Thanh tra Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Vén rèm vi phạm

Hàng loạt vi phạm, sai sót nghiêm trọng liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) trong giai đoạn 2012 - 2016 vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Phóng tay chỉ định thầu

Sau đúng 1 năm rưỡi kể từ thời điểm công bố quyết định thanh tra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh vừa ký Kết luận thanh tra số 2569/KL - TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại ACV.

Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, về vốn điều lệ. tổng tài sản và quỹ đất.

Thanh tra Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Vén rèm vi phạm ảnh 1

22 cảng hàng không trên cả nước đang được ACV quản lý, vận hành, khai thác. 

Một điều khá trùng hợp là khi Tổng thanh tra Chính phủ ký quyết định thanh tra ACV (ngày 12/4/2016) cũng lúc doanh nghiệp này chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đó là giai đoạn 2012 - 2016.

Theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm tháng 4/2016, ACV đang quản lý, vận hành, khai thác 22 cảng hàng không với doanh thu luôn tăng trưởng nhanh, trong đó năm 2015, tổng doanh thu của riêng công ty mẹ đạt 14.392 tỷ đồng, chủ yếu từ dịch vụ hàng không và phi hàng không.

Sau khi rà soát, kiểm tra một số nội dung doanh thu dịch vụ phi hàng không, Thanh tra Chính phủ phát hiện, từ năm 2012 đến năm 2015, ACV đã không tổ chức đấu thầu, mà thực hiện chỉ định thầu cho các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng nhà ga để kinh doanh.

Trong khi đó, tại mục 3, phần e, Điều 63, Thông tư số 16/2010/TT - BGTVT quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay của Việt Nam có hoạt động hàng không dân dụng, Bộ GTVT là cấp trên trực tiếp của ACV đã quy định: “Tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không quyết định cho tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng thuộc quyển quản lý, sử dụng của mình bằng hình thức đấu thầu để cung cấp dịch vụ phi hàng không”.

Trong hai năm 2014 và 2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 m2, tổng số tiền thu về là 701,1 tỷ đồng. Tất cả trường hợp này đều được thực hiện dưới hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.

Trong bản kết luận gồm 38 trang A4 này, Thanh tra Chính phủ không làm rõ những hệ lụy của việc phóng tay chỉ định thầu tùy tiện, nhưng nếu việc lựa chọn các đơn vị khai thác mặt bằng tại các ga hàng không đi/đến được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, thì hiệu quả tài chính mang lại chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.

Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh việc tùy tiện chỉ định thầu, ACV còn bị Thanh tra Chính quy trách nhiệm chính trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.

Theo đó, hiện có tới 21/22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1,65 triệu đồng.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/1/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không là 551 tỷ đồng. Việc thu không đúng quy định Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng này, theo Thanh tra Chính phủ, tuy mang lại lợi ích cho ACV, cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.

Theo Thanh tra Chính phủ, ACV phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra vi phạm này, nhưng nếu các cơ quan liên quan như Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam không buông lỏng quản lý; tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời… thì đơn vị quản lý sân bay sẽ không thể tự tung, tự tác.

Lỏng lẻo trong quản lý “đất vàng”

Do đặc thù ngành nghề, ACV là một trong những doanh nghiệp nắm trong tay quỹ đất lớn bậc nhất Việt Nam, trong đó có nhiều vị trí có lợi thế kinh doanh rất lớn.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ACV và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước đang quản lý và sử dụng 3.102,21 ha đất, trong đó trong khu vực cảng hàng không, sân bay là 3.085,56 ha (gồm đất giao không thu tiền sử dụng khoảng 2.888,27 ha, đất thuê trả tiền hàng năm trên 197,30 ha); đất ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay là 14,64 ha (gồm 8,28 ha đất giao không thu tiền sử dụng và trên 6,3 ha đất thuê trả tiền hàng năm).

