Vinataba: Lợi nhuận đột biến, nên mừng hay lo?

Vinataba: Lợi nhuận đột biến, nên mừng hay lo?

(ĐTCK) Quá trình tái cấu trúc đang đem lại cho Vinataba những kết quả tích cực. Tuy nhiên, khó khăn của mảng kinh doanh chính đang tạo sức ép không nhỏ lên bài toán tăng trưởng trong thời gian tới.

Lãi đột biến từ thoái vốn

Tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho biết, trong nửa đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế ghi nhận đột biến, đạt 1.422 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ 2016, hoàn thành 98,5% kế hoạch cả năm.

Vinataba tiền thân là Liên hiệp Các xí nghiệp thuốc lá Việt Nam, được thành lập từ tháng 4/1985. Trải qua hơn 30 năm hoạt động với nhiều lần chuyển đổi mô hình tổ chức, Vinataba hiện đóng vai trò nòng cốt của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam, với sản lượng sản xuất trên 3 tỷ bao thuốc mỗi năm. Riêng năm 2016, sản lượng đạt 3.597 triệu bao, tăng 3,7% so với 2015; doanh thu 26.700 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.367 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 9.750 đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 187 triệu USD, với thuốc lá điếu là mặt hàng chủ lực, chiếm 80% tổng kim ngạch.

Cùng với tăng trưởng sản lượng, thị phần cũng liên tục gia tăng, từ mức 52,6% của 2013, đến năm 2016, Vinataba chiếm gần 61% thị phần tiêu thụ cả nước.

Vinataba cũng được đánh giá cao về khả năng tự chủ về nguồn nguyên liệu, với diện tích đầu tư trồng thuốc lá hàng năm từ 13.000-15.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 30.000 tấn, chiếm trên 70% diện tích, sản lượng nguyên liệu cả nước. Nguyên liệu trồng trong nước không chỉ được các nhà máy sản xuất đưa vào sử dụng, dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu, mà còn xuất khẩu trên 10.000 tấn các loại mỗi năm.

Trước đây, ngoài thuốc lá là mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận, bánh kẹo cũng là sản phẩm quan trọng của Vinataba. Thông qua các công ty con là CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC), Công ty TNHH Hải Hà-Kotobuki và CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), giai đoạn 2014-2016, mỗi năm, Vinataba cung ứng 37.000-38.000 tấn bánh kẹo ra thị trường, trong đó hơn 80% tiêu thụ nội địa, còn lại là xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo quyết định về việc cổ phần hóa Công ty mẹ Vinataba và quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, Vinataba phải tiến hành cổ phần hóa và giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống còn 51%. Theo đó, Vinataba phải tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp, thoái vốn tại một loạt công ty con, công ty liên kết hay các khoản đầu tư ngoài ngành.

Theo Đề án tái cấu trúc được phê duyệt, nhóm công ty thuốc lá do Vinataba nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ được tái cấu trúc đầu tiên. Theo đó, tuy không thay đổi loại hình doanh nghiệp, nhưng các công ty con này sẽ chuyển quyền sở hữu về 2 công ty con đầu mối. Cụ thể, 5 công ty con gồm Công ty Thuốc lá An Giang, Đồng Tháp, Cửu Long, Bến Tre và Long An chuyển về Công ty Thuốc lá Sài Gòn quản lý, 3 công ty con khác gồm Công ty Thuốc lá Thanh Hóa, Đà Nẵng và Bắc Sơn chuyển cho Công ty Thuốc lá Thăng Long quản lý.

Ngoài 2 nhóm trên, Vinataba sẽ chỉ giữ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Viện Thuốc là và Công ty TNHH MTV Nguyễn Du; nắm 51% tại Công ty Thuốc lá Hải Phòng và CTCP Hòa Việt. Tại Công ty Thực phẩm miền Bắc, Vinataba sẽ cổ phần hóa và thoái vốn xuống 30% từ mức 100% hiện nay. Những công ty còn lại sẽ thoái vốn toàn bộ.

