Ông Nguyễn Sơn

Ông Nguyễn Sơn

VSD sẽ hợp sức xây sản phẩm phái sinh mới

(ĐTCK) Thành công của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam trong một năm qua đã chứng minh chủ trương đúng đắn của cơ quan quản lý, cũng như giá trị của tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường. Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) chia sẻ trong dịp tròn 1 năm khai trương sàn phái sinh Việt Nam. 

Xin ông cho biết kết quả đạt được sau 1 năm đi vào hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam?

Sau hơn một năm đi vào vận hành, TTCKPS đã và đang làm tăng tính hiệu quả, thu hút thêm vốn, tăng giá trị giao dịch và thanh khoản thị trường. Về thành viên, ban đầu khi mở cửa thị trường, có 7 công ty chứng khoán tham gia, đến nay đã có 9 công ty được cấp phép hoạt động kinh doanh và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh.

Tại thời điểm ngày 7/8/2018, đã có 40.062 tài khoản của nhà đầu tư được đăng ký trên hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của VSD, tăng gấp 13 lần so với ngày đầu khai trương thị trường. Số lượng hợp đồng mở lên đến 17.519 hợp đồng, tăng gấp 87 lần so với ngày đầu khai trương thị trường.

Từ ngày 10/8/2017 đến 7/8/2018, số mã hợp đồng đã giao dịch là 16 mã, trong đó có 12 mã đã đáo hạn, 4 mã đang giao dịch (VN30F1808, VN30F1809, VN30F1812, VN30F1903).

Tính đến 7/8/2018, tổng giá trị giao dịch trên TTCKPS đạt hơn 960.378 tỷ đồng; tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh là gần 1.972,6 tỷ đồng. Mặc dù tổng giá trị giao dịch tăng, nhưng tổng giá trị thanh toán lãi/lỗ bình quân hàng ngày của thị trường chỉ trên 8 tỷ đồng.

Điều này có được là do VSD thực hiện cơ chế bù trừ ròng đa phương trên các tài khoản, qua đó, giảm thiểu tối đa nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư và thành viên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức vận hành hoạt động của TTCKPS với sự tham gia, phối hợp giữa các đơn vị là VSD, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX),  các thành viên giao dịch, thành viên bù trừ và Ngân hàng thanh toán Vietinbank đã được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, giúp cho các hoạt động của thị trường diễn ra an toàn. Công tác quản lý rủi ro, nhất là rủi ro thanh toán đã được thực hiện tốt, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, an toàn.

Như vậy, sau khi TTCKPS ra đời, Việt Nam đã hình thành một thị trường tài chính có cấu trúc hoàn chỉnh, bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro, qua đó không chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng khả năng thu hút dòng vốn ngoại, khả năng nâng hạng thị trường, mà còn giúp thị trường tiếp cận và dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

TTCKPS có vai trò bổ trợ cho thị trường chứng khoán cơ sở. Theo ông, TTCKPS Việt Nam đã phát huy vai trò này như thế nào trong thời gian qua?

Theo quan điểm cá nhân tôi, TTCKPS được hình thành với mục tiêu chính là hoàn thiện cấu trúc thị trường, tạo thêm một kênh phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư tham gia thị trường cơ sở. Nói một cách cụ thể hơn là giảm thiểu những tác động bất lợi gây ra do sự biến động giá của các tài sản và công cụ trên thị trường.

Ngoài ra, chứng khoán phái sinh còn là công cụ đầu tư chênh lệch giá (arbitrage), giúp nhà đầu tư gia tăng cơ hội đầu tư. Sản phẩm của TTCKPS được xây dựng dựa trên sản phẩm của thị trường cơ sở và có mối quan hệ tương quan chặt chẽ với diễn biến của sản phẩm cơ sở đó, nhất là trong khoảng thời gian đáo hạn của sản phẩm khi mà giá thanh toán cuối cùng của sản phẩm phái sinh bằng với giá của sản phẩm cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng (đối với hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn) hoặc chênh lệch giữa giá của tài sản cơ sở và giá thực hiện (đối với hợp đồng quyền chọn)...

Theo đó, mối quan hệ tương tác và sự dịch chuyển nhu cầu đầu tư giữa hai thị trường là không thể phủ nhận.

Do vai trò phòng vệ rủi ro, đôi khi giá chứng khoán phái sinh ngược chiều so với giá chứng khoán trên thị trường cơ sở. Những diễn biến vừa qua của TTCKPS và thị trường chứng khoán cơ sở đã phần nào cho thấy điều đó.

Trong những tháng đầu năm, thị trường cơ sở có hai đợt giảm mạnh vào tháng 2 và tháng 4/2018, thì trên thị trường phái sinh đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh và có tính thanh khoản cao.

Điều này chứng tỏ tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2017 với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, TTCKPS đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã từng bước thể hiện được vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, bên cạnh hoạt động giao dịch vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán cơ sở biến động.

