Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH): Mở rộng kinh doanh, tương lai có sáng?

(ĐTCK) Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) chỉ ghi nhận mức tăng 5,7% so với cùng kỳ 2018, các chi phí gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 2,4%. Trong bối cảnh mảng khai thác cảng có xu hướng bão hòa, hoạt động vận tải vẫn đối mặt nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh đầu tư vào mảng kho bãi liệu có đủ để đem lại cho HAH động lực tăng trưởng mới?
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kinh doanh khó khăn, cổ đông lớn liên tục thoái vốn

Thành lập tháng 5/2009 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, mặc dù là tên tuổi đi sau trong ngành cảng và vận tải đường biển nhưng CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH - trước đây là Công ty TNHH Vận tải và xếp dỡ Hải An) lại được đánh giá sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn và nhiều tiềm năng phát triển.

Lợi thế này một mặt đến từ các thành viên góp vốn ban đầu đều là những đơn vị “lão làng” trong ngành logistics, bao gồm CTCP Cung ứng và dịch vụ kỹ thuật hàng hải (MAC), CTCP Hàng hải Hà Nội (nay là CTCP MHC), CTCP Đóng mới và sửa chữa tàu Hải An (nay là CTCP Đóng tàu Hải An) và CTCP Hải Minh (HMH).

Đến tháng 10/2010, khi HAH tăng vốn điều lệ lên 187,5 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông tiếp tục đón nhận thêm nhiều tổ chức “chất lượng”, bao gồm CTCP Đầu tư và vận tải Hải Hà, CTCP Dịch vụ hàng hải (nay là CTCP Hàng hải MACS) và CTCP Kho vận giao nhận ngoại thương (nay là CTCP Transimex).

Bên cạnh đó, HAH cũng được đánh giá cao về lợi thế vị trí địa lý khi sở hữu cảng Hải An nằm tại thượng nguồn sông Cấm, Hải Phòng, cửa ngõ giao thương hàng hóa của khu vực phía Bắc bằng đường biển.

Thực tế, sau khi cảng container Hải An đi vào hoạt động từ tháng 12/2010 với công suất thiết kế 250.000 TEU có khả năng đón tàu trọng tải 20.000 DWT, giai đoạn 2011 - 2013, kết quả kinh doanh của Công ty liên tục tăng trưởng và đến năm 2013, sản lượng hàng thông quan đã vượt qua công suất thiết kế.

Việc đầu tư thêm mảng vận tải biển với việc tiếp nhận tàu và mở tuyến vận chuyển container nội địa đầu tiên vào tháng 6/2014 với 3 chuyến tàu/tuần càng khiến doanh thu, lợi nhuận của Công ty có sự chuyển biến tích cực.

Kết thúc năm 2015 - năm đầu tiên cổ phiếu HAH niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), báo cáo tài chính của HAH cho biết, Công ty đã đạt 524,8 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế đạt 166,9 tỷ đồng, tăng 26,88% về doanh thu và 26,8% về lợi nhuận so với năm 2014.

Tốc độ tăng trưởng kép doanh thu, lợi nhuận bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt lần lượt 43,3% và 72,6%.

Tuy nhiên, đây cũng là năm có lợi nhuận tốt nhất của HAH. Tình hình sau đó có nhiều thay đổi theo chiều hướng khó khăn hơn.

Nguyên nhân một mặt đến từ các doanh nghiệp cảng tập trung tại khu vực Hải Phòng liên tiếp đầu tư mở rộng, đưa cảng mới vào hoạt động đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh về giá cước dịch vụ để thu hút khách hàng. Sau khi tăng trưởng chậm lại trong năm 2016 - 2017, trong năm 2018, doanh thu mảng khai thác cảng của HAH đã suy giảm 20% so với 2017.

Đối với mảng vận tải biển, tình hình cũng kém khả quan. Việc đầu tư thêm đội tàu mới, tăng chuyến giúp sản lượng và doanh thu tăng, nhưng giá cước vận tải có xu hướng giảm, trong khi các chi phí đầu vào gia tăng khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp.

