyền thiết bị được nhập khẩu toàn bộ từ các thương hiệu lớn trên thế giới đã lần lượt được đưa về lắp đặt trong các nhà máy của Nhựa Đông Á. Đây là một nước cờ vô cùng cân não bởi trong kinh doanh, bài toán cân đối chi phí và thu nhập không hề dễ giải.
Doanh nhân Nguyễn Bá Hùng tâm sự, khi đưa ra lựa chọn này, doanh nghiệp đã phải tính toán rất nhiều. “Khó khăn rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm, vì khát vọng chứng tỏ danh dự và tinh thần người dân đất Việt, rằng người Việt có thể làm được sản phẩm tốt và đứng được trên thị trường nếu họ muốn”, ông Hùng nói.
Lấy chất lượng để mưu cầu sinh tồn
Trong quá trình lăn lộn trên thương trường từ một nhà thương mại chuyển sang sản xuất, ông Nguyễn Bá Hùng có được khả năng ước lượng nhu cầu thị trường khá chính xác. Vì vậy, từ khi khởi nghiệp đến khi lớn mạnh như hiện nay, Nhựa Đông Á đã đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm khác nhau và phần lớn đều được thị trường hấp thụ khá tốt.
Khi đầu tư và đưa một sản phẩm mới ra thị trường, Nhựa Đông Á không làm theo kiểu đầu tư hàng loạt, mà đầu tư từng bước, ban đầu chỉ đầu tư vài dây chuyền để thăm dò phản ứng thị trường, nếu sản phẩm được tiêu thụ tốt, thì mới mở thêm các dây chuyền mới. Điều này giúp cho các dây chuyền dù mới được đầu tư, nhưng phần lớn đều được chạy tối đa công suất. Hệ thống trang thiết bị được đầu tư tốt, tuổi đời cao hơn so với các thiết bị rẻ tiền, nên chi phí khấu hao không cao.
Ngoài khả năng kiểm soát rất bài bản sản xuất, ông Hùng cũng chứng tỏ tài năng và tâm huyết trong khâu quản trị doanh nghiệp. Nhựa Đông Á đã vạch ra những tôn chỉ rất cụ thể là “Lấy khoa học - kỹ thuật làm nền tảng. Lấy quản lý để mưu cầu hiệu quả. Lấy chất lượng để mưu cầu sinh tồn. Lấy uy tín để mưu cầu phát triển”. Toàn bộ Công ty, từ Ban lãnh đạo đến người lao động đều phải ghi nhớ điều này để làm mục tiêu hướng tới cho mọi hành động, việc làm.