Thiếu tiêu chí đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện có 3 nhóm chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Thiếu tiêu chí đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cụ thể, Nhóm 1 nhằm quản lý điều chỉnh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, bao gồm những yếu tố liên quan đến môi trường kinh doanh như các luật về thuế, quản lý thuế, doanh nghiệp đầu tư đất đai, hải quan, xây dựng, lao động. Nhóm 2, gồm những chính sách có liên quan đến phát triển ngành và lĩnh vực hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, xúc tiến thương mại, lao động, tài chính tín dụng. Nhóm 3, gồm những chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV như Nghị định 56/2009/NĐ-CP với 8 nhóm chính sách hỗ trợ DNNVV, kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm…

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DNNVV” do Cục Phát triển doanh nghiệp và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hôm qua (9/9), đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp thừa nhận, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV đưa ra trong thời gian qua không đánh giá được hiệu quả. Nguyên nhân có thể do doanh nghiệp không biết; khó, hoặc không biết để tiếp cận; các chính sách hỗ trợ chưa quan tâm khuyến khích sự lớn lên về quy mô của DNNVV để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trở thành doanh nghiệp lớn.

TS. Nguyễn Phương Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho hay, Bắc Ninh có nhiều thuận lợi trong phát triển DNNVV. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bất cập về chính sách. Chẳng hạn, theo điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, số lượng DNNVV cho rằng khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng có nhiều ưu đãi đặc biệt hơn, trong khi khu vực này ít tạo ra giá trị gia tăng cho DNNVV chiếm tỷ lệ lớn. Riêng khung pháp lý về hỗ trợ cho DNNVV, Nghị định 56 còn thiếu cụ thể, chủ yếu mang tính định hướng khuyến nghị, trong khi các quy định hỗ trợ quá nhiều và thường quy định trong các chương trình, đề án do thiếu minh bạch và chưa tạo tính bình đẳng để doanh nghiệp tiếp cận. Có nhiều địa phương ban hành quy định hỗ trợ tài chính cho DNNVV chưa phù hợp với Nghị định 56.

Những nguyên nhân chính dẫn đến chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không đạt như kỳ vọng thời gian qua, theo Cục Phát triển doanh nghiệp, là do 6/8 nhóm chính sách hỗ trợ lồng ghép trong chương trình ngành và lĩnh vực, nên đối tượng cần hỗ trợ rất rộng, chưa cụ thể, nội dung không phù hợp theo quy mô doanh nghiệp. Hay như chính sách chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành, Nghị định 56 không thể quy định chi tiết chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp. Mặt khác, nguyên nhân cũng đến từ bản thân cộng đồng DNNVV, khi năng lực, tầm nhìn còn ngắn hạn, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không quan tâm nhiều đến các chương trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thế nhưng, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do, khi xây dựng không có những  tiêu chí đánh giá cụ thể sự tác động, nên khó thẩm định chính sách.

Bà Hằng đưa ra 4 tiêu chí đánh giá chính sách hỗ trợ DNNVV, bao gồm: sự bình đẳng, tính hiệu quả, tính tối ưu của chính sách, chính sách đó hướng đến lợi ích công cộng hay đặc thù cho một nhóm đối tượng thiểu số. “Dựa vào 4 tiêu chí trên, không thể bỏ qua một tiêu chí nào khi đánh giá chính sách. Có như vậy mới đánh giá về mặt chi phí về lợi ích của chính sách đối với cộng đồng DNNVV”, bà Hằng nhấn mạnh. 

Tin bài liên quan