Do doanh thu hoạt động cảng biển - vốn có biên lợi nhuận gộp cao suy giảm, Công ty phải đẩy mạnh hoạt động vận tải có biên lợi nhuận thấp hơn, đồng thời chính mảng vận tải biển cũng chịu nhiều khó khăn do giá cước giảm thấp càng khiến biên lợi nhuận gộp liên tục đi xuống.

Nếu như năm 2015, biên lợi nhuận gộp hợp nhất đạt 41,9% thì năm 2016 đã giảm xuống 34,2%, năm 2017 còn 26,2% và năm 2018 chỉ còn 20,8%.

Kết thúc năm 2018, mặc dù doanh thu Công ty đạt 1.054 tỷ đồng, tăng 35,5% so với 2017, nhưng biên lợi nhuận suy giảm, trong khi các chi phí bán hàng, chi phí quản lý và chi phí tài chính gia tăng khiến HAH chỉ đạt 158,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ tăng 4,1% so với năm 2017 và vẫn thấp hơn mức lợi nhuận thu được của năm 2015.

Lợi nhuận không tăng trong khi quy mô tài sản, nguồn vốn tiếp tục gia tăng do nhu cầu đầu tư mở rộng khiến các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tài sản, nguồn vốn của HAH bị kéo giảm đáng kể. Tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo đó cũng có xu hướng giảm xuống.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh doanh của HAH vẫn cho thấy khá nhiều khó khăn.

Báo cáo tài chính cho biết, Công ty đã đạt 524,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại đáng kể so với mức tăng của 2018. Mặc dù biên lợi nhuận gộp cải thiện đạt 22,4% từ mức 19,2% cùng kỳ, nhưng vẫn không đủ để bù đắp các chi phí gia tăng. Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng, ghi nhận giảm 2,4% so với cùng kỳ 2018.

Kinh doanh khó khăn, giá cổ phiếu HAH trên thị trường cũng liên tục suy giảm. Thị giá (sau điều chỉnh các quyền cổ tức, phát hành) đến cuối năm 2018 đã giảm hơn 50% so với cuối năm 2015. Nhiều cổ đông tổ chức lớn, cổ đông sáng lập như TMS, MAC, HMH, MHC và quỹ đầu tư nước ngoài cũng lần lượt thoái vốn, giảm tỷ lệ tại HAH càng khiến thị giá chịu nhiều áp lực. Điển hình trong số này có thể kể đến như việc thoái vốn của TMS kéo dài suốt từ đầu năm 2016 và chỉ mới hoàn tất vào tháng 8/2019 vừa qua.

Đẩy mạnh đầu tư kho bãi, tương lai HAH có sáng hơn?

Trước tình hình khó khăn của hoạt động cảng biển và vận tải biển khiến đà tăng trưởng lợi nhuận chững lại, từ năm 2017, HAH đã định hướng đầu tư mạnh vào mảng hoạt động kho bãi và lưu giữ hàng hóa, song song với gia tăng đội tàu để nâng cấp năng lực vận tải biển.

Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH): Mở rộng kinh doanh, tương lai có sáng? ảnh 1

Trong năm 2018, kho CFS trong cảng được Công ty TNHH Đại lý và tiếp vận Hải An (HAAL - công ty liên kết của HAH) hoàn thành sửa chữa và nâng cấp và khai thác trở lại từ tháng 11/2018.

Cùng với đó, HAH đã góp vốn cùng Pantos Holding (Hàn Quốc) thành lập liên doanh Pan - Haian để đầu tư dự án Trung tâm Logistics Pan Hải An trên diện tích 154.000 m2 tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng.