Đến nay, chặng đường cấu trúc đã thực hiện được phần lớn. Thuốc lá Thăng Long và Thuốc lá Sài Gòn đều đã hoàn tất cơ cấu và hoạt động theo nhóm công ty từ năm 2016 và ghi nhận những kết quả tích cực. Tính đến 31/12/2016, tổng vốn chủ sở hữu đạt 4.731 tỷ đồng, tăng 28,8% so với thời điểm chuyển đổi. Vinataba cho biết, các chỉ tiêu chính như sản lượng tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều tăng trưởng tốt.

Cuối tháng 3/2017, Vinataba đã hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại HHC và HNF, ước tính thu về gần 800 tỷ đồng. Đây là yếu tố giúp Vinataba ghi nhận lợi nhuận đột biến trong 6 tháng đầu năm 2017, dù doanh thu chỉ tăng nhẹ. Tính đến giữa tháng 6/2017, hệ thống của Vinataba còn 11 công ty con, với tổng vốn đầu tư 4.367 tỷ đồng, trong đó có 4 công ty nắm 100% vốn điều lệ.

Trong nửa cuối năm, Vinataba dự kiến thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Vina Alliance, CTCP Bất động sản Lilama, CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Thăng Long, CTCP Lương thực thực phẩm Colusa-Miliket, CTCP Rượu bia Đà Lạt, CTCP Thương mại hàng không miền Nam và CTCP Bia NADA. Như vậy, dự báo lợi nhuận nửa cuối năm sẽ còn đột biến và có thể vượt xa kế hoạch đề ra.

Theo kế hoạch, sau khi tiến hành tái cấu trúc, Vinataba sẽ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước từ 100% xuống còn 51%. Tuy nhiên, đến nay, lộ trình cụ thể chưa được công bố, hiện Vinataba đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa và đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Vinataba hiện chưa công bố Báo cáo tài chính năm 2016, nhưng tính đến cuối năm này, vốn điều lệ theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đạt 7.163 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng tài sản của Vinataba đạt hơn 16.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 8.800 tỷ đồng, chiếm 53,3% cơ cấu nguồn vốn, nằm trong nhóm “ông lớn” được định hướng cổ phần hóa hiện nay.

Nỗi lo tăng trưởng

Với đặc thù sản phẩm thuộc loại được khuyến cáo có hại cho sức khỏe, những năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá, ngăn chặn ảnh hưởng của việc hút thuốc lá thụ động...

Về thuế và phí, ngoài thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu sau khi tăng lên 70% vào năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 75% vào năm 2019, phí đóng góp cho Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá dự kiến cũng tăng lên 2% từ 1/5/2019 so với mức 1,5% áp dụng từ 1/5/2016. Phí, thuế tăng đã khiến khoản nộp ngân sách 2016 của Vinataba tăng 12,72%, trong khi sản lượng chỉ tăng 3,7%.

Vinataba: Lợi nhuận đột biến, nên mừng hay lo? ảnh 1

Về sản lượng tiêu thụ, các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá khiến nhu cầu tiêu thụ thuốc là giảm đáng kể thời gian qua, ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo Báo cáo điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) tại Việt Nam, năm 2015, nước ta có 22,5% dân số trên 15 tuổi đang hút thuốc, tương đương 15,6 triệu người, giảm so với mức 23,8% của kết quả năm 2010.

Với các biện pháp cấm quảng cáo, khuyến mãi dưới mọi hình thức, bắt buộc in cảnh báo sức khỏe với diện tích tối thiểu 50% diện tích mỗi mặt chính của bao thuốc, cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, cùng việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp tăng nhận thức người dân về tác hại của thuốc lá…, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí sụt giảm, khi đó, nếu muốn tăng trưởng, các doanh nghiệp như Vinataba phải tìm cách tăng giá trị gia tăng và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Dù Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia quản lý lĩnh vực kinh doanh thuốc lá nghiêm ngặt nhất thế giới, nhưng việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu lại chưa hiệu quả.