Đến thời điểm thanh tra, ACV chưa làm thủ tục thuê 2 triệu m2 đất đối với Nhà nước, trong đó, có 1,97 triệu m2 đất tại các cảng hảng không sân bay; 19.241,6 m2 đất ngoài cảng hàng không, sân bay (bao gồm 6 địa chỉ đất tại TP.HCM với tổng diện tích hơn 13.212 m2; 5 trung tâm giao dịch hàng không và 1 nhà tập thể với tổng diện tích khoảng 6.000 m2.

Cần phải nói thêm rằng, theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ACV không phải xác định diện tích đất nêu trên vào giá trị doanh nghiệp, mà được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Ngoài lỗi vi phạm quy định khoản 2, Điều 107, Luật Đất đai năm 2003 và khoản 2, Điều 107, Luật Đất đai năm 2013 do chưa làm thủ tục thuê đất, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc ACV chưa làm thủ tục thuê đất trước khi chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần (1/4/2016) còn vi phạm tiếp quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 31, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đây là lý do khiến ACV vẫn chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa cho đến thời điểm đoàn Thanh tra ra Kết luận (tháng 10/2017).

Dẫn chiếu khoản 1, Điều 175, Luật Đất đai năm 2013 về “tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm chỉ được quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê...; góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê”, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc quản lý, sử dụng đất, tài sản trên đất của ACV có nhiều trường hợp “lệch” quy định pháp luật.

Cụ thể, lô đất số 1A Hồng Hà (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) có diện tích 6.097,7m2 và 10 trung tâm giao dịch hàng không (có tổng diện tích 23.216 m2) thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, nhưng ACV và các chi nhánh lại tự ý xé rào cho thuê tài sản trên đất, cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các mục đích không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính như lập showroom ô tô, chi nhánh giao dịch ngân hàng, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bán quần áo...

“Những việc làm trên là sử dụng đất không đúng mục đích khi nhà nước cho thuê, vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 175, Luật Đất đai năm 2013”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Đáng lưu ý là trong quá trình kiểm tra việc sử dụng đất đai tại số 1A - Hồng Hà và số 58 - Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), Thanh tra Chính phủ nhận thấy, Sở Xây dựng TP.HCM cấp Giấy phép xây dụng số 70/GPXD ngày 06/4/2010 cho Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam (nay là ACV) xây dựng công trình “văn phòng kết hợp nhà trưng bày xe ô tô” trên diện tích 6.097,7m2 tại số 1A - Hồng Hà trước khi UBND TP.HCM có quyết định cho thuê đất.

Tại Quyết định số 5941/QĐ - UBND ngày 30/12/2010, UBND TP.HCM chỉ cho ACV thuê đất để sử dụng làm “văn phòng làm việc”, không được sử dụng vào mục đích khác. Như vậy, Sở Xây dựng TP.HCM vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, dẫn đến ACV sử dụng đất không đúng mục đích được Nhà nước cho thuê.

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất sau kỳ ổn định 5 năm (từ 1/1/2010 đến 1/1/2016) đối với lô đất số 1A - Hồng Hà là vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 14,  Nghị định số 46/2014/NĐ - CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, dẫn đến ACV chưa nộp đúng, nộp đủ tiền thuê đất vào Ngân sách Nhà nước.

Trước đó, trong kết luận thanh tra công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại 5 cảng hàng không trọng yếu được công bố vào tháng 7/2017, Bộ GTVT cho biết, việc quản lý mặt bằng tại các sân bay của ACV là chưa chặt chẽ. Tại thời điểm thanh tra, còn một số vị trí doanh dịch vụ phi hàng không có diện tích thực tế lớn hơn diện tích xác định trong hợp đồng đã ký kết. Bên cạnh đó, các trung tâm hỗ trợ khách hàng tại sảnh công cộng được chia cho các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh, theo Thanh tra Bộ GTVT, là không đúng mục đích sử dụng.

Trong bối cảnh diện tích các nhà ga là hữu hạn, thì việc ACV “lỏng tay” quản lý như trên không những làm mất đi một khoản doanh thu đáng kể, mà còn làm giảm chất lượng dịch vụ.

Tin bài liên quan