Giai đoạn 1 (xây dựng depot có tổng diện tích 80.000 m2) đã được đưa vào khai thác từ tháng 8/2018 với chức năng chính là lưu giữ container rỗng và sửa chữa container. Được biết đến cuối tf tháng 3/2019, Pan Haian đã đạt được sản lượng lưu bãi trung bình trên 2.000 TEUs cùng với sản lượng container nhập xuất đạt ở mức trung bình 200 lượt/ngày.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) tháng 4/2019, việc mở rộng kho bãi tại Nam Hải Đỉnh Vũ được xác định tiếp tục là trọng tâm trong kế hoạch đầu tư của HAH trong năm 2019 với mục tiêu đưa giai đoạn 2 của dự án vào hoạt động từ cuối năm 2020.

Khi hoàn thành, sẽ nâng tổng công suất kho bãi container đạt 300.000 - 500.000 TEU/năm, kỳ vọng thu về 325 tỷ đồng doanh thu/năm.

Song song với đầu tư tại Nam Hải Đình Vũ, trong năm 2018, Công ty đã đặt cọc 70 tỷ đồng để ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 90% dự án “Bãi container và dịch vụ cảng” tại Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây là dự án HAH sẽ đầu tư depot với diện tích 31 ha, gồm ba cầu tàu cho sà lan có trọng tải 120 - 160 TEU, 18 ha bãi và 60.000 m2 kho.

Trong năm 2019, định hướng sẽ hoàn tất các thủ tục đất đai, san lấp mặt bằng và tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư với mục tiêu sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2022. Đến thời điểm 30/6/2019, số tiền đặt cọc đã tăng lên 90 tỷ đồng.

Trong bối cảnh mảng khai thác cảng có xu hướng bão hòa, hoạt động vận tải vẫn đối mặt nhiều khó khăn, kế hoạch đầu tư mạnh vào mảng kho bãi được kỳ vọng sẽ hoàn thiện chuỗi cung ứng logistics cho HAH, từ vận tải biển, cảng đến kho bãi, đem lại cho Công ty động lực tăng trưởng mới. Tuy vậy, bài toán nguồn vốn sẽ là áp lực không nhỏ lên dòng tiền của HAH trong năm 2019 và những năm tới đây.

Tính đến cuối tháng 6/2019, cơ cấu nguồn vốn của HAH hiện vẫn ở mức khá an toàn với tỷ lệ nợ vay chỉ chiếm 18,1% tổng nguồn vốn, chi phí lãi vay chỉ chiếm 7,1% EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay).

Mặc dù dư nợ vay thấp là cơ sở để Công ty có thể tăng cường sử dụng vốn vay mà không đẩy cấu trúc vốn vào mức rủi ro trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ khiến lợi nhuận của Công ty nhạy cảm hơn với biến động lãi suất, nhất là khi xu hướng lãi suất hiện đang cho thấy chịu nhiều sức ép gia tăng.

Tại ĐHCĐ 2019, trong kế hoạch 430 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư, HAH đã dự kiến sử dụng khoảng 275 tỷ đồng vốn vay. Thực tế, dư nợ vay của HAH đang có xu hướng tăng nhanh trong nửa đầu năm nay.

Tính đến 30/6/2019, Công ty đang có 314,3 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn, tăng 30,1% so với đầu năm và gấp 2,28 lần cuối tháng 6/2018. Tăng nợ vay cũng khiến chi phí lãi vay đạt 7 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2018.

Một số phân tích đánh giá, dự kiến sẽ phải mất 2 - 3 năm để các dự án đầu tư mới của HAH hoàn thành và có sự đóng góp đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận. Còn trong ngắn hạn, khi mà nhu cầu đầu tư tăng cao khiến chi phí gia tăng gây thêm sức ép lên lợi nhuận, chắc chắn khả năng chi trả cổ tức của Công ty cũng sẽ khó lạc quan hơn.

Tại ĐHCĐ 2019, HAH đặt ra kế hoạch cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu, giảm so với mức 1.500 đồng/cổ phiếu chi trả trong năm 2018.

Đây sẽ là những khó khăn tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư vào cổ phiếu của một trong những doanh nghiệp có năng lực hàng đầu ngành vận tải biển Việt Nam hiện nay.

Tin bài liên quan