Vinaconex nói gì về sự cố vỡ đường ống?

Vinaconex nói gì về sự cố vỡ đường ống?

(ĐTCK) Sau những ồn ào về việc đường ống nước Sông Đà, do Vinaconex làm chủ đầu tư vỡ lần thứ 9 và UBND TP. Hà Nội tiếp tục giao cho tổng công ty này làm chủ đầu tư dự án đường ống số 2, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex đã có văn bản trả lời thắc mắc của báo giới.

Ông có thể cho biết ống nước sử dụng trong số Dự án Nhà máy nước Sông Đà đã được sản xuất như thế nào?

Theo báo cáo của CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex, ống và phụ kiện cung cấp cho Dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Công trình nước Hoa Kỳ. CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex được thành lập năm 2004 và bắt đầu sản xuất sản phẩm cho Dự án năm 2005.

Trước khi sản xuất, Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật sang Trung Quốc học tập và nhận chuyển giao công nghệ, cử cán bộ công nhân kỹ thuật đi đào tạo tại Trung tâm Polymer, Đại học Bách khoa. Công ty cũng thuê một chuyên gia Trung Quốc (bên chuyển giao thiết bị và công nghệ) sang kiểm soát quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm từ năm 2005 - 2007.

Tuy nhiên, với số lượng sản xuất ống và phụ kiện cung cấp cho Dự án rất lớn (khoảng 5.100 sản phẩm ống và phụ kiện các loại), lại sản xuất vào thời điểm Công ty vừa mới thành lập và sử dụng thiết bị công nghệ mới, nên chất lượng một số sản phẩm ống có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Có ý kiến cho rằng, đường ống nước Sông Đà bị vỡ nhiều lần vì thiết kế sai nguyên tắc khi chỉ chôn dưới đất mà không có hệ thống móng chống đỡ? Những đơn vị nào tham gia thiết kế đường ống này?

Tổng công ty đã giao cho Công ty Tư vấn xây dựng Vinaconex làm tổng thầu thiết kế dự án. Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với các đơn vị khác, như Công ty Soil & Water Phần Lan, công ty tư vấn đã từng thiết kế đường ống nước bằng cốt sợi thủy tinh hướng dẫn cung cấp tiêu chuẩn quy phạm thiết kế và kiểm tra tính toán và hồ sơ thiết kế; Viện Khoa học công nghệ xây dựng - IBST thiết kế xử lý đoạn ống qua nền đất yếu; Công ty Tư vấn thiết kế đường sắt chịu trách nhiệm thiết kế ống qua đường sắt.

Vậy các đơn vị tư vấn thiết kế này có tiếp tục tham gia dự án tuyến ống số 2 không?

Vinaconex và chủ đầu tư dự án là CTCP Viwasupco chủ trương không tiếp tục sử dụng các đơn vị tư vấn thiết kế đường ống số 1, để thực hiện thiết kế cho giai đoạn 2, thay vào đó sẽ cân nhắc lựa chọn tư vấn thiết kế trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm, đã từng thực hiện các dự án tương tự để thực hiện thiết kế giai đoạn 2.

Các nhà thầu thi công tuyến đường ống số 1 có trách nhiệm đến đâu trong sự cố vỡ đường ống vừa qua?

Bộ Xây dựng trong kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền tải nước Sông Đà đã chỉ rõ các đơn vị thi công đoạn tuyến xảy ra sự cố, các công ty thành viên của Tổng công ty, bao gồm CTCP Xây dựng số 6, 7, 11, 12 chưa quản lý chặt chẽ chất lượng thi công, lắp đặt đường ống; có thể tạo nên các tác động bất lợi làm giảm khả năng bám dính của các lớp vật liệu cấu tạo ống.

Vinaconex có giải pháp gì để hạn chế tối đa sự cố vỡ đường ống số 1 hay là vẫn làm theo kiểu hỏng đâu chữa đấy như thời gian qua?

Vinaconex sẽ chỉ đạo CTCP Viwasupco (đơn vị quản lý vận hành hệ thống) triển khai thuê tư vấn chuyên ngành có năng lực và kinh nghiệm để tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể để đưa ra giải pháp toàn diện, hiệu quả, khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống đường ống giai đoạn 1. Chi phí thuê tư vấn lấy từ nguồn của CTCP Viwasupco, chứ không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đường ống số 2 sẽ do đơn vị nào sản xuất?

Trên cơ sở xem xét, phân tích, so sánh chi tiết 5 loại ống khác nhau, bao gồm ống nhựa (HDPE, PVC), ống gang xám, ống gang dẻo, ống thép (gồm ống thép phủ bitum và vải sợi thủy tinh, ống thép phủ epoxy và ống thép 3 lớp PE, PP hoặc PU và ống bê tông nòng thép dự ứng lực, đơn vị tư vấn đã đề xuất lựa chọn ống thép hàn xoắn bảo vệ bằng sơn epoxy.

Lý do là loại ống này đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, vật liệu đã được sản xuất trong nước, thời gian vận chuyển nhanh, các nhà thầu trong nước đã làm chủ được công nghệ thi công; giải pháp khắc phục sự cố, rò rỉ đơn giản; chi phí hợp lý. Một số dự án cấp nước lớn tại TP. HCM đang sử dụng loại ống này như BOO Nhà máy nước Thủ Đức; Nhà máy nước Tân Hiệp GĐ2 – HCM.

Trong thời gian qua, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đã làm việc cụ thể với các đơn vị cung cấp ống thép tại Việt Nam gồm Nippon Steel Pipe tại Vũng Tàu, Công ty J-spiral Steel Pipe tại Biên Hòa, Đồng Nai... để tìm hiểu về loại ống đang đề xuất và thấy các nhà sản xuất hoàn toàn có thể đảm bảo cung cấp ống theo tiến độ của Dự án.

Tuy nhiên, loại vật liệu trên mới chỉ là đề xuất của đơn vị tư vấn, mặc dù đã được Thành phố thống nhất, nhưng còn phụ thuộc vào sự phê duyệt của cấp thẩm quyền của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, để lựa chọn nhà thầu cung cấp, chủ đầu tư sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi gói thầu cung ứng vật liệu ống và phụ kiện đồng bộ theo các quy định có liên quan.

Vốn đầu tư cho tuyến ống số 2 lấy từ đâu, thưa ông?

Vốn đầu tư cho tuyến ống số 2 là 1.200 tỷ đồng, trong đó 20% (khoảng 240 tỷ đồng) là vốn tự có của Vinaconex, 80% còn lại (khoảng 960 tỷ đồng) là vốn vay. Ngày 14/7/2014, BIDV Chi nhánh Cầu Giấy đã cam kết cho vay dự án Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn 2.

Tin bài liên quan