Tổng công ty Giấy Việt Nam đang "dậm chân tại chỗ" trong việc thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp.

Tổng công ty Giấy Việt Nam đang "dậm chân tại chỗ" trong việc thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp.

Vướng “sao quả tạ”, tái cơ cấu Tổng công ty Giấy lại lỡ hẹn

(ĐTCK) Việc bán đấu giá Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam chưa thể hoàn thành, cùng hàng loạt vấn đề tồn đọng về cổ phần hóa và thoái vốn nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm chậm tiến độ tái cơ cấu của Tổng công ty Giấy Việt Nam. 

Là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương nằm trong danh sách phải bán toàn bộ tài sản và hàng tồn kho để thu hồi vốn, trước đó, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã qua 2 lần gia hạn bán đấu giá với 2 phiên đấu giá công khai trong năm 2017 nhưng vẫn “ế nặng”, do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.

Để đẩy nhanh việc xử lý Dự án, vào tháng 2/2018, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định 61/2017/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản dự án.

Theo đó, khi đấu giá không thành công sẽ cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục đấu giá, tối đa không quá 2 lần giảm giá. Nếu vẫn không bán được, đề nghị cho phép Tổng công ty định giá từng phần dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá, báo cáo Chính phủ. 

Trong báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Giấy khẳng định, hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm mua dự án, song vấn đề đặt ra là hồ sơ đấu giá được phê duyệt đã hết hiệu lực pháp luật.

“Tổng công ty báo cáo và Bộ Công thương đã chỉ đạo các thủ tục xử lý theo quy định hiện hành. Chúng tôi đang triển khai công tác đấu giá để lựa chọn nhà thầu thẩm định lại giá trị tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, từ đó tiếp tục đấu giá theo quy định”, đại diện Hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là Ban lãnh đạo Tổng công ty phải thừa nhận, dù có tiến hành thẩm định lại giá trị của Dự án thì cũng chưa có gì đảm bảo việc đấu giá sẽ thành công. Theo đó, việc xử lý Dự án “sao quả tạ” này nhiều khả năng sẽ kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt nam.

Đánh giá về việc xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, mọi việc vẫn đang trong lộ trình, song chắc chắn sẽ còn rất khó khăn do Chính phủ cương quyết xử lý theo hướng thị trường.

“Không loại trừ trường hợp dự án không bán được, không khởi động lại được nên phải chấp nhận phá sản hoặc chuyển sang hình thức khác”, ông Tiến nhận định.

Không chỉ bế tắc tại Dự án Bột giấy Phương Nam, việc gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý khi triển khai cổ phần hóa các đơn vị hạch toán phụ thuộc cũng đang có nguy cơ khiến Tổng công ty Giấy phải dừng việc triển khai cổ phần hóa 3 đơn vị còn lại là Công ty Giấy Tissue Sông Đuống, Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu gỗ dăm mảnh và Công ty Thiết kế lâm nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam cùng công ty con là Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam đang chậm tiến độ, không thể triển khai trong năm 2018 như kế hoạch Chính phủ giao.

Chưa hết, Tổng công ty Giấy vẫn đang “dậm chân tại chỗ” trong việc thoái vốn tại các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Công ty cổ phần Giấy BBP.

Theo số liệu báo cáo của Tổng công ty Giấy, tính đến thời điểm hiện nay, các khoản nợ khó đòi tại Chi nhánh Hà Nội là 21.884.550.639 đồng. Nợ khó đòi của Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu gỗ dăm mảnh là 13.384.398.680 đồng, nợ khó đòi tại Chi nhánh TP.HCM là 1.455.022.722 đồng, khách hàng nợ đã bỏ trốn và không có tài sản để thi hành án.     

Cụ thể, tương tự Dự án Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty đã 2 lần đấu giá bán vốn tại Tập đoàn Tân Mai nhưng không thành công, dù đã giảm giá 10% đối với số cổ phần còn lại. Nguyên nhân là không có nhà đầu tư nào nộp đơn đăng ký mua cổ phần trong suốt quá trình công bố thông tin chào bán.

Phương án xử lý mới nhất được đề xuất là sẽ đưa Tập đoàn Tân Mai lên sàn UPCoM để thực hiện thoái vốn theo quy định, với mục tiêu hoàn thành bán thoái vốn trong giai đoạn 2019 - 2021.

Đối với khoản vốn góp 52 tỷ đồng của Tổng công ty Giấy vào Công ty Giấy BBP, tình hình cũng “bi đát" khi lỗ lũy kế của Giấy BBP tính tới cuối năm 2014 là 218 tỷ đồng, mất tới 96,54% vốn chủ sở hữu. Năm 2015, đơn vị này lỗ tiếp 45 tỷ đồng và đã dừng sản xuất do gặp nhiều khó khăn.

Dễ nhận thấy, việc Tổng công ty Giấy đưa khoản vốn này vào diện thoái vốn trong giai đoạn 2020 - 2021 thông qua việc phối hợp với các cổ đông của Giấy BBP tìm phương án đưa nhà máy hoạt động trở lại là một biện pháp cực chẳng đã, bởi hầu như khó có khả năng lấy lại được vốn.  

Tin bài liên quan