VCCI kiến nghị 6 điểm "cứu" doanh nghiệp

VCCI kiến nghị 6 điểm "cứu" doanh nghiệp

VCCI vừa có báo cáo về tình hình doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính Phủ. Chúng tôi xin đăng tải để độc giả được biết.

Báo cáo của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc

tại cuộc họp Chính phủ ngày 3-4 tháng 5 năm 2012

 

Tháng 4 năm 2012, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đồng thời tiến hành các cuộc khảo sát quy mô lớn với các doanh nghiệp trong cả nước. Kết quả các cuộc khảo sát này đưa ra bức tranh về tình hình doanh nghiệp tương đối trùng khớp. Trên cơ sở kết quả khảo sát và trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin được báo cáo về tình hình và kiến nghị của các doanh nghiệp như sau:

Trong năm 2011 và đặc biệt là quý I năm 2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc và số lượng lao động. Tỷ lệ các doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất và giải thể trong năm 2011 và quý I năm 2012 chiếm 8,4% (trong đó ngừng sản xuất chiếm 4,3% và giải thể là 4,1%). Cần khẳng định rằng việc doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường. Ở các nước phát triển tỷ lệ doanh nghiệp giải thể ngay trong 3 năm đầu sau khi thành lập là khoảng 25-30%. Ở nước ta, do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung còn thấp, nên trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao là điều dễ hiểu. Phần lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể là do kinh doanh thua lỗ, nhưng cũng có những lý do khác. Một số doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể một cách chủ động do yêu cầu của quá trình tái cấu trúc. Theo số liệu khảo sát, có khoảng 17% số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 4,4% số các doanh nghiệp giải thể là để chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh, gần 4,7% số doanh nghiệp giải thể là để mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp khác, 10,3% số các doanh nghiệp giải thể để thành lập doanh nghiệp mới.

 

Có một điều đáng lưu ý là trong khi tỷ lệ doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước ngừng hoạt động hoặc giải thể chiếm tới trên 9,2% thì khu vực FDI chỉ có gần 2,6%. Điều này có thể lý giải là do khu vực FDI gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, có thị trường tiêu thụ ổn định, có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ với chi phí thấp, có khả năng quản trị kinh doanh bài bản nên có khả năng trụ vững tốt hơn.

 

Về triển vọng kinh doanh trong năm 2012: có tới 68,5% số doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, 31,5% sẽ thu hẹp quy mô kinh doanh và một bộ phận trong số này có thể sẽ phải ngừng hoạt động hoặc giải thể). Trong quý I/2012, vẫn có hơn 18.700 doanh nghiệp mới được thành lập. Các con số này cho thấy, mặc dù bối cảnh kinh tế rất khó khăn và sự lạc quan có phần giảm sút, nhưng phần lớn các doanh nghiệp sẽ vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô. Kết quả khảo sát còn cho thấy, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế và tin rằng Chính phủ đang có những bước đi đúng hướng. Họ xác định chịu đựng khó khăn trong ngắn hạn để kiềm chế lạm phát là cần thiết để có được một môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn trong tương lai. Hơn nữa, áp lực trong khó khăn cũng là cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và một bộ phận doanh nghiệp đang làm tốt việc này.

 

Nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng thuận cao với chủ trương và việc tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp của Nghị quyết 11 của Chính phủ về việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì tăng trưởng. Doanh nghiệp nhận thức rằng việc Chính phủ thực hiện các biện pháp mạnh để kiểm chế lạm phát là rất cần thiết và đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp nhằm hạn chế tác động của chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ thì còn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình trợ giúp có trọng điểm, có mục tiêu hướng vào phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Hiện nay, theo phản ánh, tình hình chung của các doanh nghiệp là rất khó khăn. Mà khó khăn lớn nhất đó là: chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao ( chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu và giá vốn cao) và khó khăn về thị trường tiêu thụ thu hẹp (do sức mua giảm mạnh), lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở một số ngành như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo,thương mại, vận tải kho bãi… Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các nỗ lực điều hành chính sách của Chính phủ tập trung vào việc giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ giải quyết vấn đề thị trường đầu ra song song với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

 

