Xuất hiện những khoản lỗ quý IV/2018 của doanh nghiệp

Xuất hiện những khoản lỗ quý IV/2018 của doanh nghiệp

Mùa báo cáo tài chính quý IV đã đi gần hết chặng đường. Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, thì cũng có không ít doanh nghiệp ngậm ngùi báo lỗ.
Doanh nghiệp ngành thép “rủ nhau” báo lỗ
Niên độ tài chính 2017 - 2018 là năm khá ảm đạm với CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - HoSE) của ông Lê Phước Vũ. Trong quý IV/2018, Hoa Sen ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng. Tính lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Hoa Sen đạt 34.441 tỷ đồng (tăng 32%), đạt 115% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen trong niên độ này lại sụt giảm gần 70%, chỉ đạt 409 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch.

Bên cạnh những khó khăn chung của ngành do ảnh hưởng nghiêm trọng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung, dư nợ vay cao ngất ngưỡng (chiếm gần 70% vốn, với hơn 14.300 tỷ đồng), cùng gánh nặng hàng tồn kho cũng là yếu tố bào mòn lãi của doanh nghiệp này. Báo cáo tài chính kiểm toán của Hoa Sen cho thấy, chi phí lãi vay năm 2018 của Công ty là gần 812 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước đó.

Lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen trong niên độ 2017 - 2018 sụt giảm gần 70%, chỉ đạt 409 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch.   

Một doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng có kết quả kinh doanh “đáng quên” trong năm 2018 là CTCP Thép Việt Ý (mã VIS - HoSE). Tiếp đà lỗ liên tiếp của 2 quý liền kề trước đó, Thép Việt Ý tiếp tục báo lỗ gần 196 tỷ đồng trong quý IV/2018. Cụ thể, doanh thu quý IV/2018 đạt 1.372 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí giá vốn bỏ ra cao hơn cả doanh thu, đến 1.523 tỷ đồng, nên thép Việt Ý đã lỗ gần 151 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Một điểm nữa là trong quý IV, Thép Việt Ý phải ghi nhận khoản lỗ khác hơn 8 tỷ đồng do phải chịu một số khoản phạt hủy hợp đồng.

Tính chung cả năm 2018, doanh thu thuần của Thép Việt Ý đạt 5.229 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2017 và mới hoàn thành 74% kế hoạch năm, lỗ lũy kế cả năm lên tới 326 tỷ đồng, trong khi năm 2017 lãi gần 43,5 tỷ đồng.

Giải trình kết quả trên, Thép Việt Ý chỉ ra nguyên nhân một phần do chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu của Chính phủ, phần nữa do thị trường biến động mạnh, nhất là thị trường sản xuất phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của Công ty giảm mạnh.

Cũng với lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ, CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS - HoSE) cũng bất ngờ báo lỗ trong quý IV/2018 sau 13 quý có lãi.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất Gang thép Thái Nguyên, mặc dù doanh thu thuần quý IV/2018 ghi nhận mức tăng 7%, đạt 2.703 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ, nhưng chi phí tài chính của TIS tăng 24%, lợi nhuận khác giảm mạnh 88% so với cùng kỳ, khiến Gang thép Thái Nguyên lỗ 21 tỷ đồng trước thuế.

Lũy kế cả năm 2018, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm tới 71%, còn 35 tỷ đồng.

Những khoản lỗ bất ngờ của dầu khí

Chịu nhiều tác động từ thị trường chung, một số doanh nghiệp nhóm ngành dầu khí cũng báo lỗ trong quý IV/2018.

“Chấn động” nhất trong đó phải kể đến CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR - UPCoM). Kinh doanh dưới giá vốn khi giá vốn hàng bán lên đến 30.069 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần gần 29.238 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, BSR báo lỗ lên đến 1.010 tỷ đồng.

Con số lỗ này gây bất ngờ, bởi quý liền kề trước đó, kết quả kinh doanh lãi hơn 1.200 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2018, BSR đạt doanh thu hơn 111.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.630 tỷ đồng.

Theo lý giải từ BSR, trong quý IV/2018, thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường. Sự biến động giá dầu thô gây bất lợi cho tất cả các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới, kể cả những đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu.

Cùng nguyên nhân kinh doanh dưới giá vốn, CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (mã PVB - HNX) cũng ghi nhận lỗ trong quý IV/2018. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý IV/2018 của PVB đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 64% so với năm trước. Tuy vậy, giá vốn hàng bán tăng 10%, lên 29,4 tỷ đồng, khiến Công ty lỗ gộp 14,6 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí quản lý giảm 90%, xuống còn 1,9 tỷ đồng, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không phát sinh, nhưng do lợi nhuận khác giảm tới 93%, xuống còn 5,3 tỷ đồng do không còn hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình, nên PVB lỗ 7 tỷ đồng trong quý IV/2018.

Khoản lỗ này kéo lợi nhuận cả năm 2018 của PVB xuống còn 23,1 tỷ đồng, không hoàn thành mục tiêu lãi sau thuế 28 tỷ đồng trong năm 2018, dù rằng, trong 3 quý trước đó, Công ty đã vượt mục tiêu lợi nhuận.

Tin bài liên quan