Viglacera giữ phong độ “người dẫn đầu”

Viglacera giữ phong độ “người dẫn đầu”

Doanh thu năm 2013 tăng 3%, đạt 10.500 tỷ đồng trongbối cảnh sức mua thị trường còn yếu; lợi nhuận ròng vượt 7% so với kế hoạch, tăng 32% so với cùng kỳ… là câu trả lời ý nghĩa nhất, khẳng định vị thế “người dẫn đầu” của Tổng công ty Viglacera trong năm qua.

Bước chuyển về chất

Sự “vật vã” của khối doanh nghiệp vật liệu xây dựng suốt năm 2012-2013 do diễn biến kém sôi động của thị trường xây dựng, bất động sản… dường như không làm Viglacera yếu đi, thậm chí đây lại là thời cơ để Tổng công ty thực hiện cuộc “đại phẫu” cho bản thân và các doanh nghiệp thành viên.

Riêng năm 2013 đã đánh dấu giai đoạn chuyển biến về chất của Viglacera khi thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất - kinh doanh và chuyển đổi mô hình hoạt động. Triết lý kinh doanh “kiên định với ngành nghề cốt lõi” được Viglacera triển khai thông suốt, khi dồn mọi ưu tiên và nguồn lực đầu tư cho 2 lĩnh vực thế mạnh: sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản, trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp được coi là mũi nhọn.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera cho rằng, kết quả của năm qua được tích tụ từ quá trình phát triển của Tổng công ty và quá trình tái cơ cấu đã diễn ra liên tục, chứ không chỉ trong năm 2013.

“Nếu nguồn vốn mà Viglacera có vào năm 2006 chỉ vỏn vẹn 443 tỷ đồng, thì hết năm 2013 đã xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ đồng trong 8 năm. Điều này đủ nói lên hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty”, ông Tuấn khẳng định và cho biết, nguồn vốn tự chủ có được nhờ lợi nhuận, tích lũy lại được doanh nghiệp sử dụng để đầu tư thêm và cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Nhà ở thuộc Khu đô thị Đặng Xá 1 do Viglacera làm chủ đầu tư

“Biết mình biết người” để dồn vốn đầu tư trọng điểm, không dàn trải, nên ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề phải sáp nhập, giải thể…, thì Viglacera vẫn dần dần “cán đích”, đạt mục tiêu đề ra.

“Trong điều kiện thị trường bất động sản còn yếu, nhu cầu vật liệu xây dựng giảm mạnh, sản phẩm thương hiệu Viglacera vẫn đứng vững. chúng tôi chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, giảm chi phí đầu vào, nghiên cứu, đầu tư sản xuất sản phẩm theo hướng đầu tư xanh…”, ông Tuấn nói.

Việc khánh thành giai đoạn I, Dự án cải tạo và nâng công suất của dây chuyền sản xuất tại Công ty Kính nổi Viglacera (Bình Dương) công suất 420 tấn kính thành phẩm/ngày, đạt chất lượng châu Âu: EN 572-2:2004 được xem là một minh chứng cho việc doanh nghiệp thích ứng với xu hướng đầu tư sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Chưa dừng ở đó, những ngày cuối năm 2013, Viglacera Tiên Sơn,  đã khánh thành Dự án Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm granite Viglacera. Sự kiện này có sự tham dự của trên 10 tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ Đài Loan, Bangladesh và Thái Lan… Trong đó, người đứng đầu Tập đoàn PT Arwana Citramulia Tbk (Arwana) của Indonesia đã đích thân sang làm việc với Viglacera để mở đường cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Indonesia ngay tháng 1/2014.

Quả ngọt từ đầu tư bất động sản

Lễ mở bán Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp NO5  - Khu đô thị Đặng Xá II (Gia Lâm, Hà Nội) đợt đầu tiên, với 400 hồ sơ mua nhà, đã khẳng định sự bắt nhịp kịp thời của Viglacera với việc “đầu tư những thứ thị trường đang thiếu”. Đặc biệt, sự hồ hởi của khách hàng đối với sản phẩm của Dự án trong thời điểm thị trường bất động sản diễn biến theo nhiều cung bậc đã vượt quá mong đợi của lãnh đạo Viglacera.

Tính đến thời điểm này, gần 1.000 hồ sơ đăng ký mua căn hộ đã được Viglacera tiếp nhận. Điều đáng nói, Dự án Đặng Xá II chỉ mới khởi công trong tháng 4/2013 và dự kiến bàn giao những căn hộ đầu tiên trước Tết Giáp Ngọ, chỉ sau chưa đầy 1 năm thi công, điều mà hiếm có nhà đầu tư bất động sản nào làm được.

Nói về thành công của dự án này, ông Đào Đình Thi, Phó tổng giám đốc Viglacera chia sẻ, thị trường bất động sản đã quay về với giá trị thực, bộ phận lớn người dân đang cần sẽ có đất sống, và Viglacera là doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhà ở… sẽ phải nỗ lực ở mức cao nhất để triển khai dự án hiệu quả.

“Chúng tôi đã tận dụng được tối đa năng lực về thi công và sử dụng các thiết bị do doanh nghiệp thành viên cung cấp, nên kiểm soát được chất lượng và giá thành cũng được chốt ở mức cạnh tranh và hấp dẫn so với giá thị trường”, ông Thi nói và cho biết, mức giá cho một căn hộ tại đây chỉ từ 310 triệu đồng.

Không chỉ bó hẹp ở phân khúc nhà ở thu nhập thấp, năm qua, sự kiện Viglacera hoàn thành phần thô 2 tòa nhà A, B, thuộc Dự án Nhà ở thương mại Thăng Long Number One đã thể hiện quan điểm về sự đa dạng hóa sản phẩm bất động sản của Viglacera. Đây là dự án có vị trí đắc địa, gồm 2 tòa tháp cao 40 tầng, hoàn toàn do người Việt làm chủ đầu tư và thi công, với hơn 1.000 căn hộ chất lượng phục vụ thị trường.

Duy trì vị thế “người dẫn đầu”

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc lại một trong những bước chuyển quan trọng của Viglacera trong năm qua, khi Tổng công ty chuyển đổi mô hình hoạt  động theo Quyết định 2343/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty, với vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng.

Trong những ngày cuối năm 2013, Viglacera đã công bố thông tin trước khi thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), dự kiến vào quý I/2014. Mục tiêu xuyên suốt của Viglacera là tiếp tục lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất vật liệu xây dựng, giữ “phong độ” là “người dẫn đầu”.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư tài chính, Viglacera có đặc thù là công ty mẹ kinh doanh và đầu tư hiệu quả, chiếm tỷ trọng lớn, có thể hỗ trợ các công ty con, nên việc cổ phần hóa công ty mẹ diễn ra khá thuận lợi.

Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Viglacera cho biết, quý I/2014, Viglacera sẽ IPO với mức giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần. Khối lượng chào bán ra bên ngoài thông qua đấu giá là xấp xỉ 76,95 triệu cổ phần (tương đương 25,07% vốn điều lệ).

“Sau khi cổ phần hóa, Viglacera sẽ phấn đấu đưa lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản đạt tỷ lệ 40-45% giá trị toàn Tổng công ty, mức tăng trưởng kỳ vọng hàng năm đạt bình quân 10-15%”, ông Minh nói.

Tin bài liên quan