Xi măng La Hiên: Cổ đông chất vấn chuyện nội bộ

Xi măng La Hiên: Cổ đông chất vấn chuyện nội bộ

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2018 vừa diễn ra của Công ty cổ phần (CTCP) Xi măng La Hiên đã hé lộ nhiều thông tin quanh hoạt động đại lý, đấu thầu, mua sắm của doanh nghiệp và khiến cổ đông khó yên lòng.

Tỷ suất sinh lời giảm vì sao?

Phần thảo luận của Đại hội kéo dài hơn 2 giờ với nhiều chất vấn của cổ đông xung quanh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. CTCP Xi măng La Hiên có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 51% do Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc nắm giữ.

Theo Báo cáo tài chính, năm 2018, Công ty Xi măng La Hiên (mã CLH -  sàn HNX) đạt doanh thu 720 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2017; lợi nhuận gộp đạt 87,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 89,7 tỷ đồng năm 2017. Nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh, chỉ còn 11 tỷ đồng nên đến hết năm, Xi măng La Hiên đạt 31,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11% so với năm 2017. Tỷ lệ cổ tức đưa ra tại Đại hội là 17%.

Năm 2019, Xi Măng La Hiên đặt kế hoạch doanh thu 720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 35 tỷ đồng, trả cổ tức 12%.

Theo các cổ đông, năm 2018 là năm thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành xi măng, nhiều doanh nghiệp chạy vượt công suất, xuất khẩu xi măng đạt kỷ lục với 31,65 triệu tấn, tăng 55% so với năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cũng vượt qua con số 1 tỷ USD khiến cho áp lực cạnh tranh trong nước giảm, hàng loạt doanh nghiệp ngành xi măng báo lãi tăng đột biến so với năm 2017.

Tỷ suất sinh lợi của doanh nghiệp trong ngành cải thiện đáng kể như biên lợi nhuận hoạt động (EBIT margin) của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 tăng từ 10,7% lên 12,8%. CTCP Xi măng Bỉm Sơn tăng 2,7% lên 5,6%... Nhờ đó mà lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng mạnh so với năm 2017.

Trong khi đó, Xi măng La Hiên đạt sản lượng tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay với hơn 806 nghìn tấn, nhà máy hoạt động tối đa công suất, hàng tồn kho luôn ở mức rất thấp (14,5 tỷ đồng), nhưng biên lợi nhuận năm 2018 lại giảm sút. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,8% xuống còn 12,1%; biên lợi nhuận hoạt động (EBIT margin) giảm từ 8,1% xuống còn 6,9%. Việc biên lợi nhuận giảm, đi ngược xu thế chung khiến cho một nhóm cổ đông Công ty bức xúc.

Có cổ đông nêu ý kiến đề nghị Công ty giải trình về chi phí nguyên vật liệu/đơn vị sản lượng tiêu thụ tăng 5%; chi phí mua ngoài 15,6 tỷ đồng (gấp đôi năm 2017) và chi phí bao bì tăng mạnh.

Cổ đông cũng yêu cầu giải trình về sự khác biệt số lượng lao động của Công ty so với các công ty xi măng khác có cùng công suất trên địa bàn. Chẳng hạn, CTCP Xi măng Quán Triều có công suất và sản lượng xấp xỉ Xi măng La Hiên có 367 lao động, CTCP Xi măng Quang Sơn có công suất gấp đôi Xi măng La Hiên có 426 lao động. Trong khi Xi măng La Hiên có số lao động định mức dùng để tính toán quỹ lương năm 2018 là 700 người và số lượng lao động thực tế vào cuối năm 2018 là 609 người. Cổ đông yêu cầu Công ty nâng cao năng suất lao động và đặt ra chỉ tiêu cụ thể trong năm 2019 về kết quả tái cơ cấu lao động. 

Đại lý “người nhà” chậm thanh toán công nợ: Cổ đông đòi xem chứng từ

Được biết, trước ngày Đại hội, nhóm cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ Công ty đã gửi văn bản yêu cầu bổ sung vào chương trình Đại hội nội dung thảo luận tiến độ tái cơ cấu lao động, hiệu quả kinh doanh và hợp đồng giao dịch với các bên liên quan.

