Vinasun - ông lớn taxi khu vực phía Nam đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ triền miên trong lĩnh vực kinh doanh chính.

Vinasun - ông lớn taxi khu vực phía Nam đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ triền miên trong lĩnh vực kinh doanh chính.

Thanh lý tài sản, cắt giảm nhân viên, Vinasun vẫn kinh doanh “lay lắt”

Hãng taxi lớn nhất phía nam tiếp tục báo lỗ gần 6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trong quý II và chỉ thực sự được “cứu nguy” nhờ những khoản lợi nhuận bên ngoài, đạt mức lãi 16 tỷ đồng, bằng 1/4 cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã chứng khoán VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Theo đó, trong kỳ vừa rồi, Vinasun ghi nhận 530 tỷ đồng doanh thu, giảm 35% so với cùng kỳ 2017. Dù giá vốn giảm gần 38% xuống còn 432 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Vinasun vẫn chỉ đạt con số gần 98 tỷ đồng, bằng 84% cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể, chi phí tài chính lớn (toàn bộ là chi phí lãi vay, chiếm 14,5 tỷ đồng) thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng và ăn mòn doanh thu thuần.

Kết quả, hãng taxi lớn nhất phía nam tiếp tục báo lỗ gần 6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trong quý II. Cùng kỳ, Vinasun vẫn lãi gần 12 tỷ đồng từ mảng kinh doanh chính. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Vinasun ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Giữa lúc đó, khoản lợi nhuận khác cũng giảm mạnh chỉ còn bằng 46% cùng kỳ, đạt gần 22 tỷ đồng đã “cứu nguy” cho Vinasun, giúp hãng xe này báo lãi hơn 16 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, kết quả này chỉ bằng 27% so với mức lãi của quý II/2017. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, hãng xe còn gần 13 tỷ đồng lãi ròng, sụt giảm hơn 72%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vinasun báo lãi hơn 30 tỷ đồng, giảm lãi tới 76% so với nửa đầu 2017 và lãi sau thuế còn hơn 24 tỷ đồng, giảm tương ứng so cùng kỳ.

Hoạt động sa sút của Vinasun diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này phải cạnh tranh gay gắt với taxi công nghệ. Mặc dù vừa qua Uber đã sáp nhập vào Grab và Vinasun cũng đưa ra thị trường ứng dụng đặt xe để cạnh tranh với Grab, thế nhưng, điều đó không có nghĩa là thị trường taxi đã “dễ thở” hơn với “ông lớn” này.

Trong giai đoạn nửa đầu năm nay, doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi của Vinasun đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ, đạt 439 tỷ đồng, giảm hơn 73%.

Doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng cũng giảm nhẹ, trong khi đó, doanh thu từ nhượng quyền, hợp tác thương mại và khai thác taxi lại tăng đáng kể lên hơn 428 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ.

Ngoài ra, “ông trùm” taxi phía nam cũng ghi nhận hơn 30 tỷ đồng nguồn thu nhập từ thanh lý tài sản cố định.

Kinh doanh không thể "sống" bằng ngành nghề chính, nửa đầu năm 2018, Vinasun lại tiếp tục giảm nhân sự. Tổng số nhân viên toàn công ty này ở con số 7.021 người vào 30/6/2018, giảm thêm gần 100 người so với đầu năm.

Mới đây, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã bán cắt lỗ toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu Vinasun, tương đương với 7,96% vốn của doanh nghiệp này sau gần 4 năm đầu tư.

Sau đó, Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) lại quyết định mua vào 7,2 triệu cổ phiếu Vinasun và trở thành cổ đông lớn thứ 3 của hãng xe này.

Trong năm 2018, Vinasun đặt kế hoạch rất thận trọng với doanh thu mục tiêu 1.750 tỷ đồng (giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2017), lãi ròng hướng đến mức 95 tỷ đồng.

Tin bài liên quan