Vinaconex (VCG) lợi, hại gì khi xoay trục sang mảng giao thông?

Vinaconex (VCG) lợi, hại gì khi xoay trục sang mảng giao thông?

(ĐTCK) Việc vượt qua vòng sơ tuyển 5/8 gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam giúp liên danh Vinaconex và các đối tác tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành nhà đầu tư chính tại nhiều gói thầu thuộc dự án này. 

Vượt qua vòng sơ tuyển 5/8 gói thầu cao tốc Bắc - Nam

Tổng CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán VCG: HNX) mới đây cho biết, Tổng công ty đã tham gia liên danh ứng tuyển vào 5/8 gói thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam và trúng sơ tuyển, bao gồm tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt , Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây.

Cụ thể, tại tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài gần 50 km, tổng mức đầu tư khoảng 8.380 tỷ đồng, thông báo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, có hai liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển, trong đó có liên danh CTCP Xây dựng Tân Nam, Tổng công ty Vinaconex và CTCP Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn.

Tại dự án tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt, dự kiến được thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 13.338 tỷ đồng, có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển; trong đó, có liên danh Vinaconex với CTCP Xây dựng Tân Nam và CTCP HCJ.

Tại tuyến Nha Trang - Cam Lâm, có tổng chiều dài tuyến 49,11 km đi qua tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư 7.615 tỷ đồng, liên danh Vinaconex và CTCP Trường Long là một trong 5 nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Tại dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, có tổng chiều dài 79 km, tổng mức đầu tư khoảng 13.687 tỷ đồng. Liên danh của Vinaconex với CTCP Đầu tư giáo dục phát triển công nghệ năng lượng Việt Nam và CTCP FECON là một trong 4 liên doanh vượt qua vòng sơ tuyển.

Tại dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, với tổng mức đầu tư khoảng 14.359 tỷ đồng, có 3 liên danh nhà đầu tư đã vượt qua vòng sơ tuyển; trong đó có liên danh của Vinaconex với CTCP Rạng Đông và CTCP Đầu tư Địa ốc NoVa.

Để vượt qua vòng sơ tuyển các gói thầu, các nhà đầu tư (liên danh nhà đầu tư) đều phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về vốn như vốn chủ sở hữu phải bằng ít nhất 20% giá trị dự án tham gia đấu thầu; phải có cam kết tài trợ vốn từ tổ chức tín dụng.

Về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư phải từng tham gia một gói thầu xây lắp có giá trị tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án.

Mỗi liên danh không quá 5 nhà đầu tư nhằm tránh dự án bị chia nhỏ, phức tạp cho công tác quản lý, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải chiếm ít nhất 30% vốn góp…

Sau khi vượt qua vòng sơ tuyển, các tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ tiếp tục triển khai đấu thầu với thời gian tối thiểu theo quy định khoảng 6 tháng.

Như vậy, sớm nhất đến tháng 11/2020, sẽ tìm được nhà đầu tư cuối cùng để đàm phán và ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020. Nhà đầu tư trúng thầu có thời gian tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng và bắt đầu triển khai thi công từ giữa năm 2021.

Có phải miếng bánh dễ xơi?

Việc vượt qua vòng sơ tuyển giúp Vinaconex và các đối tác tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành nhà đầu tư chính tại các dự án cao tốc lớn, nhưng chặng đường còn lại được đánh giá không dễ dàng khi đối thủ đều là những đơn vị có năng lực và tên tuổi gắn liền với nhiều dự án lớn của ngành giao thông như CTCP Tập đoàn CIENCO 4, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, CTCP Tập đoàn Đèo Cả…

Giả sử Vinaconex và các đối tác sẽ vượt qua các đối thủ để trở thành nhà thầu chính của 5/8 gói thầu siêu dự án cao tốc Bắc - Nam thì đây liệu có phải là “miếng bánh” dễ ăn?

Dự án cao tốc Bắc - Nam dự kiến cơ bản được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm vốn trái phiếu chính phủ, còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư sau đó được hoàn vốn thông qua thu phí trong quá trình vận hành (hợp đồng BOT).

Thời gian qua, những dự án cao tốc không gặp phải tình trạng đóng trạm, bị phản đối việc thu phí, cắt giảm thời gian thu phí… như các dự án BOT xây dựng tuyến tránh, nâng cấp cải tạo quốc lộ.

Nhưng với quy mô vốn đầu tư cao, thời gian thu phí kéo dài 15 - 20 năm, nhà đầu tư vào dự án BOT vẫn chịu nhiều yếu tố rủi ro như lưu lượng giao thông không đạt kỳ vọng, hay khung pháp lý có khả năng bị thay đổi.

Về nguồn vốn, với tổng quy mô vốn của 5 dự án mà liên doanh của Vinaconex vượt qua vòng sơ tuyển lên đến 57.379 tỷ đồng, giả định trúng cả 5 gói thầu, tổng quy mô vốn đối ứng của các liên danh cần chuẩn bị ước tính vào khoảng 11.475 tỷ đồng.

Chưa rõ tỷ lệ góp vốn của Vinaconex khi tham gia các liên danh dự kiến là bao nhiêu, nhưng rõ ràng, nhu cầu vốn mà Tổng công ty cần chuẩn bị là không nhỏ so với quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (đến cuối quý I/2020 là 7.564 tỷ đồng, không bao gồm phần lợi ích cổ đông không kiểm soát).

