Viglacera từng là đích ngắm của không ít “thợ săn” nước ngoài, là những tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng

Viglacera từng là đích ngắm của không ít “thợ săn” nước ngoài, là những tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng

Thoái vốn Viglacera: Cần nhìn bức tranh lớn

(ĐTCK) Lãnh đạo Tổng công ty Viglacera (VCG) và người nhà đua nhau đăng ký mua vào cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu rớt sâu vì e ngại lượng cung hàng lớn chực chờ tung ra từ đợt thoái vốn nhà nước tại tổng công ty này khiến nhiều cổ đông của Viglacera có cảm giác mất phương hướng. Để tối đa hóa lợi ích các bên, họ cho rằng, Nhà nước cần sớm có giải pháp, thay vì “treo” lệnh bán cổ phiếu trên sàn.

Phương án ban đầu thất bại

Thời hạn cuối cùng của đợt chào bán hơn 80 triệu cổ phần thuộc diện thoái vốn nhà nước tại Viglacera đã kết thúc vào cuối tuần qua, dữ liệu khớp lệnh của mã VGC cho thấy, đợt chào bán đã không thành công khi khối lượng mỗi phiên trong thời gian Nhà nước chào bán cổ phần chỉ đạt 1 - 2 triệu đơn vị.

Nhiều cổ đông hiện hữu của Viglacera tỏ rõ sự xót xa khi giá cổ phiếu liên tục giảm kể từ phiên chào bán đầu tiên của Bộ Xây dựng hôm 28/6, thời điểm thấp nhất chỉ còn 16.000 đồng/cổ phiếu và hiện giao dịch quanh 17.700 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu VGC kể từ thời điểm Tổng công ty đấu giá cổ phần tăng vốn năm ngoái đều lỗ. Còn so với mức giá cao nhất mà VGC đạt được kể từ thời điểm đó đến nay, thị giá cổ phiếu đã giảm xấp xỉ 37%, mặc dù ở những đợt điều chỉnh trước, VGC thuộc nhóm “giữ giá tốt”.

Nghịch lý còn ở chỗ, hoạt động sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của Viglacera vẫn tăng trưởng. Nửa đầu năm 2018, Viglacera ước đạt lợi nhuận trước thuế toàn Tổng công ty gần 500 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ là hơn 300 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch cả năm.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2018, Viglacera đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế toàn Tổng công ty trong quý III/2018 là 231,5 tỷ đồng; 6 tháng cuối năm đạt 518,1 tỷ đồng. Công ty mẹ đặt kế hoạch quý III/2018 đạt lợi nhuận 120,3 tỷ đồng; 6 tháng cuối năm đạt 288,5 tỷ đồng. Với kế hoạch này, tổng lợi nhuận năm 2018 của Công ty mẹ ước đạt trên 600 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2017. Đó là kế hoạch thận trọng nhất.

Năm 2017, Đại hội đồng cổ đông Viglacera đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 9,5% và năm 2018 duy trì tỷ lệ trả cổ tức tương tự. Báo cáo tài chính của Viglacera cho thấy, dòng tiền của Tổng công ty dồi dào, tiền và các khoản tương đương tiền lên tới trên 2.100 đồng vào cuối năm 2017, các chỉ số tài chính như khả năng thanh toán nhanh, nợ trên vốn chủ sở hữu đều tốt.

Một yếu tố đáng lưu ý nữa là phương pháp định giá cổ phiếu VGC được sử dụng trong đợt chào bán của Bộ Xây dựng vừa qua là phương pháp tài sản (thực tế, VGC có hệ thống tài sản lớn), đã cho ra mức giá là 24.100 đồng/cổ phiếu.

Ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ chọn giá khởi điểm 26.100 đồng/cổ phiếu bởi cuối tháng 5/2018 (thời điểm phê duyệt phương án thoái vốn tại Viglacera), thị trường đang giao dịch khá tốt. Quan trọng hơn, Viglacera là doanh nghiệp tốt, có giá trị thực sự, tất cả các mục tiêu chiến lược, kế hoạch năm đều được Tổng công ty hoàn thành vượt mức kể từ sau cổ phần hóa.

Vậy tại sao giá cổ phiếu VGC liên tục sụt giảm? Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng, do cung cầu lệch pha và áp lực tâm lý “VGC đang dội cung” khiến nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu này cũng ngần ngại mua vào.

Cũng có thể có thêm một giả thuyết, nhà đầu tư lớn, nhân lúc thị trường đang “đỏ lửa” đã “đè” giá cổ phiếu VGC để tạo áp lực với chủ sở hữu vốn nhà nước là Bộ Xây dựng nhằm gom cả lô với giá thấp. Chênh lệch 9.000 đồng/cổ phiếu giữa giá khởi điểm thoái vốn với thị giá cổ phiếu VGC trên sàn hiện nay, nếu tính cả lô hơn 80 triệu đơn vị là số tiền không nhỏ.

“Dẫu vì lý do gì chăng nữa, để thị giá VGC tiếp tục xuống dốc trong khi nội lực và hoạt động doanh nghiệp đang đi lên, trong bối cảnh trên thị trường thứ cấp, các cổ phiếu tốt đã dần tìm lại được sức cầu là hạ sách”, vị giám đốc môi giới nhìn nhận.

