Y tế Việt Mỹ (AMV) còn lại gì sau khi cổ đông chiến lược thoái vốn?

(ĐTCK) Sau 2 năm 2017 và 2018 liên tục tăng trưởng, năm 2019, đà tăng trưởng kinh doanh của  CTCP Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) bắt đầu chậm lại. Hiện trạng AMV đặt ra câu hỏi về mục tiêu của nhóm cổ đông chiến lược “1 năm” là gì.

Kết thúc năm 2019, AMV ghi nhận doanh thu 517,8 tỷ đồng, lợi nhuận 219 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,86% và 1,79% so với năm 2018. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của năm 2018 là 527,33% và 460,47%, thì rõ ràng mức tăng của năm 2019 là rất khiêm tốn. Trong năm 2019, AMV mới hoàn thành 69% và 89,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.

Y tế Việt Mỹ (AMV) còn lại gì sau khi cổ đông chiến lược thoái vốn? ảnh 1

AMV là công ty thương mại, chủ yếu kinh doanh dược phẩm, mua bán trang thiết bị y tế, dụng cụ và hoá chất xét nghiệm y tế.

Trong 5 năm trở lại đây, AMV thực hiện tăng vốn 2 lần, lần 1 năm 2017 và lần 2 năm 2019, hiện vốn điều lệ Công ty là 379,6 tỷ đồng.

Trong lần tăng vốn 2017, AMV tăng thêm 250 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 271,2 tỷ đồng. Ðáng chú ý, trong đợt tăng vốn này, AMV phát hành 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 cổ đông, với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Sau phát hành, 5 cổ đông chiến lược nắm giữ tổng cộng 92,98% vốn của AMV.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm có thể chuyển nhượng, nhóm cổ đông lớn này đã liên tục bán ra cổ phiếu.

Cụ thể, từ đầu năm 2019 tới nay, các cổ đông lớn bán ra 8,3 triệu cổ phiếu, tính tổng cộng là bán ròng 4 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,6% vốn điều lệ Công ty.

Không còn ai trong 5 cổ đông chiến lược còn sở hữu 5% vốn AMV.   

Tính đến ngày 31/12/2019, không còn ai trong số này là cổ đông sở hữu trên 5% vốn AMV. Ước tính với giá mua là 10.000 đồng/cổ phiếu và giá bán trên vùng 21.000 đồng/cổ phiếu, nhóm cổ đông này đã lời tối thiểu 110% chỉ trong hơn 2,5 năm nắm giữ cổ phiếu AMV.

Sau khi cổ đông lớn bán ra cổ phiếu, Chủ tịch HÐQT AMV Ðặng Nhị Nương cùng con gái đăng ký mua vào tổng cộng 3,9 triệu cổ phiếu.

Theo đó, giá cổ phiếu AMV đã tăng 14,1% từ vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu lên mức 19.400 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm mạnh trở lại mức 13.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 16/3) cùng với đà giảm sâu của thị trường trước thông tin về dịch bệnh Covid-19.

Chỉ với lần tăng vốn năm 2017, khoản phải thu của AMV tăng tới 359,2 tỷ, lên 366,3 tỷ đồng, chiếm 88,2% tổng tài sản, các hạng mục khác chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Tính tới 31/12/2019, AMV có tổng cộng 834,1 tỷ đồng tài sản, trong đó có 365 tỷ đồng khoản phải thu khác dài hạn (chiếm tỷ trọng  43,8%); 278,3 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang (33,4%); 67,6 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn (8,1%); trong khi lượng tiền mặt chỉ vỏn vẹn 10,6 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo quý IV/2019, AMV ghi nhận khoản ủy thác đầu tư cho Quỹ Bông Sen 365 tỷ đồng, trong khi không thuyết minh chi phí xây dựng dở dang.

Tuy nhiên, trong báo cáo 6 tháng/2019, AMV ghi nhận chi phí xây dựng dở dang là 211,7 tỷ đồng, chủ yếu tại các dự án xây dựng trung tâm xét nghiệm, bệnh viện đa khoa tại tỉnh Phú Thọ.

Ðiều này cho thấy sự không nhất quán giữa các báo cáo tài chính của AMV, đặc biệt là khoản phải thu dài hạn chiếm tới 43,8% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Với nhà đầu tư bên ngoài, rất khó để theo dõi và kiểm soát các khoản mục này.

Những vấn đề trên cùng với việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược với giá rẻ, thời gian hạn chế giao dịch ngắn, để từ đó nhóm cổ đông này dễ dàng “thoát hàng” sẽ là một chủ đề nóng mà một số nhà đầu tư đang chờ cơ hội để đưa ra tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông, cùng với định hướng kinh doanh 2020 của doanh nghiệp này.

Tin bài liên quan