VTC Digicom khó thoát nghĩa vụ bảo lãnh cho VTC Digilink

VTC Digicom khó thoát nghĩa vụ bảo lãnh cho VTC Digilink

(ĐTCK) Sau hơn 7 năm chia tách doanh nghiệp, Công ty TNHH Một thành viên Viễn thông số VTC (viết tắt là VTC Digicom) vẫn đứng trước nghĩa vụ trả nợ thay cho VTC Digilink. 

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2013, Công ty cổ phần Dịch vụ kết nối số VTC (viết tắt là VTC Digilink) ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng VPBank Chi nhánh Ðông Ðô vay số tiền 3 tỷ đồng. Mục đích vay là để thanh toán tiền mua hệ thống IPTV cho VTC Digicom.

Thời hạn vay 48 tháng, lãi suất trong hạn 15%/năm, thay đổi định kỳ 3 tháng/lần.

Ngân hàng nhận thế chấp toàn bộ hệ thống IPTV làm tài sản đảm bảo, ngoài ra, còn có giấy bảo lãnh của VTC Digicom.

Trong quá trình vay vốn, VTC Digilink mới thanh toán được nợ gốc là 1,4 tỷ đồng và lãi 656 triệu đồng. Ðến năm 2019, Ngân hàng đã chuyển toàn bộ khoản vay sang quá hạn, chấm dứt hợp đồng tín dụng và khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng, yêu cầu VTC Digilink phải trả số tiền 3,1 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc và lãi.

Mặc dù tòa án đã thông báo, triệu tập nhưng bị đơn là VTC Digilink liên tục vắng mặt. Ngân hàng cũng yêu cầu VTC Digicom thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với khoản vay này.

VTC Digicom cho biết, vào năm 2012, Công ty đã ký hợp đồng nhượng bán hệ thống truyền hình IPTV cho VTC Digilink. VTC Digicom đã xuất hóa đơn VAT giá trị 12,1 tỷ đồng.

Sau khi ngân hàng có yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho VTC Digilink, VTC Digicom mới biết thông tin ông Nguyễn Hoàng P. - nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là đại diện theo pháp luật của Công ty có thể đã ký giấy bảo lãnh để bảo đảm khoản vay cho VTC Digilink.

Ðiều lệ của Công ty quy định, Hội đồng thành viên quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng mua bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị dưới 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất.

Tuy nhiên, ông P. ký giấy bảo lãnh không thông qua Hội đồng thành viên hay chủ sở hữu là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.

Sau khi ký, ông P. cũng không thông báo lại cho Hội đồng thành viên và chủ sở hữu. Như vậy, giấy bảo lãnh vượt quá phạm vi đại diện được quy định tại điều lệ Công ty.

Công ty khẳng định, giấy bảo lãnh không phát sinh quyền và nghĩa vụ nên không có nghĩa vụ phải trả nợ thay.

VTC Digicom cũng cho rằng, biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 20/7/2012 có thể là giả mạo. Ngày 27/8/2019, Viện Khoa học hình sự Bộ công an đã kết luận chữ ký của ông Trần Trung H. trong biên bản họp Hội đồng thành viên không phải do cùng một người ký ra.

Tòa án đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp báo cáo tài chính để xem xét giá trị pháp lý của biên bản họp Hội đồng thành viên nhưng Công ty lại từ chối cung cấp.

Do đó, năm 2019, cấp sơ thẩm đã tuyên buộc VTC Digilink phải thanh toán cho ngân hàng số tiền 2,7 tỷ đồng.

Trường hợp bị đơn không thanh toán hoặc thanh toán không đủ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Nếu tài sản thế chấp không còn hoặc không đủ giá trị thì VTC Digicom phải có nghĩa vụ trả nợ thay theo giấy bảo lãnh đến khi hết nợ.

VTC Digicom đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm là Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. Mới đây, khi giải quyết phúc thẩm, tòa án cho rằng, giấy bảo lãnh thể hiện VTC Digicom phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được thông báo của ngân hàng. Quá thời hạn này, Công ty đồng ý và ghi nhận toàn bộ khoản nợ.

Ngân hàng nhiều lần có văn bản yêu cầu 2 công ty trả nợ và thực hiện nghĩa vụ. VTC Digicom cũng có văn bản trả lời: “Tại thời điểm phát hành bảo lãnh, VTC Digicom là cổ đông sở hữu 51% cổ phần tại VTC Digilink… Kể từ ngày 1/9/2013, VTC Digicom không còn liên quan đến mọi nghĩa vụ của VTC Digilink”. Giấy bảo lãnh được lập và ký kết năm 2012 nhưng cuối năm 2013, VTC Digilink mới tách ra khỏi VTC Digicom. Do đó, VTC Digicom phải biết rõ việc bảo lãnh này.

Tòa án cũng xác định, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc người đại diện của mình phát hành thư bảo lãnh.

Mặt khác, ngân hàng cũng xuất trình tài liệu thể hiện khoản vay 3 tỷ đồng được chuyển về tài khoản của bên bán (là VTC Digicom) nên không thể có việc lãnh đạo Công ty không biết việc này. Do đó, tòa bác đơn kháng cáo của VTC Digicom.

Ðiều này đồng nghĩa với việc Công ty có thể phải gánh nợ thay cho VTC Digilink.       

Tin bài liên quan