Kế hoạch kinh doanh 2017 của VSH chưa được đại hội đồng cổ đông thông qua

Kế hoạch kinh doanh 2017 của VSH chưa được đại hội đồng cổ đông thông qua

VSH: Thách thức tìm sự hợp tác của các cổ đông lớn

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) đã bất thành khi hầu hết các tờ trình đều có tỷ lệ thông qua rất thấp và Nghị quyết Đại hội bị phủ quyết. Điều này đang ít nhiều gây khó khăn cho các thành viên Ban điều hành.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSH cho biết, do Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 26/5 chưa đạt tỷ lệ cổ đông thông qua nên Công ty sẽ phải tổ chức đại hội bất thường vào tháng 7 tới, để thống nhất các vấn đề, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc bầu thành viên Hội đồng quản trị độc lập, vì mục tiêu chung là sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực tế, tại đại hội đồng cổ đông thường niên mấy năm gần đây của VSH, Ban lãnh đạo không tìm được tiếng nói chung với các cổ đông lớn trong nhiều vấn đề, từ việc đàm phán giá điện đến đầu tư vào các dự án lớn…

Trở lại với đại hội đồng cổ đông năm nay của VHS, ông Phan Hồng Quân đã có đơn từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập, với mong muốn Hội đồng quản trị bổ sung thành viên khác có kinh nghiệm về kỹ thuật, quản lý dự án, giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định của Hội đồng quản trị, thúc đẩy tiến độ dự án Thượng Kon Tum.

Sau khi ông Quân từ nhiệm, cổ đông lớn của VSH là Genco 3 (nắm 30,55% vốn điều lệ) đã đề cử ông Vương Thái Hòa vào vị trí này. Trong khi đó, cổ đông Perfectto (đang sở hữu 14,18%) lại đề cử ông Quách Vĩnh Bình, hiện đang là Phó giám đốc CTCP Cơ Điện Lạnh - REE (REE hiện đang nắm 21% cổ phần tại VSH).

Đại hội đồng cổ đông không thống nhất được trong việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và vì vậy, VSH đã không tiến hành bầu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.

Kết quả kinh doanh năm 2016 và kế hoạch năm 2017 cũng không nhận được tiếng nói chung từ phía cổ đông. Vì sao lại như vậy?

Liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2017, Hội đồng quản trị VSH dự kiến sản lượng điện sản xuất 739 triệu Kwh, điện thương phẩm 730 triệu Kwh; doanh thu 538 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 264 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với năm 2016; cổ tức duy trì mức 10%. Kế hoạch này chỉ nhận được sự đồng ý của 39,47% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự Đại hội.

Tỷ lệ cổ đông đồng ý cũng tương tự khi Công ty xin thông qua kết quả sản xuất năm 2016 với các chỉ tiêu như sản xuất điện đạt 679,35 triệu Kwh, tổng doanh thu 502 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 258 tỷ đồng và cổ tức 10%. Cổ đông của VSH cũng không thông qua mức chi trả thù lao Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát năm 2016 và 2017 với số tiền là 1,632 tỷ đồng.

Lãnh đạo VSH cho biết, tỷ lệ thông qua chỉ đạt gần 40% là do các cổ đông lớn không đồng thuận nên không bỏ phiếu tán thành. Tại Đại hội, một số cổ đông của Công ty thắc mắc về giá bán điện bình quân 2016 thấp và kế hoạch chào giá thị trường điện; đồng thời đề xuất tăng cổ tức lên trên 10% do nhà máy Vĩnh Sơn và Sông Hinh đã hết khấu hao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VSH, giá điện Công ty đã đàm phán xong với EVN nên việc thay đổi là rất khó.

Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum đã phát sinh nhiều vấn đề, do vướng vào vụ kiện giữa VSH và liên doanh nhà thầu Trung Quốc. Lãnh đạo VSH cho biết, vụ kiện đang được đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và phải chờ thêm một thời gian nữa mới có kết luận cuối cùng về bên thắng, bên thua.

Theo cổ đông Genco 3, dự án thủy điện Thượng Kon Tum với thiết kế đường hầm ngầm trong núi trên 17 km thuộc loại dài nhất Đông Nam Á, thi công trong điều kiện địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, địa chất không lường trước được.

Hạng mục chính của công trình là tuyến năng lượng do nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu thấp, nhưng không đủ năng lực thi công, dẫn đến việc bỏ công trình, nhưng máy đào hầm TBM vẫn trong hầm, gây ách dự án từ năm 2012 - 2014.

Do vậy, việc tái khởi động dự án từ cuối năm 2015 là nỗ lực của Công ty với sự hỗ trợ của EVN và các cổ đông lớn khác. Tuy nhiên, Ban điều hành cần nỗ lực bám sát mục tiêu chất lượng lớn nhất là tích nước vào tháng 6 đến tháng 8 năm 2018, để chuẩn bị cho việc phát điện vào quý I, II/2019.

Tổng mức đầu tư cho dự án thủy điện Thượng Kon Tum của VSH đã tăng từ 5.744 tỷ đồng lên 7.407 tỷ đồng. Vì vậy, bài toán đặt ra với Ban điều hành là phải kiểm soát chặt chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí dự phòng.

Cổ đông đã đề nghị Hội đồng quản trị và Ban điều hành xem xét lại kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi phục vụ Dự án Thượng Kon Tum vì không còn cần thiết. Lý do là Công ty vẫn còn khoản 1.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng vào cuối năm 2016.        

Tin bài liên quan