Vinaconex đã phải chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục sự cố vỡ đường ống nước

Vinaconex đã phải chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục sự cố vỡ đường ống nước

Vinaconex “chết” vì được tự chủ

(ĐTCK) Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc, lật lại toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà; trong đó, có tuyến đường ống do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, sau khi Bộ Xây dựng phủ nhận trách nhiệm với sự cố “quá tam… chín bận” vỡ đường ống của Vinaconex.

Tuyến ống truyền tải nước Sông Đà là một trong những hạng mục công trình chính của Dự án đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, khởi công xây dựng từ tháng 1/2006 và đến tháng 4/2009 bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng. 

Sau 3 năm vận hành ổn định, từ tháng 2/2012 đến nay, đường ống đã 9 lần bị vỡ, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 đến nay, tần suất vỡ ống xảy ra thường xuyên.

Đây được xác định là sự cố chất lượng công trình xây dựng, xảy ra trong quá trình khai thác, vận hành và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. 

Theo kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền tải nước Sông Đà của Bộ Xây dựng, ống composite cốt sợi thủy tinh (do một đơn vị thành viên của Vinaconex) sản xuất có chất lượng không đồng đều. Quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính của các lớp vật liệu cấu tạo ống, về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống giai đoạn khai thác sử dụng. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long trên tuyến ống.

Đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, Bộ Xây dựng đã thực hiện đúng vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và “Vinaconex được xác định là một chủ thể tham gia hoạt động xây dựng với tư cách là chủ đầu tư dự án, phải chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án”. 

Bộ này cũng nêu ra một lý do khác là Vinaconex đã trở thành công ty cổ phần, không còn chịu sự quản lý, giám sát của Bộ, bởi vậy Bộ không có trách nhiệm.

Một trong những cái lý để Bộ Xây dựng “phủi trách nhiệm” là mãi đến đầu năm 2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 15/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng. Các công trình như tuyến đường ống nước Sông Đà sẽ có các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình, hạng mục công trình.

Dự án của Vinaconex được thực hiện từ năm 2006 - 2009, trong thời gian Nghị định số 209/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng “khoán trắng” cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về các thủ tục, trình tự thực hiện công trình. Vì được “tự chủ” như vậy nên Vinaconex đã sử dụng ống cốt sợi thủy tinh mà chưa được thử nghiệm độ bền và thiếu kinh nghiệm trong thi công, giám sát thi công. Đây là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam.

Bộ Xây dựng từ chối trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc. Nhưng bên cạnh câu chuyện trách nhiệm, vấn đề nhiều người dân cũng như nhà đầu tư quan tâm hơn là sự cố trên tới đây sẽ được khắc phục như thế nào?

Tại ĐHCĐ 2014 của Vinaconex, đã có cổ đông chất vấn tại sao đường ống hay vỡ và tình trạng này có tái diễn? Tổng giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà trả lời rất dửng dưng: “Chúng tôi không thể nói trong tương lai có vỡ được hay không, vì nếu khẳng định thì không khác nào ăn cơm dương gian nói chuyện âm phủ”. Giải pháp mà Vinaconex đưa ra là lập đội phản ứng nhanh để rút ngắn thời gian xử lý sự cố.

“Lần vỡ ống nước đầu tiên cần mất gần 90 tiếng để khắc phục, nhưng đợt vỡ vừa qua chỉ mất 18 tiếng đã khắc phục xong”, ông  Hà nói.

Cũng tại ĐHCĐ này, ông Hà cho hay, HĐQT CTCP Đầu tư và xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco), đơn vị thành viên của Vinaconex đã phê duyệt Dự án đầu tư giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư tuyến ống mới với vật liệu tốt hơn có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng bằng vốn vay thương mại.

Theo đề xuất của Vinaconex, UBND TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ lãi suất ưu đãi 0%/năm cho doanh nghiệp. Cũng theo dự tính của Vinaconex, nếu giá nước tại Hà Nội không thay đổi, năm 2014, Viwaco sẽ có lãi khoảng 16 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, từ đó đến nay, sự cố vỡ đường ống ngày một nghiêm trọng, sản xuất ra nước, nhưng không thể tải về cung cấp cho dân theo đúng kế hoạch, nhiều khả năng Viwaco sẽ tiếp tục thua lỗ. Đó là chưa kể Vinaconex phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để khắc phục sự cố vỡ đường ống? Ai sẽ chịu khoản chi phí này? Liệu với những gì đã xảy ra, UBND TP. Hà Nội có tiếp tục cam kết hỗ trợ lãi vay cho khoản vốn đầu tư tuyến ống số 2 hay không? 

Đây sẽ là những ẩn số không dễ giải quyết đối với lãnh đạo Vinaconex, bên cạnh việc phải dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc giải trình, báo cáo với các đoàn thanh tra.

Tin bài liên quan