Phần giải trình của Công ty liên quan đến các hợp đồng lớn và giao dịch với bên liên quan tới một số cá nhân trong HĐQT và Ban giám đốc thu hút nhiều chất vấn của cổ đông. Trong danh sách 54 hợp đồng được Công ty công bố, chỉ có 8 hợp đồng được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi, còn đại đa số được thực hiện theo hình thức “chào giá rộng rãi” và “chào giá rút gọn”, thậm chí nhiều hợp đồng lớn được thực hiện theo phương thức “theo giá nhà nước”.

Tại Đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dũng cho biết, Công ty thực hiện chào giá rộng rãi với các gói thầu trên 2 tỷ đồng, chào giá rút gọn với các gói thầu dưới 2 tỷ đồng… Phương thức “chào giá rộng rãi”, Công ty đăng tải thông tin trên Tạp chí Than Khoáng sản của Vinacomin, phương thức “chào giá rút gọn” thì quy định không yêu cầu.

Đáng chú ý, Xi măng La Hiên có 2 hợp đồng mua clinker ký với bên liên quan là CTCP Xi măng Quán Triều (9,9 tỷ đồng) và CTCP Xi măng Tân Quang (3,9 tỷ đồng). Có 2 hợp đồng mua vỏ bao xi măng được Công ty ký kết với CTCP Sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI, giá trị tổng cộng hơn 67 tỷ đồng đều theo hình thức chào giá. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dũng cho biết, chi phí vỏ bao chiếm khoảng 11,5% tổng giá vốn, giá vỏ bao trước thuế là 5.100 đồng/vỏ.

Ngoài ra, Xi măng La Hiên có giao dịch với 2 đơn vị - bên liên quan tới Kế toán trưởng Lê Thị Thu Hiền gồm Công ty TNHH Thảo Quỳnh Anh và Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh Dịch vụ Hoàng Thịnh Phát. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dũng cho biết, đây là 2 đại lý lâu năm của Xi măng La Hiên, tổng sản lượng bán hàng trong năm 2018 cho Công ty là trên 45.000 tấn.

Trước các chất vấn của cổ đông, ông Dũng thừa nhận có thời điểm dư nợ tại Thảo Quỳnh Anh và Hoàng Thịnh Phát không đảm bảo, công nợ ở đại lý này vượt quá hạn mức trong quy chế do HĐQT ban hành.

Năm 2018, Xi măng La Hiên ghi nhận khoản thu gần 550 tỷ đồng tiền từ đi vay và trả nợ tới 619 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2018, Công ty đang phải vay ngắn hạn 64 tỷ đồng và 30 tỷ đồng dài hạn, chưa kể các khoản vay giá trị trên 29 tỷ đồng từ các cá nhân.

Trong khi Xi măng La Hiên vẫn phải đi vay và trả lãi vay để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, 2 đơn vị có liên quan đến Kế toán trưởng lại chậm thanh toán công nợ. Nhóm cổ đông yêu cầu Công ty cung cấp văn bản các hợp đồng đã ký với bên liên quan trong năm 2018, nhất là hợp đồng với Công ty Hoàng Thịnh Phát và Công ty Thảo Quỳnh Anh trong vòng 15 ngày tính từ ngày họp Đại hội. Chủ tịch đoàn cho biết sẽ gửi cho cổ đông sau Đại hội.

Chỉ có quy định về chào hàng cạnh tranh, không có chào giá cạnh tranh

Luật sư Nguyễn Hồng Chuyên, Công ty Luật Davilaw

Luật Đấu thầu chỉ có quy định về chào hàng cạnh tranh, không có chào giá cạnh tranh. Theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư 58/2016/TT-BTC hướng dẫn Luật Đấu thầu, có chào hàng cạnh tranh thông thường và chào hàng cạnh tranh rút gọn. Với các hàng hóa là dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị từ 100 - 200 triệu đồng chỉ cần có văn bản yêu cầu chào giá gửi cho 3 nhà thầu, có thể đăng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (không bắt buộc).

Với gói thầu trên 200 triệu đồng thì thực hiện như hình thức đấu thầu với đầy đủ các bước lập hồ sơ yêu cầu, thẩm định hồ sơ yêu cầu, thông báo mời thầu, đóng mở thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng...  nhưng với thời gian ngắn hơn.

Theo quy định tại Nghị định 63, với các hợp đồng có quy mô nhỏ, cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng thì thực hiện đấu thầu theo hình thức 1 giai đoạn, 1 túi hồ sơ. Với các gói thầu có quy mô lớn hơn mức này thì thực hiện đấu thầu với hình thức 2 túi hồ sơ.  

Tin bài liên quan