Số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, năm 2016, lượng thuốc lá buôn lậu ước tăng 10% so với 2015, chiếm 20% thị phần nội địa.

Ước tính 6 tháng 2017, lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ và tiêu hủy 3,2 triệu bao thuốc lá nhập lậu, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc không phải chịu thuế, phí khiến thuốc lá nhập lậu có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với thuốc lá sản xuất trong nước.

Bên cạnh hàng nhập lậu, sức ép cạnh tranh với thuốc lá nhập khẩu chính ngạch cũng rất lớn, trong bối cảnh các tập đoàn thuốc lá quốc tế đẩy mạnh xâm nhập thị trường nội địa khi thuế nhập khẩu giảm về 0% trong tiến trình hội nhập. Các sản phẩm thay thế như thuốc lá điện tử, thuốc lá không chứa nicotine, thuốc lá không khói, shisha... ngày càng xuất hiện nhiều, gây sức ép lớn lên thuốc lá truyền thống.

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Vinataba đã phần nào phản ánh thực tế khó khăn này, khi sản lượng từ mức tăng 11,7% trong 2015, chỉ còn tăng 3,7% trong 2016, tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng chậm lại đáng kể. Do đó, kế hoạch kinh doanh 2017 mà Vinataba đặt ra là khá thận trọng, khi hầu hết các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều giảm so với thực hiện 2016.

Rõ ràng, ghi nhận lợi nhuận đột biến là thông tin tích cực, hỗ trợ cho tiến trình cổ phần hóa thành công, song việc thoái vốn khỏi hàng loạt công ty con, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, cũng gây sức ép lớn về tăng trưởng cho Vinataba trong tương lai, nhất là khi mảng kinh doanh chính là thuốc lá đang chịu không ít thách thức. 

Vinataba vào tầm ngắm của nhà đầu tư Nhật

Với sự kết nối của Cố vấn Thủ tướng Nhật Bản, ông Iljma Isao, tuần qua, Đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có cuộc làm việc với Tập đoàn JT - Tập đoàn thuốc lá Nhật Bản, đang quan tâm đầu tư vào ngành thuốc lá Việt Nam.

Chủ tịch Tập đoàn JT, ông Eddy Pirard cho biết, Tập đoàn mong muốn được trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) khi cổ phần hóa. Tháng 1/2017, ông đã có chuyến công tác tại Việt Nam và đề xuất nguyện vọng này với Bộ Công thương. Điều Tập đoàn quan tâm là khi nào Vinataba cổ phần hóa, cách chọn lựa cổ đông chiến lược và phương thức bán sẽ như thế nào.

Trước sự quan tâm của JT, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc cổ phần hóa Vinataba đang được tiến hành từng bước, dự kiến sẽ chốt phương án vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Việt Nam rất cần tìm cổ đông chiến lược cho doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, cổ đông chiến lược của Vinataba ngoài khả năng phát triển sản phẩm, còn cần đáp ứng được yêu cầu về việc chống buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam. Cùng với việc Vinataba phải di dời Nhà máy ra khỏi thành phố, nhà đầu tư vào Tổng công ty này cần hỗ trợ quá trình xây dựng Nhà máy mới với khả năng xử lý ô nhiễm và xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất có chất lượng cao hơn.

Chủ tịch JT khẳng định, do trưởng thành từ người bán hàng và phát triển sản phẩm nên ông tin rằng, Tập đoàn đủ sức đáp ứng các yêu cầu từ phía Việt Nam. Trong chiến lược phát triển thị trường châu Á, Tập đoàn đã mua xong một doanh nghiệp thuốc lá của Indonesia và mới đây đã mua lại doanh nghiệp thuốc lá của Philippines với giá trên 900 triệu USD.

Tin bài liên quan