Một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công của thị trường chứng khoán phái sinh là quản lý tốt rủi ro thanh toán. Trong vai trò của tổ chức bù trừ trung tâm, VSD đã thực hiện việc này như thế nào?

Do đặc thù của sản phẩm phái sinh có thời hạn dài, việc theo dõi, giám sát, quản lý nghĩa vụ thanh toán hàng ngày của nhà đầu tư, thành viên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cuối cùng khi hợp đồng phái sinh đến hạn thanh toán là rất phức tạp, đòi hỏi cần có cơ chế quản lý rủi ro thanh toán hiệu quả, nhằm đảm bảo hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh được thông suốt, an toàn.

Trong vai trò là đối tác bù trừ thanh toán trung tâm cho TTCKPS, công tác giám sát, quản lý rủi ro luôn được VSD đặt lên hàng đầu, trong đó bao gồm giám sát tuân thủ và giám sát rủi ro.

Để hoàn thành tốt công tác giám sát tuân thủ, hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh của thành viên bù trừ, trên cơ sở bám sát yêu cầu của các văn bản pháp lý và thực tiễn hoạt động, VSD đã xây dựng các quy trình, quy chế hướng dẫn thành viên bù trừ thực hiện hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh với các quy trình thực hiện minh bạch, rõ ràng; cũng như đã xây dựng được cơ chế phòng ngừa rủi ro với nhiều lớp phòng vệ theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

VSD đã xây dựng thành công hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc thù pháp lý của Việt Nam cũng như trên quan điểm phát triển từng bước thận trọng, hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh, nhất là rủi ro mất khả năng thanh toán thông qua thiết lập cơ chế thực hiện giám sát rủi ro về tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ và giới hạn vị thế theo thời gian thực.

Bên cạnh đó, trong hoạt động hàng ngày, VSD luôn bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời phát hiện các tài khoản vi phạm về tỷ lệ ký quỹ, từ đó kịp thời phối hợp với HNX và hướng dẫn các thành viên bù trừ liên quan để các thành viên này khắc phục vi phạm ngay trong ngày, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) theo quy định; đồng thời điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ phù hợp với biến động của TTCKPS theo từng thời kỳ.

VSD cũng phối hợp với UBCK kiểm tra định kỳ hoặc bất thường đối với các đối tượng giám sát thuộc phạm vi quản lý của mình; xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm, báo cáo UBCK xử lý theo quy định pháp luật trong trường hợp vượt quá thẩm quyền; lập và gửi UBCK báo cáo giám sát định kỳ, bất thường, theo yêu cầu và báo cáo phục vụ công tác giám sát. Thông qua các cơ chế giám sát trên, sau một năm vận hành, hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh luôn được thực hiện an toàn, thông suốt và hiệu quả.

Để phát triển TTCKPS trong thời gian tới, xin ông cho biết các giải pháp nào sẽ được thực thi?  

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển mới với mục tiêu xây dựng TTCKPS an toàn, bền vững theo kế hoạch của cơ quan quản lý, VSD xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được VSD phối hợp với các bên liên quan thực hiện trong thời gian tới, trên cơ sở thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, bám sát lộ trình phát triển thị trường theo Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, việc xây dựng và phát triển thị trường sẽ thực hiện theo lộ trình phát triển sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý và giám sát các rủi ro trên thị trường.

Để thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới, ngoài sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số hiện có, sẽ có thêm các sản phẩm mới là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, hợp đồng tương lai chỉ số mới, hợp đồng quyền chọn dựa trên các sản phẩm chứng khoán cơ sở được nghiên cứu đưa vào triển khai nhằm đa dạng hoá sản phẩm đầu tư trên thị trường. 

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng cho việc triển khai các sản phẩm mới khi đưa vào giao dịch trên thị trường; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi thao túng giá hoặc có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán cho thị trường, đảm bảo sự phát triển ổn định và vững mạnh của thị trường.

Thứ ba, phát triển cơ sở nhà đầu tư cân bằng hơn theo hướng khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức, nhất là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; đồng thời, nâng cao yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm của nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường thông qua việc bổ sung tăng cường các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ có kết hợp giữa lý thuyết với thực hành như nhiều thị trường đã áp dụng.

Thứ tư, tăng cường đầu tư nguồn lực về kỹ thuật và nhân lực các cấp, từ cơ quan tổ chức vận hành đến khối thành viên, để nâng cao năng lực và hiệu quả xử lý công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp và tự động hoá ngày càng cao cũng như giảm thiểu rủi ro trong khâu tổ chức vận hành thị trường.

Theo tôi, thành công của TTCKPS Việt Nam trong một năm qua đã chứng minh chủ trương đúng đắn của cơ quan quản lý cũng như giá trị của tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo, với mục tiêu xây dựng một thị trường tăng trưởng an toàn, bền vững, dựa trên khởi đầu tốt đẹp của thị trường, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ này.

Tin bài liên quan