Cổ đông ngoại bơm vốn giải cứu
JSI tiền thân là Công ty cổ phần chứng khoán Hoa Anh Đào được thành lập năm 2009, dưới sự hợp tác của một tổ chức trong nước là Tổng công ty Viglacera và 3 tổ chức ngoại đến từ Nhật Bản gồm: Công ty chứng khoán Aizawa, Công ty Japan Asia Holdings và Công ty Đầu tư Tanamark. Với dàn cổ đông ngoại có tiếng không chỉ với thị trường Nhật Bản, mà cả tầm châu Á, những tưởng JSI sẽ mang lại luồng gió mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng sau 10 năm hoạt động, JSI thua lỗ triền miên, vốn chủ sở hữu đã thấp lại còn bị “bốc hơi” theo đà thua lỗ.
Tình huống đẩy JSI đứng trước nguy cơ bị “treo” hoạt động xuất hiện ở thời điểm cách đây 2 năm. Khi đó, theo báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán, JSI lỗ lũy kế hơn 11,3 tỷ đồng sau 2 năm 2017 và 2016 liên tiếp thua lỗ, khiến vốn chủ sở hữu giảm còn 30,3 tỷ đồng. Đây là lý do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã yêu cầu JSI phải có biện pháp khắc phục tình trạng vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, không đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh...
Giữa lúc khó khăn bủa vây, vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, quá trình đổi chủ tại JSI bắt đầu khi UBCK chấp thuận cho các cổ đông (cả trong và ngoài nước) của JSI chuyển nhượng toàn bộ 80,5% cổ phần cho Công ty Chứng khoán Aizawa (Nhật Bản). Sau thương vụ chuyển nhượng cổ phần này, vào thời điểm tháng 6/2018, JSI trở thành công ty con của Công ty chứng khoán Aizawa Nhật Bản.
Sau khi chủ mới xuất hiện để cứu Công ty thoát khỏi nguy cơ bị ngừng hoạt động, chủ ngoại đã mở hầu bao giúp JSI tăng vốn điều lệ từ 41 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, trong đó cổ đông ngoại- Công ty chứng khoán Aizawa Nhật Bản sở hữu lượng cổ phần lên gần 98%. Cú rót vốn này của chủ ngoại vào JSI có phần nhỏ hơn nhiều so với sự bạo chi của nhiều ông chủ ngoại tại các công ty chứng khoán khác như: Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, Công ty chứng khoán KB Việt Nam…
Sau các đợt bơm tiền mạnh của các ông chủ ngoại, hiện các công ty này có mặt trong top những công ty chứng khoán có vốn nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Làm sạch” lỗ lũy kế, bao giờ?
Sau 4 năm lỗ liên tục (2014-2017), năm 2018, JSI có nhiều thay đổi, trong đó có việc chuyển trụ sở chính đến địa điểm mới: tầng 14, TNR Tower (54A Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), đội ngũ nhân sự cũng được làm mới với các vị trí chủ chốt đa phần đến từ Nhật Bản.
Trong năm này, lần đầu tiên JSI ghi nhận lãi tuy chỉ có 413 triệu đồng trước kiểm toán, nhưng cũng cho thấy Công ty dần xác định được hướng đi để trụ lại trên TTCK Việt Nam.
Hiện tại, JSI hoạt động với người đứng đầu là ông Tsuyoshi Imai, nắm giữ đồng thời cả chức Chủ tịch HĐQT lẫn Tổng giám đốc. So với tiêu chuẩn quản trị tại Việt Nam, việc người lãnh đạo nắm cả hai vị trí quan trọng tại doanh nghiệp là điều không được khuyến khích. Tuy nhiên, phía JSI thì cho rằng, đây là sự lựa chọn phù hợp với quy mô và nhu cầu quản trị hiện tại của Công ty. Ông Tsuyoshi Imai là người có nhiều kinh nghiệm khi ông có gần 20 năm hoạt động tại quỹ đầu tư tại Mỹ.
Cùng với đó, Công ty mẹ Aizawa cử nhiều nhân sự Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam với mong muốn trợ giúp JSI tại thị trường này, đồng thời hỗ trợ Công ty đến với các thị trường khác tại châu Á. Hiện tại, các vị trí chủ chốt khác như: Phó tổng giám đốc phụ trách khối nghiệp vụ, bộ phận tư vấn…, cũng đều do người Nhật Bản nắm giữ.
Trụ sở mới, người mới, nhưng nhìn vào sản phẩm, dịch vụ của JSI lại chưa tạo được dấu ấn khác biệt trên thị trường.Đây có thể là lý do chưa giúp JSI đổi vận, khi mà kết quả kinh doanh mới nhất vẫn cho thấy JSI chưa thoát lỗ lũy kế.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2018, JSI còn lỗ lũy kế gần 11 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu giảm còn 89,7 tỷ đồng. Dù có lợi thế nhân sự Nhật Bản, nhưng ở mức vốn quá nhỏ này, JSI phải làm gì để sạch lỗ lũy kế và cạnh tranh được trên TTCK Việt Nam đang là câu hỏi với Ban lãnh đạo Công ty.