Văn hóa Phương Nam (PNC): “Nội chiến kết thúc”

Văn hóa Phương Nam (PNC): “Nội chiến kết thúc”

(ĐTCK) Đại hội cổ đông Bất thường lần thứ 3 vào ngày 26/10/2017 của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC – HOSE) cuối cùng cũng được thông qua toàn bộ nội dung tờ trình, kết thúc việc tranh giành quyền lực lâu nay.

Trước đó, Đại hội cổ đông bất thường lần 3 tổ chức vào ngày 17/10/2017 vừa qua của PNC đã được “tạm hoãn”.

Lý do vào ngày 11/10, PNC nhận được đơn kiến nghị của nhóm cổ đông lớn gồm CTCP Phát triển kinh doanh Trường Phát (sở hữu 24,3% vốn) và CTCP Phát triển kinh doanh Thành Vinh (sở hữu 22,78% vốn) đề nghị toạn hoãn để thêm một số nội dung khác vào chương trình Đại hội, và chờ kết quả giải quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án trong việc yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết 02//NQ-ĐHĐCĐ-2017 ngày 05/5/2017 của PNC.

Các tờ trình bổ sung mà nhóm cổ đông lớn nêu trên đã được đưa vào chương trình Đại hội bất thường lần này đáng kể nhất là phương án miễn nhiệm HĐQT, BKS và phương án bầu lại Thành viên HĐQT và Thành viên BKS nhiệm kỳ 2017 -2021.

Cuối cùng, Đại hội đã thông qua tất cả các nội dung bao gồm kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016, mục tiêu kinh doanh 2017, các báo cáo kiểm soát và kiểm toán độc lập… và thay máu toàn bộ dàn lãnh đạo Công ty.

Cụ thể, PNC miễn nhiệm toàn bộ Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát cũ, bao gồm:

Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới hoàn toàn bao gồm các ông: Đặng Bá Tùng, Nguyễn Hữu Hoạt, Đỗ Hoàng Trang, Nguyễn Đức Long, Huỳnh Đăng Khoa.

Trong đó, ông Đặng Bá Tùng làm Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Hoàng Trang và ông Nguyễn Hữu Hoạt làm Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021. Ông Nguyễn Hữu Hoạt (đại diện 15% vốn của Tổng Công ty In – Bao bì Liksin) được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty kể từ ngày 26/10/2017.

Trước khi Đại hội bất thường lần 3 được “tiếp tục” thì trong ngày 20/10, theo phương thức thỏa thuân, toàn bộ dàn lãnh đạo cũ và người có liên quan của PNC đã bán xong tất cả các cổ phiếu PNC sở hữu, trong đó bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT đã bán 605.000 cổ phiếu PNC, tỷ lệ 5,6%.

Ông Lê Lam Viên bán hết gần 620.000 cổ phiếu, tỷ lệ 5,73%. Bà Trần Thị Phương Dung, vợ ông Viên bán 16.470 cổ phiếu PNC. Ông Võ Ngọc Thành đã bán 468.000 cổ phiếu, tỷ lệ 4,33%.

Các ông bà khác trong Ban kiểm soát và các lãnh đạo khác như Cao Danh Hà, Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Kim Đảnh, Trần Thị Mai, cũng đã bán xong toàn bộ, khoảng vài chục nghìn đơn vị mỗi người.

Tổng cộng nhóm 8 cổ đông này đã bán xong 16,85% vốn điều lệ PNC.

Văn hóa Phương Nam (PNC): “Nội chiến kết thúc” ảnh 2

Cơ cấu cổ đồng của PNC trước ngày 20/10/2017. Ảnh đồ hòa: BizLive

Như vậy, cuộc chiến nội bộ cổ đông của PNC đã kết thúc với việc gần như chấm dứt 35 năm làm việc và công tác của bà Phan Thị Lệ tại PNC.

Nhận xét về nguyên nhân mâu thuẫn này, giới đầu tư cho rằng, việc đang sở hữu 20% tại cụm rạp phim CGV ở Việt Nam và một số bất động sản nằm rải rác ở TP.HCM đang được PNC ghi nhận trên sổ sách với giá trị thấp có thể là khoản đầu tư hấp dẫn cũng là điểm khởi nguồn của các xung đột lợi ích tại PNC.

Bởi chỉ tính riêng 20% cổ phần tại cụm rạp CGV tại Việt Nam hiện được định giá khoảng 70 - 80 triệu USD, thậm chí có khả năng tới 100 triệu USD,  tức khoảng 1.800 - 2.200 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của PNC tại thời điểm 30/6/2017 chỉ là hơn 594 tỷ đồng.

Tại Đại hội, PNC cũng đã thông qua sơ bộ kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tổng doanh thu 600 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu thuần là 35%, lợi nhuận trước thuế là 10 tỷ đồng.

Chốt phiên sáng nay (27/10), cổ phiếu PNC kết thúc chuỗi 4 phiên tăng trần, đứng giá tham chiếu 28.700 đồng/cổ phiếu và trắng thanh khoản.

Tin bài liên quan