Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT): Kiểm toán nghi ngờ tính chính xác của hàng nghìn tỷ đồng phải thu

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT): Kiểm toán nghi ngờ tính chính xác của hàng nghìn tỷ đồng phải thu

(ĐTCK) Đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ với các khoản phải thu trên báo cáo tài chính năm 2019 của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (mã PRT), gồm cả giao dịch “mua nhanh, hủy gấp” và giao dịch chuyển nhượng đất với giá thấp.

Báo cáo tài chính năm 2019 của PRT thể hiện, tại thời điểm cuối năm, Tổng công ty có tổng tài sản là 5.672 tỷ đồng, nợ phải trả là 2.509 tỷ đồng.

Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn là 154 tỷ đồng. PRT có hai khoản phải thu dài hạn lên đến 269 tỷ đồng từ CTCP An Bình (65 tỷ đồng) và CTCP Bất động sản U&I (269 tỷ đồng) và các khoản phải thu khác có giá trị lên tới 1.360 tỷ đồng.

Trong đó, khoản phải thu khác có giá trị lớn nhất có liên quan đến việc hủy hợp đồng chuyển nhượng 19% cổ phần của CTCP Đầu tư phát triển Tân Thành. Đây là giao dịch mà Báo Đầu tư Chứng khoán đã từng có bài viết chỉ ra một số dấu hiệu bất thường như góp vốn rẻ, mua lại đắt.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 cho thấy, PRT góp vốn vào Công ty Đầu tư phát triển Tân Thành 192 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ, góp bằng quyền sử dụng khu đất 145 ha).

Đến năm 2018, PRT có Nghị quyết số 01/ĐHĐCĐ ngày 26/10/2018 mua lại 19% cổ phần của Công ty Tân Thành, gồm 1.920.00 cổ phần (tương ứng 4% vốn của Công ty Hưng Vượng) với giá trị 203 tỷ đồng và 7.200.000 cổ phần (tương ứng 15% vốn điều lệ của ông Đặng Công Thanh) trị giá 761,3 tỷ đồng.

Với giao dịch trên, PRT đầu tư tổng số tiền 964,3 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư phát triển Tân Thành, sở hữu 49% cổ phần.

Năm 2019, các bên đã hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trên. PRT lý giải là “do các nguyên nhân khách quan”.

PRT cho biết, tính đến ngày 31/12/2019, Công ty Hưng Vượng mới hoàn trả được 20,3 tỷ đồng, còn phải thanh toán 182,7 tỷ đồng. Các bên thống nhất thời hạn thanh toán chậm nhất đến ngày 30/6/2020. Còn ông Đặng Công Thanh đã hoàn trả lại cho PRT 76,3 tỷ đồng, số tiền còn lại là 685 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2019 của PRT là Hãng Kiểm toán AASC đã có ý kiến ngoại trừ với giao dịch này.

Cụ thể, kiểm toán viên khẳng định: “không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng cần thiết để khẳng định giá trị của các giao dịch và khoản phải thu này, tính đầy đủ, hiện hữu và chính xác của khoản dự phòng tương ứng”.

Giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước ngày 13/5/2020, PRT cho biết đây là khoản phải thu với cá nhân và chỉ được đảm bảo thanh toán từ Công ty TNHH Phát triển Tân Thành mà không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, kiểm toán không đánh giá được khả năng thu hồi nợ.

Được biết, năm 2017, PRT được cổ phần hóa và hiện cổ đông Nhà nước là Công ty TNHH MTV Quản lý Dự án Bình Dương đang nắm giữ 60,98% vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ các sai phạm liên quan đến cựu Giám đốc Trần Văn Minh tại dự án được triển khai trước thời điểm cổ phần hóa trên khu đất dịch vụ 43 ha.

Tại phần thuyết minh báo cáo tài chính 2019, PRT cho biết, năm 2010, PRT và CTCP Bất động sản Âu Lạc góp vốn thực hiện dự án này với tỷ lệ vốn góp là 30% - 70%.

Năm 2016, PRT đã chuyển nhượng khu đất 43 ha trên với đơn giá 581.653 đồng/m2, giá trị là 250 tỷ đồng. Năm 2017, PRT chuyển nhượng 30% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Sau đó, thanh tra xác định giá chuyển nhượng khu đất trên thì thấy giá trị theo hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường (375 tỷ đồng), chênh lệch là 125,6 tỷ đồng. Trong năm 2019, PRT đã tạm nộp toàn bộ số tiền chênh lệch trên vào tài khoản Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương.

UBND tỉnh Bình Dương đã xác nhận giảm trừ 30% vào công nợ phải trả khác (ứng với 30% vốn  góp), phần còn lại gần 88 tỷ đồng PRT đang theo dõi phải thu Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú trên khoản mục Phải thu khác.

“Bằng các thủ tục kiểm toán đã thực hiện, chúng tôi không thể đưa ra đầy đủ các bằng chứng cần thiết để đưa ra ý kiến về tính hiện hữu, đầy đủ của khoản công nợ và giao dịch có liên quan”, báo cáo kiểm toán viết.

Phía PRT cũng xác nhận: “Việc ghi nhận khoản phải thu này chưa được Công ty Tân Phú xác nhận do Công ty Âu Lạc chưa thanh toán lại”.

Hậu cổ phần hóa, dù vẫn báo lãi khá tốt với hơn 300 tỷ đồng trong năm 2019, nhưng báo cáo kiểm toán đã cho thấy bức tranh tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của PRT có nhiều điểm không rõ ràng.

PRT đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM từ 7/5/2018, tuy nhiên rất nhiều phiên không có giao dịch hoặc thanh khoản nhỏ giọt.            

Tin bài liên quan