Tổng giám đốc MBB: Đã đến lúc MB bước vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá

Tổng giám đốc MBB: Đã đến lúc MB bước vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá

(ĐTCK) Ông Thái cho rằng, sau giai đoạn tích lũy 5 năm qua, đây là lúc MB thay đổi rõ rệt từ mô hình hoạt động đến tốc độ tăng trưởng.

Trao đổi với báo giới trước kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, MB sẽ có sự chuyển mình rõ rệt trong 5 năm tới.

Đẩy mạnh khai thác cơ sở khách hàng từ Viettel

Những cơ sở quan trọng được MB đặt ra để tạo nền tảng cho sự đột phá này là đẩy mạnh phát triển khách hàng cá nhân, chuyển hướng Ngân hàng số và tăng hiệu quả từ các công ty thành viên. 

Trong đó, với mảng khách hàng cá nhân, MB sẽ tối ưu các sản phẩm, dịch vụ nhằm khai thác tốt nhất tập khách hàng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Hiện nay, Tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam này đang sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của MB (mã MBB). 

Ông Lưu Trung Thái cho biết, trong giai đoạn tới đây, một trong những mục tiêu quan trọng của MB chính là khai thác hiệu quả cơ sở khách hàng được đánh giá là lớn nhất Việt Nam này.

Theo đó, việc đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm cho nhóm khách hàng này sẽ là một trong những ưu tiên quan trọng mà MB thực hiện. Điều này cũng phù hợp với chiến lược mà MB đã hoạch định, bao gồm: tăng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ bán lẻ (nhóm khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ); số hóa hoạt động ngân hàng (số hóa giấy tờ, quy trình để tiếp kiệm thời gian, chi phí quản lý và đưa các các sản phẩm vào kênh số hóa, (chuyển dịch ngân hàng ứng dụng số) để tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

“Không lấy khách hàng từ các đối thủ khác”

Song song với mảng kinh doanh ngân hàng, ở mảng quản trị các công ty thành viên, ông Lưu Trung Thái cũng cho biết, MB đặt kỳ vọng lớn vào hoạt động tài chính tiêu dùng, với mục tiêu trong năm năm tới, công ty tài chính tiêu dùng (MCredit) mới của MB sẽ giữ vai trò chủ chốt đóng góp vào tổng doanh thu cũng như lợi nhuận của Ngân hàng.

Với sự hỗ trợ của đối tác Nhật Bản là Shinsei Bank, MCredit sẽ cạnh tranh nhu thế nào khi tham gia thị trường trong bối cảnh thị trường đang bị chi phối bởi 2 nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác? Về vấn đề này, ông Thái cho rằng, MCredit sẽ không lấy khách hàng từ đối thủ khác, mà xác định phục vụ những khách hàng chưa được phục vụ, trên phương châm chi phí vốn thấp, quản lý tốt rủi ro.

"Tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng vào khoảng 40%, với quy mô khoảng 25 tỷ USD. Nó đủ lớn cho 2 - 3 công ty nữa tham gia vào thị trường", ông Lưu Trung Thái nói, và cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ hướng đến những khách hàng chưa tham gia thị trường này. Với kinh nghiệm quản lý tín dụng của MB, công nghệ và kinh nghiệm từ đối tác Nhật Bản, MCredit sẽ thu hút khách hàng bằng giá phí hợp lý do quản lý tốt nợ xấu. Chúng tôi tin rằng, về lâu dài, giá cho vay tín dụng tiêu dùng sẽ phải giảm xuống”.

Cũng theo Tổng giám đốc MB, đầu năm 2017, MCredit đã tiến hành thử nghiệm công nghệ, sản phẩm và bước đầu ghi nhận kết quả rất khả quan. Ông cho hay, với phương châm làm chắc chắn ngay từ giai đoạn đầu trước khi tung đại trà ra thị trường, MB không đặt mục tiêu lợi nhuận lớn từ mảng tài chính tiêu dùng ngay bước đầu, nhưng trong 5 năm tới, mảng này sẽ phải đóng góp khoảng 5-7% lợi nhuận của MB, hướng đến mức 10% trên tổng cơ cấu lợi nhuận toàn hệ thống.

Đã đến lúc bước vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá

Trả lời cho câu hỏi, MB đang đi khá chậm trong 5 năm qua, ông Thái cho rằng, điều này là bình thường. Ông chia sẻ: “Chu kỳ phát triển của doanh nghiệp thường theo đồ thị hình sin, có lúc đi lên, có lúc đi xuống là điều bình thường Trong giai đoạn 5 năm qua MB vẫn tăng trưởng đều, có lúc cao hơn bình quân thị trường, lúc đi ngang hơn, nhưng vẫn luôn nằm trong TOP 5 các ngân hàng hàng đầu về hiệu quả hoạt động. Chúng tôi nỗ lực để rút ngắn giai đoạn đi ngang. 5 năm tới sẽ là giai đoạn bứt phá của MB”, ông Thái nói.

Theo đó, bên cạnh việc sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh để đảm bảo năng động, linh hoạt hơn, MB cũng kỳ vọng các công ty con phải có hiệu quả kinh doanh tương đương ngân hàng mẹ; đến năm 2020 sẽ đóng góp khoảng 20% lợi nhuận hợp nhất.

Với kế hoạch này, MB cũng đặt ra mục tiêu duy trì tỷ lệ cổ tức tối thiểu 11%/ năm mệnh giá cổ phần, phấn đấu tăng lên mức 13% và 15% mệnh giá trong thời gian tới.

Tin bài liên quan