Vinalines đưa nốt 5 cảng biển ra chào bán

(ĐTCK) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ cổ phần hóa nốt 5 đơn vị kinh doanh cảng từ nay đến cuối năm, một phần trong lộ trình cổ phần hóa hàng loạt đơn vị để vực dậy hoạt động của tổng công ty này.
Vinalines đưa nốt 5 cảng biển ra chào bán

Bốn đơn vị gồm cảng Cam Ranh, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ và Năm Căn sẽ được chào bán ra công chúng (IPO) từ nay đến cuối năm, cùng với một đơn vị nữa là cảng Sài Gòn sẽ hoàn thành phương án cổ phần hóa.

Hiện tại, cả 5 đơn vị đều đã ký hợp đồng với tổ chức tư vấn, trong đó, Cảng Nghệ Tĩnh đã trình hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, theo Báo cáo 6 tháng/2014 được Vinalines đưa ra trong Hội nghị Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014 ngày 11/7 tại Hà Nội.

Vinalines đã đăng ký cổ phần hóa tổng cộng 10 doanh nghiệp. Trước đó, 5 đơn vị đã được cổ phần hóa từ năm 2013, trong đó, 2 cảng đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Những đơn vị còn lại đang hoàn tất thủ tục thu tiền bán cổ phần và xử lý số cổ phần bán không hết.

“Về cơ bản, công tác cổ phần hóa đã đáp ứng tiến độ đăng ký”, Tổng công ty tự nhận xét trong Báo cáo.

Ngoài 10 đơn vị được cổ phần hóa độc lập trên, 3 đơn vị khác cũng sẽ được cổ phần hóa cùng với công ty mẹ là Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Vinalines Hải Phòng, Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển container Vinalines.

Cũng trong kế hoạch, Vinalines đưa ra lộ trình cụ thể hơn cho việc cổ phần hóa công ty mẹ: chậm nhất 15/9/2014, Công ty sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp; dự kiến 24/10/2014, Công ty sẽ công bố giá trị doanh nghiệp dự kiến. Nhà đầu tư chiến lược dự kiến sẽ được phê duyệt tiêu chí và đề xuất danh sách trong tháng 11/2014 và trong tháng 12/2014, Công ty sẽ trình phương án cổ phần hóa và ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá.

Việc bán các cảng biển ra công chúng, thoái vốn và giải thể một số đơn vị đang trở thành “liều thuốc” cho hoạt động khó khăn kéo dài của Vinalines - 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm và doanh thu giảm trong khi thị trường tiếp tục dự báo cực kỳ khó khăn. “Tổng công ty xác định mục tiêu chủ yếu là tiếp tục thực hiện, hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với việc duy trì hoạt động kinh doanh từ nay đến cuối năm”, Báo cáo viết.

Cổ phần hóa: liều thuốc cho Vinalines

Môi trường kinh doanh của ngành vận tải biển được dự báo sẽ vẫn cực kỳ khó khăn, nhưng vấn đề lớn của Vinalines lại nằm ở cơ chế vận hành. Một số công ty vận tải nhỏ vừa khai trương “rõ ràng làm ăn rất tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Bộ Giao thông Vận tải nói tại Hội nghị. Ông Công dẫn chứng đội tàu của Vinalines chiếm một nửa thị trường, nhưng sản lượng hàng hóa lại chỉ chiếm khoảng 1/4 toàn thị trường.

“Tôi biết doanh nghiệp tư nhân có cơ chế thoáng hơn rất nhiều”, ông Công nói. “Chúng ta phải tìm cách giải quyết. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân không thể để khoảng cách quá xa thế này”.

Việc cổ phần hóa các đơn vị, do đó, hiện đang được chính nội bộ Vinalines xem như cách thức để vực dậy hoạt động của Tổng công ty đã chật vật quá lâu này.

Ông Phùng Hải, Chủ tịch Cảng Hải Phòng, một trong những đơn vị đầu tiên của Vinalines trở thành công ty đại chúng và đã tổ chức đại hội cổ đông vào 27/6 vừa rồi, nói, quá trình kiểm kê cổ phần hóa đã giúp Cảng Hải Phòng xác định đúng giá trị thật của doanh nghiệp, và một tác động quan trọng nữa là “đổi mới tư tưởng cho cán bộ công nhân”.

Ông Hải cho biết, khi chuyển sang công ty cổ phần, áp lực đầu tiên là cổ tức: “Cổ tức vừa là mục tiêu vừa là động lực để chúng tôi vươn lên”. Cảng Hải Phòng hiện có vốn điều lệ gần 3.300 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hiện đang nắm gần 95% vốn.

Nhưng mặt khác, Vinalines cũng đang gặp phải rào cản lớn trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia mua các đơn vị được cổ phần hóa. Trong các đơn vị đã cổ phần hóa, chỉ có Cảng Quy Nhơn bán được phần vốn lớn, khoảng 25%, trong khi những đơn vị khác chỉ bán được khoảng 5%, ông Công tổng kết.

“Tôi không nghĩ rằng các cảng của chúng ta xấu quá”, ông Công nói. Theo ông Công, có một vấn đề khiến kết quả thấp là tỷ lệ được phép bán thấp, chỉ 25%, vì vậy, công ty sau khi bán vẫn là Nhà nước chi phối nên không hấp dẫn nhà đầu tư bên ngoài.

Trong khi đó, một số DN ngành vận tải biển trên sàn HOSE đang có kết quả tương đối khả quan. CTCP Tập đoàn Container Việt Nam tăng 18% doanh thu và tăng 5% lợi nhuận trước thuế trong quý I/2014 so với cùng kỳ năm ngoái - CTCK Sài Gòn (SSI) dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2014 của VSC có thể tăng lần lượt 10,3% và 11,3% và khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này hồi giữa tháng 6. CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP) tăng 2,5% doanh thu và giảm 1,2% lợi nhuận trước thuế trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái - cũng được SSI khuyến nghị giữ hồi giữa tháng 6.

Trong các đơn vị sắp chào bán của Vinalines, cảng Sài gòn tăng 7,7% sản lượng trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 60% kế hoạch năm. Tuy nhiên lợi nhuận không đạt 50% kế hoạch.        

Tin bài liên quan