Vướng mắc thủ tục khiến Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển bị đóng băng hơn 10 năm nay. Ảnh: Trọng Tín

Vướng mắc thủ tục khiến Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển bị đóng băng hơn 10 năm nay. Ảnh: Trọng Tín

Tháo “vòng kim cô” cho doanh nghiệp bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Luật Nhà ở sẽ góp phần tháo “chiếc vòng kim cô pháp lý” kéo dài nhiều năm khiến không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.

“Không biết xoay xở thế nào”

Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai tiếp tục chia sẻ với các cổ đông về tình trạng “đóng băng” của hàng loạt dự án do vướng mắc về pháp lý, nổi cộm là Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (Nhà Bè, TP.HCM).

Bà Loan cho biết, với dự án hơn 90 ha này, Quốc Cường Gia Lai đã làm được 5/7 bước: chỉ định trúng thầu, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư năm 2015, duyệt quy hoạch 1/500 vào năm 2016, duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, được chấp thuận đầu tư dự án vào năm 2017. Đến tháng 4/2019, Dự án được chấp thuận đầu tư hạ tầng. Công ty đã gõ cửa hàng loạt cơ quan chức năng, nhưng Dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

“Chúng tôi đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường xin giao đất để thực hiện Dự án, làm trước bước xây dựng hạ tầng, nhưng 1 năm sau, chúng tôi mới nhận được câu trả lời là không được giao đất”, bà Loan nói.

Theo bà Loan, tháng 2/2020, UBND TP.HCM đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp địa ốc để tháo gỡ vướng mắc và sau đó đã có cuộc họp riêng với Quốc Cường Gia Lai, nhưng lại xảy ra một vấn đề khác là vướng đất xen cài.

“Một đối tác đã đồng ý góp vốn 2.800 tỷ đồng vì Dự án đã nhận được sự chấp thuận đầu tư. Nhưng đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, không thể giao đất cho Quốc Cường Gia Lai mà phải chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, với lý do đất dự án có kênh rạch bên trong”, bà Loan nói.

Bà Loan cho biết, ngày 1/8 tới, thời hạn được chấp thuận đầu tư kết thúc, xem như Quốc Cường Gia Lai không có năng lực thực hiện, thì không biết dự án sẽ đi đâu về đâu. Quốc Cường Gia Lai bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh.

“Công ty không biết xoay sở thế nào, dòng tiền thu - chi không chủ động được. Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, mà lỗi này hoàn toàn không phải do chúng tôi gây ra”, bà Loan nhấn mạnh.

Tháo “vòng kim cô”

Câu chuyện của Quốc Cường Gia Lai chỉ là một ví dụ cho tình trạng đóng băng hàng trăm dự án tại TP.HCM chỉ vì vướng “vòng kim cô” pháp lý. Đây vẫn là nút thắt lớn nhất của thị trường địa ốc tính đến thời điểm này, khiến không ít doanh nghiệp bất động sản đứng trên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua có thể mở ra “tia sáng” không chỉ cho Quốc Cường Gia Lai, mà cả thị trường bất động sản. Theo đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) cho phép xử lý các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất - kinh doanh có sử dụng đất, cũng như các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, bao gồm đất ở và đất nông nghiệp.

Ngoài ra, một số điều khoản bổ sung và sửa đổi khác sẽ tháo gỡ các ràng buộc của Luật Nhà ở 2014, đó là chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận, thì việc xác định chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng. Đặc biệt, chủ đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.

Một bước tiến dài khác cho thị trường bất động sản là bỏ quy định doanh nghiệp phía Nam phải chạy ra Bộ Xây dựng để “xin” duyệt tầng cao. Luật Xây dựng đã giảm bớt “bước thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở” của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định cho phép Cục Công tác phía Nam của Bộ được thực hiện công tác của cơ quan chuyên môn về xây dựng, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp 1 là nhà, hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng, hoặc chiều cao không quá 100 m.

“Các chính sách mới vừa tháo gỡ được ách tắc cho hàng trăm dự án nhà ở hiện nay, đồng thời xác lập quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án có quyền sử dụng đất, phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận nhà đầu tư”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.

Doanh nghiệp thiệt hại lớn vì dự án bị ách tắc

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, từ ngày 10/12/2015 (ngày Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực) đến tháng 10/2018, tại TP.HCM đã có 126 dự án nhà ở thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư bị ách tắc thủ tục đầu tư, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Điều này góp phần làm sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm cho thị trường bất động sản, người tiêu dùng phải mua nhà giá cao hơn, ngân sách nhà nước bị thất thu.

Tin bài liên quan