Tổng tài sản trên báo cáo tài chính của Công ty mẹ là 11.443 tỷ đồng, trong đó có 1.266 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex, quy mô tổng tài sản cũng chỉ đạt 17.516 tỷ đồng, với 1.742 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại.

Dù so với các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản trên thị trường, quy mô vốn của Vinaconex thuộc nhóm dẫn đầu, nhưng dòng vốn thặng dư không lớn khi Công ty còn nhiều dự án lớn đang trong quá trình đầu tư.

Quy mô nguồn vốn của Công ty cũng đang phụ thuộc vào vay nợ, với 4.060 tỷ đồng nợ vay trên báo cáo tài chính hợp nhất tính đến cuối quý I/2020, tương đương 23,3% tổng nguồn vốn. Trên báo cáo riêng công ty mẹ, tỷ lệ này là 10,2%.

Ngoài vốn chủ sở hữu, do đặc thù đối với dự án hạ tầng giao thông, vốn vay sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng, tuy nhiên việc tăng cường vay nợ sẽ khiến chi phí lãi vay gia tăng đáng kể và trở thành rủi ro lớn nếu xu hướng lãi suất tăng trở lại trong thời gian dài hạn của hợp đồng.

Trước đó, trong một báo cáo tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước đã nêu thực trạng các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn, nhất là trong khi các ngân hàng đang thực hiện lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của cơ quan quản lý.

Chính khó khăn này khiến giữa tháng 5/2020, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu điều chỉnh dự án xây dựng một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công do lo ngại nếu tiếp tục đầu tư PPP sẽ không đáp ứng tiến độ khi các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh huy động vốn tín dụng, trong khi theo quy định, sau khi trúng thầu, nếu 6 tháng nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng sẽ bị hủy hợp đồng.

Với đề nghị chuyển đổi này, giả định khó khăn về bài toán nguồn vốn được giải quyết, lợi nhuận từ đầu tư các tuyến cao tốc cũng được đánh giá không quá hấp dẫn khi các dự án xây lắp hạ tầng giao thông vốn được đánh giá có quy mô doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận mỏng.

Thực tế, Vinaconex đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang…

Xây lắp hiện là lĩnh vực đóng góp doanh thu chính với tỷ lệ 55% năm 2019, 60% trong 2018 và 64% trong 2017, chiếm tỷ trọng đáng kể là từ các công trình giao thông.

Dù là nguồn đóng góp doanh thu chủ yếu nhưng biên lợi nhuận gộp mảng này khá thấp, chỉ từ 5 - 7% khiến mảng xây lắp chỉ đóng góp từ 20 - 23% vào lợi nhuận gộp hợp nhất hàng năm. Trong năm 2019, tỷ lệ lợi nhuận gộp của mảng xây lắp giảm xuống chỉ còn 10%.

Với mức biên lãi gộp mỏng, sau khi trừ các chi phí quản lý, chi phí tài chính, tỷ lệ biên lợi nhuận sau thuế thấp hơn rất nhiều các mảng kinh doanh khác như xây dựng dân dụng, hợp đồng BT…

Chưa kể thời gian chờ quyết toán theo đặc thù dự án hạ tầng kéo dài, nguồn vốn đáng kể nằm tại khoản phải thu càng khiến mảng kinh doanh này có phần kém hấp dẫn.

Cũng cần lưu ý thêm là trong 2 năm trở lại đây, dù mỗi năm báo lãi hàng trăm tỷ đồng nhưng dòng tiền kinh doanh của VCG lại âm.

Nhất là năm 2019, năm đầu tiên VCG hoạt động không còn sự chi phối của cổ đông nhà nước, dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm đến 1.493 tỷ đồng.

Kết quả là một mặt, VCG đã phải giảm nguồn tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng gần 630 tỷ đồng, mặt khác là tăng vay nợ thêm 1.670 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất. Quý đầu năm 2020, dòng tiền kinh doanh âm thêm 1.030 tỷ đồng.

So với các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đang niêm yết quy mô tài sản, nguồn vốn của VCG thuộc nhóm dẫn đầu nhưng trong bối cảnh dòng tiền âm, nguồn vốn dự trữ mỏng và ngày càng giảm, việc dồn nguồn lực cho mảng cao tốc không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư e ngại về hiệu quả cũng như rủi ro phát sinh trong dài hạn.

Nhất là khi công ty còn nhiều dự án lớn bất động sản lớn đang trong quá trình đầu tư, có tiềm năng mang lại lợi nhuận tốt nếu được dồn lực.

Chưa rõ nội bộ Vinaconex nhìn nhận ra sao về chiến lược tập trung nguồn lực và xoay trục hoạt động này.

Tuy nhiên, như đã phân tích, đây có thể là “miếng xương” lớn nếu doanh nghiệp không có phương thức quản trị tốt.

Nhìn lại những bất đồng giữa các cổ đông lớn của Vinaconex tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 liên quan đến các định hướng và chủ trương đầu tư, thị trường đang đặt ra câu hỏi, việc sốt sắng tham gia các dự án đường cao tốc của ban lãnh đạo Vinaconex có tiếp tục trở thành quả bom mới châm ngòi cho những tranh cãi gay gắt tại Đại hội đồng cổ đông 2020 năm nay?

Tin bài liên quan