Dự báo, trong thời gian tới, những doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu tiếp tục sẽ phải rút khỏi thị trường là điều khó tránh khỏi và đó cũng là yêu cầu của cải cách cơ cấu. Bởi vì nguồn lực của chúng ta không nhiều và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải gắn với định hướng tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nên không thể dàn trải. Vì vậy, định hướng chính sách theo chúng tôi, vẫn phải tiếp tục nhằm hỗ trợ các đối tượng mục tiêu như Nghị quyết 11 của Chính phủ đã xác định. Đặc biệt, phải chú ý rà xét, xác định rõ và trợ giúp kịp thời các doanh nghiệp có tiềm năng về năng lực cạnh tranh và các dự án có hiệu quả (thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi quy mô) nhưng đang gặp phải những khó khăn tạm thời để doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển. Theo tinh thần đó, sau đây là một số kiến nghị cụ thể:

 

1- Về chính sách tài khóa và thị trường vốn

 

Trong bối cảnh hiện nay, khi khả năng tăng trưởng tín dụng khó khăn, do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu và do độ trễ của chính sách tín dụng thì chính sách tài khóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn và giảm chi phí kinh doanh, mở thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Những giải pháp cần thực hiện trong lĩnh vực này là:

 

1.1-Tăng tiến độ phân bổ và giải ngân cho các dự án đầu tư công trong kế hoạch, bảo đảm cung ứng vốn cho các công trình, tạo việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng và giải quyết đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng góp phần giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp và sớm đưa các công trình vào sử dụng.

 

1.2-Giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể là: giảm 30% đến 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2012 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011. Đẩy nhanh lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%.

 

1.3-Kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng... Có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ trên một cách hợp lý để tránh tăng chi phí dồn dập. Trước mắt không áp dụng các loại phí mới như: phí hạn chế phương tiện giao thông… Xem xét giảm phí công đoàn. Giãn và giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vv…

 

1.4-Thực hiện các biện pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển thị trường vốn để tạo điều kiện cho DN huy động nguồn lực xã hội thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu và thông qua quỹ đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư của của khu vực ngoài Nhà nước, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng như hiện nay (tới 80%).

 

1.5-Hạn chế phát hành nợ của Chính phủ (dưới hình thức trái phiếu và tín phiếu) để giảm sự chèn lấn đối với nợ của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình. Hiện nay, việc phát hành trái phiếu và tín phiếu đang cung cấp một đầu ra an toàn cho các ngân hàng thương mại nhưng lại làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp và không giúp làm cho lãi suất giảm một cách tương ứng với tốc độ giảm của lạm phát.

 

2.Về chính sách tiền tệ và tín dụng.

 

Tại thời điểm VCCI thực hiện khảo sát doanh nghiệp (từ ngày 1-4-2012 đến 20-4-2012) theo phản ánh vẫn có khoảng 50% doanh nghiệp đang vay vốn với mức lãi suất trên 18%, trong khi mức lãi suất vay mà đa số họ (khoảng 75% số doanh nghiệp) có thể chịu đựng được là 15% và mức lãi suất vay mà họ cho là hợp lý là khoảng 13%-14% . Chúng tôi đề nghị:

 

2.1-Tiếp tục lộ trình giảm lãi suất một cách tích cực để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Chỉ số CPI tháng 4/2012 đã giảm xuống chỉ còn 10,5% so với cùng kỳ năm 2011, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất trong khi vẫn bảo đảm cho người gửi tiền có lãi suất thực dương và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

 

2.2-Tiếp theo việc sửa đổi thông tư 493, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, theo hướng rà soát, phân loại nợ, cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư có tác động kinh tế - xã hội lớn, có phương án kinh doanh đạt hiệu quả, đặc biệt ưu tiên cho vay đối với các công trình dự án dở dang sắp hoàn thành để tránh lãng phí xã hội, tạo việc làm cho người lao động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể hoàn trả vốn vay ngân hàng.

 

2.3-Điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần khuyến khích xuất khẩu.Tiếp tục cơ chế cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để hạ thấp chi phí vốn cho các doanh nghiệp này duy trì sản xuất kinh doanh và giữ vững thị trường xuất khẩu.

 

2.4-Mở rộng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành nghề và lĩnh vực trọng điểm.