Chờ đợi sự linh hoạt

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán giữa tuần trước, một lãnh đạo của Viglacera đồng thời là người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty cho biết, Viglacera chưa báo cáo Bộ Xây dựng phương án đề xuất xử lý tiếp theo, khi thời hạn để thoái vốn nhà nước theo quyết định đã được phê duyệt kết thúc (ngày 22/7 là hạn cuối cùng của đợt chào bán).

Theo các quy định hiện hành, giá trị doanh nghiệp Viglacera tương đương 24.100 đồng/cổ phiếu có giá trị trong thời gian 6 tháng kể từ thời điểm được phê duyệt. Nghĩa là, Bộ Xây dựng có thể tiếp tục sử dụng mức giá này trong trường hợp muốn tiếp tục thoái vốn VGC.

Câu hỏi đặt ra là, với thực trạng của Viglacera và diễn biến của thị trường chứng khoán hiện nay, liệu Bộ Xây dựng có hạ giá khởi điểm và tiếp tục thoái vốn qua sàn, dù trước đây đã làm nhưng không thành công? Nếu hạ giá khởi điểm, mức giá nào là phù hợp?

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán có nhiều kinh nghiệm tư vấn thoái vốn nhà nước cho rằng, nếu vẫn theo “vết xe đổ” sẽ là một sai lầm, dù bối cảnh thị trường có thể đã khác. Thoái vốn qua sàn với khối lượng lớn mà không đo được sức cầu sẽ là một rủi ro và tạo bất lợi cho bên bán bởi cung cầu mất cân đối.

Hơn nữa, với thị giá VGC hiện nay, liệu Bộ Xây dựng có dám hạ giá khởi điểm xuống dưới kết quả định giá đã được đơn vị tư vấn đưa ra? Thị trường “đỏng đảnh”, giá cổ phiếu có thể tăng vọt trong thời gian ngắn, ai dám ký quyết định và chịu trách nhiệm cho việc hạ giá khởi điểm khi tới đây, thị giá cổ phiếu VGC có thể tăng vọt, dẫn tới nguy cơ thất thoát vốn nhà nước?

Đó là chưa kể, nhìn vào các đợt bán cổ phần thoái vốn của nhiều đơn vị trong thời gian qua, có mức giá không hề thấp, dù giá trị doanh nghiệp thấp xa so với Viglacera. Đơn cử, Tổng công ty Bạch Đằng, doanh nghiệp có tới hơn 90% vốn nhà nước do Bộ Xây dựng quản lý. Tuy lợi nhuận “cỏn con” vài ba tỷ đồng một năm trên vốn điều lệ hơn 200 tỷ đồng, nhưng toàn bộ phần vốn nhà nước tại tổng công ty này đã được mua thành công với giá 26.300 đồng/cổ phiếu, gấp đôi so với giá khởi điểm.

Điểm khác ở đợt chào bán phần vốn tại Tổng công ty Bạch Đằng là quy mô đợt bán vốn nhỏ, bán qua đấu giá, bên mua có thể mua cả lô để nắm quyền chi phối doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 56,67% vốn tại Viglacera vào cuối năm 2019. Đây là tỷ lệ sở hữu mà những nhà đầu tư lớn mơ ước, bởi họ có thể nắm quyền chi phối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Viglacera là doanh nghiệp đầu ngành, có nhiều lợi thế, vậy bên bán có nên xé lẻ món hàng, dù với giá trị của Viglacera hiện tại và sau 1 - 2 năm nữa, để có thể sở hữu số cổ phần trên, bên mua phải bỏ ra ít nhất gần 6.000 tỷ đồng, một số tiền rất lớn.

Việc cần làm lúc này, theo góc nhìn của giới chuyên môn là Bộ Xây dựng cần có tuyên bố rõ ràng về định hướng thoái vốn nhà nước tại Viglacera trong thời gian tới, để góp phần ổn định tâm lý cổ đông, nhà đầu tư và doanh nghiệp tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo ra giá trị tốt hơn cho các bên liên quan, trong đó có cả cổ đông nhà nước.

Song song với đó là tìm kiếm các nhà đầu tư lớn quan tâm tới cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Viglacera từng là đích ngắm của không ít “thợ săn” nước ngoài, là những tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Những vấn đề kỹ thuật như Viglacera chưa thể nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài do đang có ngành nghề đầu tư kinh doanh bất động sản, không phải quá khó để giải quyết.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đậu Minh Thanh cho biết, Bộ Xây dựng chưa có kế hoạch hạ giá khởi điểm để thoái hơn 80 triệu cổ phiếu VGC chưa bán được trong thời gian qua. Dù theo phương án nào chăng nữa, mục tiêu cuối cùng vẫn phải đảm bảo tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.

Khi cổ phiếu xuống giá bất bình thường, sẽ chẳng có cổ đông nào được lợi, Nhà nước cũng không phải là ngoại lệ. Bởi vậy, trước khi triển khai những bước đi thận trọng tiếp theo, nhiều cổ đông của Viglacera mong đợi, Nhà nước sớm có thông tin rõ ràng để cổ phiếu VGC “cầm máu”.

Tin bài liên quan