 

2.5-Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Để triển khai việc này cần có các biện pháp tổng thể, không chỉ liên quan đến mức lãi suất mà cả thủ tục vay vốn, bảo lãnh tín dụng, tạo nguồn vốn và đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng được vay. Trước mắt, đề nghị tập trung vào các vấn đề sau:

 

-Sớm thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56/ 2009- NĐ-CP tạo nguồn vốn đề ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối với các DNNVV.

 

-Triển khai mô hình cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp cực nhỏ (dưới 10 lao động ) có kế hoạch kinh doanh khả thi và có các tiêu chí định mức tín nhiệm tin cậy với sự hợp tác của các hiệp hội. Mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng sản phẩm của các doanh nghiệp.

 

-Rà xét, đánh giá để có biện pháp mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV của Ngân hàng phát triển Việt Nam và của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương.

 

-Có biện pháp khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng và thực hiện các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho DNNVV

 

-Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn, hướng dẫn cho đối tượng này xây dựng kế hoạch kinh doanh và dự án vay vốn từ các ngân hàng.

 

3.Về chính sách phát triển thị trường

 

Hiện nay thị trường tiêu thụ là vấn đề khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp. Để giải quyết việc này cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường trong nước. Cần tiếp tục cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển thị trường nội bộ qua sự liên kết của các hiệp hội doanh nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết ngành, vùng . Triển khai các biện pháp đưa hàng Việt về nông thôn. Hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh doanh của người nghèo đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác tiềm năng của thị trường vùng sâu, vùng xa, đối tượng người có thu nhập thấp bằng việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng với giá cả và phương thức phân phối phù hợp.

 

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực để có thể trở thành những nhà cung ứng sản phẩm cho đầu tư và chi tiêu công. Nghiên cứu sửa đổi Luật và các quy định về đấu thầu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận tốt hơn và tận dụng được lợi thế khi tham gia đấu thầu xây dựngvà mua sắm công. Có quy định dành một tỷ lệ thích hợp các gói thầu cho DNNVV. Đề nghị xem xét miễn thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm linh kiện, máy móc thiết bị nhâp khẩu mà trong nước chưa sản xuất được phục vụ các công trình dự án theo hình thức đấu thầu EPC do các doanh nghiệp trong nước thực hiện.

 

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước, các khu vực để mở của thị trường, bố trí tăng kinh phí và nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tập trung vào các thị trường mới có tiềm năng.

 

4.Về cải cách thủ tục hành chính

 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo các gói đề xuất của Đề án 30 của Chính phủ, bảo đảm các cơ quan công quyền và công chức đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm công khai minh bạch, giảm thời gian, chi phí và rủi ro hành chính cho doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay thì hợp tác của cơ quan chính quyền địa phương với doanh nghiệp trong việc giải quyết tốt các thủ tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án có tiềm năng và ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Đối với các dự án mà chủ đầu tư đang có khó khăn thì cần xem xét giãn các khoản phải nộp cho địa phương, giãn tiến độ thực hiện, phân kỳ đầu tư thực hiện từng tiểu phần của dự án để giảm bớt áp lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

5.Về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc

 

Đề nghị Chính phủ ban hành sớm đề án tái cấu trúc nền kinh tế đồng thời với việc xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia để định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc các DNNN và các ngân hàng thương mại. Ngoài các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lớn nâng cao trình độ quản trị, đặc biệt là quản trị chiến lược và tài chính, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi xây dựng các chuẩn mực quản trị hiện đại, thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế kiểm soát rủi ro trong doanh nghiệp.

 

6.Về công tác thông tin, đối thoại giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp

 

Tăng cường cơ chế thông tin và đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp, phản ánh kịp thời thực trạng và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp tới Chính phủ và thông tin về định hướng chính sách của chính phủ đối với doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận và niềm tin vào thị trường. Hiện nay, hệ thống thông tin về doanh nghiệp khá phân tán và chưa được cập nhật tốt. Đề nghị các Bộ ngành hữu quan, trước hết là Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm hơn tới việc này. Về phía VCCI, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các Bộ, Ngành trong việc góp phần xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ chủ động tiến hành các nghiên cứu khảo sát đánh giá định kỳ về tình hình và kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Trên đây là báo cáo tóm tắt về tình hình và kiến nghị của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kính trình Thủ tướng xem xét, quyết định.